Về di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Khu nhà Vương (Đồng Văn, Hà Giang): Thừa nhận cấp sai , Hà Giang sẽ thu hồi 'sổ đỏ'

VH- Cuối giờ chiều qua 23.8, lãnh đạo tỉnh Hà Giang thừa nhận, việc cấp 'sổ đỏ' di tích quốc gia Khu nhà Vương cho Phòng VHTT Đồng Văn là sai quy định. Nhưng trước đó khoảng 1 tháng, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh này vẫn một mực khẳng định 'là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật'.

Giám đốc Sở TN&MT Hà Giang quá tự tin

Còn nhớ, trong văn bản trả lời Sở VHTTDL Hà Giang, trước khi đi đến khẳng định “việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Phòng VHTT, địa chỉ thị trấn Đồng Văn là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật”, ông Hoàng Văn Nhu, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh này đã viện dẫn một loạt căn cứ, nào là quyết định xếp hạng di tích năm 1993, quyết định của UBND tỉnh Hà Giang năm 2006 và Khoản 1, Điều 98 Luật Đất đai năm 2003; Khoản 1, Điều 54 Nghị định 181/2004/NĐ-CP về việc thi hành Luật Đất đai quy định về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Thế nhưng, trả lời báo chí vào chiều qua 23.8, ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, sẽ thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất mà Sở TN&MT đã cấp cho Phòng VHTT huyện Đồng Văn năm 2012. “Hà Giang cấp “sổ đỏ” di tích Khu nhà Vương là sai nên chúng tôi sẽ thu hồi và hủy quyết định trước đó”, ông Quý khẳng định.

Lý giải vì sao lại cấp “sổ đỏ” như vậy, ông Trần Đức Quý cho biết năm 2012, khi địa phương tiến hành rà soát các di tích thuộc quyền quản lý nhà nước để cấp “sổ đỏ” thì tỉnh cấp “sổ đỏ” Khu nhà Vương cho Phòng VHTT huyện Đồng Văn để quản lý đất đai và di tích. “Ở đây không hề có chuyện lợi dụng việc “cấp sổ đỏ” để phục vụ lợi ích của cá nhân nào đó mà vì việc chung. Hoàn toàn không phải tỉnh cấp “sổ đỏ” di tích này là thu hồi đất giao cho lãnh đạo hay cá nhân nào”, ông Quý phân bua.

Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh này còn nói rằng, “nếu cấp vì mục đích cá nhân thì sẽ bị xử lý nặng. Còn do anh em nghiên cứu chưa kỹ, sơ suất, trình độ chuyên môn chưa hiểu rõ thì xem xét. Nhưng tôi nghĩ anh em vì cái chung để quản lý di tích tốt hơn thôi”.

Tỉnh Hà Giang đã làm trái ý kiến của Bộ?

Xung quanh vụ việc này, thiết nghĩ các cơ quan chức năng của tỉnh mà cụ thể là Sở TN&MT tỉnh Hà Giang nếu không quá “tự tin” đến mức như thế thì sẽ không có chuyện “dở khóc, dở cười”. Bởi quyền sở hữu di tích Khu nhà Vương đã được “chốt” lại từ cách đấy 16 năm có lẻ.

Nhắc lại để nhớ rằng, năm 2002, vấn đề quyền sở hữu di tích quốc gia Khu nhà Vương đã có ít nhất hai văn bản nêu rất rõ. Thứ nhất, tại Thông báo “Ý kiến kết luận của Bộ trưởng Bộ VHTT (nay là Bộ VHTTDL) Phạm Quang Nghị tại buổi làm việc với ông Vương Quỳnh Sơn, đại diện gia đình sở hữu khu nhà của dòng họ Vương, xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang được Bộ VHTT công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật”, do ông Phạm Việt Long, Chánh Văn phòng Bộ ký ngày 20.3.2002, nhấn mạnh: “Quyết định này (quyết định công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Khu nhà Vương-NV) không quốc hữu hóa quyền sở hữu ngôi nhà của những người trong gia đình được quyền thừa kế hợp pháp”.

Tiếp đó, ngày 9.4.2002, Bộ trưởng Bộ VHTT lúc bấy giờ là ông Phạm Quang Nghị đã ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ “Báo cáo tình hình giải quyết di tích Nhà Vương tỉnh Hà Giang”. Văn bản nêu: “Việc xếp hạng di tích và đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích Nhà Vương ở Sà Phìn nhằm giữ gìn và phát huy giá trị của di tích trong thời gian qua của Nhà nước là một chủ trương đúng đắn. Sau khi trao đổi, họ Vương và ông Vương Quỳnh Sơn đánh giá cao sự quan tâm của Nhà nước đối với việc giữ gìn và phát huy giá trị kiến trúc, nghệ thuật tòa nhà họ Vương. Bộ VHTT cũng đã khẳng định với ông Vương Quỳnh Sơn Quyết định này không quốc hữu hóa quyền sở hữu ngôi nhà của những người trong gia đình được thừa kế hợp pháp”. Cả hai văn bản trên đều đồng gửi đến UBND tỉnh Hà Giang, và đồng thời khẳng định rằng, “không quốc hữu hóa quyền sở hữu ngôi nhà”, tức di tích quốc gia Khu nhà Vương.

Tại thời điểm đó, Bộ VHTT (nay là Bộ VHTTDL) chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về di sản đã “tuyên bố” không quốc hữu hóa di tích quốc gia Khu nhà Vương, đồng nghĩa với việc di tích đó thuộc về những người trong gia đình được thừa kế hợp pháp của họ Vương. Đặc biệt, trong cả hai văn bản ấy Bộ VHTT đã đồng ý với kiến nghị của ông Vương Quỳnh Sơn là, giữ lại 1 hoặc 2 phòng trong di tích này sau khi tu bổ tôn tạo xong để người trong gia đình được giao nhiệm vụ trông nom di tích, cũng như những người trong gia đình ở xa về tham quan di tích nghỉ tạm trú tại đó.

Đồng ý khép lại việc xếp hạng

Tại buổi làm việc với lãnh đạo Thanh tra Bộ VHTTDL, Cục Di sản văn hóa ngày 10.8 vừa qua để xem xét nội dung đơn khiếu nại ngày 30.7.2018 của ông Vương Duy Bảo, ông Phạm Cao Thái, Chánh Thanh tra Bộ cho biết, ông Bảo đã đồng ý khép lại về việc xếp hạng di tích Khu nhà Vương theo quyết định 937-QĐ/BT năm 1993, bởi nó đã được giải quyết một cách hợp tình, hợp lý từ năm 2002. Riêng về vấn đề khiếu nại cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất đối với di tích kiến trúc nghệ thuật Khu nhà Vương (xã Sà Phìn, Đồng Văn-Hà Giang), đấy là thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh Hà Giang. Bộ đã có văn bản chuyển nội dung này đến UBND tỉnh Hà Giang để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

NGUYỄN THANH SƯƠNG

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/v%C4%83n-h%C3%B3a/ve-di-tich-kien-truc-nghe-thuat-quoc-gia-khu-nha-vuong-dong-van-ha-giang-thua-nhan-cap-sai-ha-giang-se-thu-hoi-so-do