Về Di tích Ngọ Môn: Ngày ấy-bây giờ

Ngày 2-9, nhiều người hòa mình vào dòng du khách thăm hệ thống di tích Cố đô Huế, đã rất xúc động khi về Ngọ Môn - nơi vua Bảo Đại thoái vị cách đây 74 năm.

Ngày 2-9, nhiều người hòa mình vào dòng du khách thăm hệ thống di tích Cố đô Huế, đã rất xúc động khi về Ngọ Môn - nơi vua Bảo Đại thoái vị cách đây 74 năm. Nhật Anh, cô hướng dẫn viên người Huế giọng rành rọt: Sau khi khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi vào ngày 23-8-1945, ở Huế tiếp tục diễn ra một sự kiện lịch sử quan trọng, đó là lễ thoái vị của Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam...

Chốn Hoàng cung xưa với cảnh cũ rêu phong càng thêm hấp dẫn bởi các hoạt động tái hiện phiên gác của cấm vệ quân cung đình xưa tại cổng Ngọ Môn, biểu diễn Tiểu nhạc tại sân Điện Thái Hòa, Trường lang Tử Cấm Thành và Vườn Cơ Hạ, biểu diễn Đại nhạc tại sân Thế Miếu, biểu diễn Ca Huế tại Cung Trường Sanh cùng các chương trình âm sắc hoàng cung, tái hiện các trò chơi cung đình... Đặc biệt, lúc 19 giờ 30 ngày 2-9, Trung tâm còn bắn 21 phát súng Thần công tại phía Nam Kỳ đài Huế để người dân và du khách thưởng lãm.

Cổng Ngọ Môn sau khi được làm sạch.

Cổng Ngọ Môn sau khi được làm sạch.

Chiến dịch bảo tồn và khôi phục các giá trị di sản văn hóa Huế

Nhìn dòng người nối dài vào thăm Hoàng cung bây giờ, ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế chia sẻ: ngày 25-11-1981, sau chuyến thăm Huế, Tổng giám đốc UNESCO lúc bấy giờ là ngài Amadou Mahtar M'Bow đã kêu gọi nhằm phát động trên phạm vi quốc tế một cuộc vận động bảo tồn và khôi phục các giá trị của di sản văn hóa Huế. Từ thời điểm này trở đi, việc bảo quản, trùng tu tôn tạo các di tích Huế bắt đầu được vận hành đúng với quỹ đạo của nó.

Có thể nói sau chiến tranh, Quần thể Di tích Cố đô Huế bị tàn phá nghiêm trọng, chỉ còn khoảng 400/1.400 công trình nhưng trong tình trạng đổ nát, hư hỏng. Các di sản phi vật thể cũng bị hủy hoại, thất tán. Ngày 12-12-1996, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 105/TTg phê duyệt Dự án Quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích cố đô Huế, giai đoạn 1996 - 2010 và sau này là Quyết định số 818/QĐ-TTg phê duyệt dự án điều chỉnh Quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế giai đoạn 2010 - 2020, với tổng mức đầu tư 2.300 tỷ đồng. Mục tiêu là hoàn thiện bảo tồn tổng thể di tích cố đô Huế vào năm 2020.

Kể từ sau khi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới (năm 1993) đến nay, các chính phủ và tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã tài trợ cho Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế gần 10 triệu USD để trùng tu hệ thống di tích cố đô Huế. Ngoài việc hỗ trợ vật chất, nhiều tổ chức, cá nhân nước ngoài còn cử chuyên gia đến Huế tham gia công tác trùng tu di tích như: Ba Lan cử các chuyên gia Xí nghiệp Bảo tồn tài sản văn hóa Ba Lan (PKZ) giúp Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế xử lý chống mối mọt và bảo tồn trùng tu công trình Thế Tổ Miếu, với số tiền 900.000 USD; nhóm chuyên gia Đức giúp phục hồi các bức tranh tường ở cung An Định trong dự án do Bộ Ngoại giao Đức thông qua Hiệp hội trao đổi văn hóa Leibniz...

Huế-một điểm đến 5 di sản

Nhờ tích cực đầu tư, đến nay, đã có hơn 170 công trình thuộc hệ thống di tích Cố đô Huế được bảo tồn, trùng tu và tu bổ. Các công trình đã được bảo tồn, tu bổ đã góp phần khép lại không gian hoang phế, đổ nát ở Kinh thành, Hoàng thành, các đàn, miếu và một số lăng vua triều Nguyễn, tiêu biểu là các di tích: Ngọ Môn, Điện Thái Hòa, Hiển Lâm các, cụm di tích Thế Miếu, Duyệt Thị Đường, cung Trường Sanh, điện Long An, tổng thể đàn Nam Giao, lăng Gia Long, chùa Thiên Mụ, cung An Định, 10 cổng Kinh thành Huế...

Di tích Ngọ Môn - nơi vua Bảo Đại thoái vị ngày ấy nay đang được triển khai (giai đoạn 2) đúng tiến độ, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2020. Mới đây, Ngọ Môn - cổng lớn nhất của Hoàng thành Huế đã được đầu tư hơn 100 tỷ đồng (giai đoạn 1) trùng tu toàn diện, để có được diện mạo tương đối hoàn thiện như hiện nay. Như vậy, kể từ cuộc đại trùng tu vào năm 1923 dưới triều vua Khải Định, việc trùng tu Ngọ Môn lần này không chỉ thực hiện ở lầu Ngũ Phụng và hệ thống lan can, mà tình trạng ô nhiễm ở bề mặt tường của cổng phía dưới cũng được xử lý. Thông qua các chuyên gia Đức từng thực hiện bảo tồn các dự án tại khu di sản Huế, tập đoàn Karcher đã khảo sát và nghiên cứu phương pháp làm sạch cho cổng di tích Ngọ Môn. Theo đó, đoàn chuyên gia sẽ áp dụng công nghệ phun rửa áp lực cao ở chế độ hơi nước nóng để "tẩy" bề mặt cho tường cổng Ngọ Môn.

Hệ thống di tích Cố đô Huế sau khi được bảo tồn, tôn tạo đã nhanh chóng phát huy giá trị trong việc thu hút khách du lịch. Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã xây dựng nhiều tour tuyến khai thác "Huế - một điểm đến 5 di sản" tổ chức nhiều hoạt động như các trò chơi cung đình, trình diễn thư pháp tại sân sau điện Thái Hòa, tái hiện lễ đổi gác tại Ngọ Môn... để thu hút khách du lịch. Việc đầu tư trùng tu cũng góp phần phát huy giá trị hệ thống di tích Cố đô Huế. Năm 2018 đã có hơn 3,5 triệu lượt khách đến tham quan các điểm di tích thuộc khu di sản Huế, riêng doanh thu từ vé tham quan đạt 381,7 tỷ đồng, vượt kế hoạch nhà nước giao trên 19%.

QUỐC VIỆT

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_211998_ve-di-tich-ngo-mon-ngay-ay-bay-gio.aspx