Vẻ đẹp thuần khiết ở làng Cự Trữ

Sự phát triển của cuộc sống hiện đại đang khiến những hình ảnh con sông quê với cây đa, giếng nước, sân đình dần bị lui vào dĩ vãng để nhường chỗ cho cuộc hiện đại. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn những làng quê không chỉ gìn giữ được các giá trị truyền thồng, mà còn phát huy thế mạnh đó trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Phù xa Ninh Cơ

Bình minh tại Cự Trữ đón chào chúng tôi bằng những âm thanh kẽo kẹt liên hồi, phát ra từ những khung cửi dệt vải của người dân. Dạo bước quanh con đường nhỏ dẫn ra đến giữa làng là hình ảnh một kênh nước lớn với những cây cầu đá, cầu tre bắc ngang để người dân qua lại đôi bờ. Thấp thoáng phía xa một phiên chợ quê họp cạnh bờ kênh đang tấp nập người mua kẻ bán, với đầy đủ hàng hóa từ mớ rau, con cá phục vụ cuộc sống của người dân trong làng.

Không gian xưa vẫn đang được bảo vệ, gìn giữ tại làng Cự Trữ

Không gian xưa vẫn đang được bảo vệ, gìn giữ tại làng Cự Trữ

Với những ai sinh ra và lớn lên tại một làng quê Bắc Bộ, hay đơn giản chỉ là có cơ duyên được đặt chân đến miền đất này như chúng tôi, cũng đều cảm nhận được sự mộc mạc thân thương của hình ảnh con sông quê, cây đa, giếng nước, sân đình và phiên chợ quê họp giữa làng, đã in sâu vào trong tiềm thức. Nhưng trước sự phát triển hối hả của nhịp sống hiện đại, nhưng ngôi làng vẫn giữ được vẻ đẹp thuần khiết như Cự Trữ cũng không còn nhiều.

Vùng đất Cự Trữ được hình thành khá sớm do sự bồi đắp của sông Ninh Cơ, là một phân lưu ở hạ nguồn của sông Hồng chảy qua tỉnh Nam Định. Dòng Ninh Cơ và bến đò Cựa Gà gắn liền với những dấu ấn lịch sử từ xa xưa thời Trần, nới tướng Yết Kiêu, Dã Tượng tập luyện trên sông để chuẩn bị những trận đánh chống quân Nguyên Mông. Hàng năm đò Cựa Gà vẫn là nơi diễn ra cuộc thi bơi Chải, để ôn lại quá khứ rất đáng tự hào của người dân nơi đây.

Những công trình kiến trúc cổ độc đáo mang đậm nét văn hóa của một làng quê Bắc Bộ

Trải qua bao thăng trầm của thời gian, dòng sông Ninh Cơ vẫn ngày ngày bồi đắp nên một vùng đất trù phú với một bề dày Văn hóa – lịch sử lâu đời. Tại làng Cự Trữ ngày nay, vẫn còn gìn giữ được những nét cổ truyền của một làng quê Bắc Bộ, đó là những công trình kiến trúc như đình, đền, miếu, phủ, hệ thống các cây cầu đá bắc qua sông cùng nghề ươm tơ dệt vải truyền thống.

Ngay từ đầu làng người ta đã có thể cảm nhận được bề dày văn hóa vẫn đang hiển hiện tại Cự Trữ, với quần thể đình làng và chùa có tuổi đời trên 500 năm. Bên những hàng cây cổ thụ, các công trình kiến trúc độc đáo được phủ trên những lớp rêu phong của thời gian. Theo những cụ cao niên trong làng cho biết, chùa Cự Trữ có tên chữ là Thanh Quang được xây dựng từ khoảng năm (1556). Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử vẫn còn được bảo lưu gần như nguyên vẹn các lớp hoa văn họa tiết. Trên các trụ, kèo, xà dọc, vẫn là các họa tiết quen thuộc như rồng chầu, lá hỏa hay những hình ảnh mang dáng dấp của một cuộc sống thôn dã bình dị như người nông dân chăn trâu...

Trong tâm thức người dân làng Cự Trữ, ngôi chùa là nơi bảo tổn, lưu giữ những giá trị thuần phong mỹ tục và tinh hoa văn hóa cổ truyền được lớp lớp thế hệ cha ông dày công vun đắp. Trải qua hàng trăm năm lịch sử, không gian khu di tích luôn được nhân dân chăm sóc và tôn tạo, nên vẫn gìn giữ được tương đối trọn vẹn những giá trị nguyên bản.

Tiếng thoi đưa truyền đời

Bên dòng Ninh Cơ trù phú bao đời nay vẫn là những cánh đồng trồng dâu bạt ngàn xanh tốt phục vụ cho nghề nuôi tằm, ươm tơ, dệt vải. Trải qua trăm năm lịch sử nghề dệt ở Cự Trữ (xã Phương Định, huyện Trực Ninh, Nam Định) vẫn ngày ngày vang vọng tiếng thoi, mang tâm huyết giữ gìn cái nghề mà cha ông để lại.

Nhịp sống bình yên tại làng Cự Trữ

Hiện tại, hầu hết các hộ trong làng đều có ít nhất từ 4-5 khung dệt, nhà nhiều lao động có từ 10 đến 15 khung, còn các tổ sản xuất lớn có tới vài trăm khung cửi trong các nhà xưởng tập trung. Mặt hàng chính được các hộ trong làng tập trung sản xuất những năm gần đây là khăn mặt, khăn tắm, khăn ăn và băng gạc y tế.

Anh Văn Duy (người dân làng Cự Trữ) cho biết: ”Trước đây người làng chủ yếu dệt bằng máy đạp chân theo phương pháp truyền thống. Từ khi điện khí hóa, vận hành khung cửi bằng mô-tơ điện, nên năng suất đã tăng đáng kể, một người có thể vận hành từ 3-5 khung dệt”.Cũng theo anh Duy thì “Hầu hết người dân nơi đây đã được tiếp xúc với nghề diệt từ khi còn nhỏ, chủ yếu là các thế hệ trước truyền lại nghề cho thế hệ sau. Nhiều năm gắn bó, học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước nên tay nghề ngày càng được nâng cao”.

Ngày ngày tiếng thoi vang vọng tại làng Cự Trữ

Chị Vũ Thị Thanh (người dân làng Cự Trữ) cho biết thêm: "Với mức thu nhập bình quân 4 triệu đồng/tháng, người dệt nhiều thì được 5 - 6 triệu đồng, so với mức chi tiêu ở quê thì đây là nguồn thu nhập ổn định. Công việc lại nhẹ nhàng chủ yếu là máy móc làm, mình vẫn có thể làm thêm đồng áng và chạy chợ, nên chúng tôi vẫn sống tốt với nghề mà không phải lặn lội đi làm ăn xa như ở địa phương khác".

Trong những năm trở lại đây, nhu cầu với mặt hàng dệt tăng cao, nên các sản phẩm của làng Cự Trữ luôn có chỗ đững vững chắc trên thị trường. Các sản phẩm băng gạc được các bệnh viện, trung tâm y tế trên khắp cả nước đặt hàng; với mặt hàng khăn các loại thì được cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn cũng như phục vụ nhu cầu của người dân trong và ngoài tỉnh. Với đầu ra sản phẩm ổn định, giúp đời sống của người dân từng bước nâng lên và bà con có thể chuyên tâm sản xuất.

Nghề dệt vải đã gắn bó với người Cự Trữ hàng trăm năm qua. Ngày ngày tiếng lách cách của thoi dệt vẫn vang lên như một niềm tự hào về truyền thống của ngôi làng, đang được những người con Cự Trữ gìn giữ và phát triển trong nhịp sống hiện đại.

Tuấn Anh

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/lang-cu-tru---mot-net-hon-que-bac-bo-d71205.html