Vẻ đẹp mỹ học của một thể loại!

Có thể ví thể Phú như một cây xanh được trồng trên mảnh đất mỹ học Nho gia vốn ưa sự châm biếm kín đáo thâm thúy, mát mẻ, nhờ hợp thung thổ, lại được người trồng (thường là các nhà Nho) tâm huyết chăm bón nên cây tươi tốt, nở hoa, kết nụ.

Đặc sản hoa trái của Phú chính là tiếng cười, ở đó đã kết tinh tài năng, tâm hồn, năng khiếu các nhà trào phúng bác học và của hiện thực văn hóa Việt Nam đa dạng, giàu sinh khí. Thế nên Phú là thể loại mang vẻ đẹp mỹ học bản sắc văn hóa Việt, mà đào sâu nghiên cứu sẽ bắt gặp không chỉ những hình ảnh của ngày xưa mà còn cho thấy mảnh hồn dân tộc!

1. Thành ngữ dân gian vốn đã đậm đà chất muối hài hước mang chức năng giáo dục phê phán, chế giễu… Các tác giả Phú tận dụng triệt để thành ngữ để đạt hai hiệu quả nghệ thuật, về mặt hình thức làm cho câu văn dễ thuộc mặc dù dài; về nội dung sẽ tăng cường chất trào phúng nhờ sự tổng hòa từ các thành ngữ có mặt cộng hưởng với âm thanh tiếng cười của cả bài. Người sử dụng thành ngữ nhiều và hiệu quả nhất là Phan Bội Châu.

Chỉ khảo sát riêng “Tỉnh quốc dân phú” có 69 câu thì có tới 73 thành ngữ, có câu dài dùng tới hai, ba thành ngữ. Ví dụ câu có một thành ngữ: “Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau, lời ngạn ngữ mấy câu huấn độc/ Khéo ăn thời no, khéo co thời ấm, lúc hàn vi bao kẻ phù trầm”. Câu có hai thành ngữ: “Cũng đừng ăn no tức bụng, theo những phường mắt cáo râu dê/ Cũng đừng bỏ bạc mất hồ, mang những thói quỷ tha ma trói”.

Trong bài “Tâm huyết phú” có câu: “Cũng có anh cáo dựa hơi hùm, rầy thời tam, mai thời quyên vắt chầy ra nước/ Cũng có anh khen cho đã ác, đầu kẻ trộm, đuôi kẻ cướp, rán mỡ vào sành”, gần như là sự liên kết của các thành ngữ: “Cáo dựa hơi hùm”; “Vắt chầy ra nước”; “Khen cho đã ác”; “Đầu trộm đuôi cướp”; “Rán sành ra mỡ”.

Thầy đồ dạy học - Tranh dân gian.

Thầy đồ dạy học - Tranh dân gian.

Tự thân thành ngữ đã có chất trào phúng, được đặt trong mạch văn mỉa mai chất muối hài càng được phát huy, để giễu những kẻ nhu nhược trước cảnh đất nước nô lệ: “Xin đừng giương mắt trông nhau, lắm sãi không ai đóng cửa chùa, phong hội ấy, nước non này, cũng phải lo toan cho hết sức/ Thôi đừng già mồm nói khoác, mười voi không được một bát xáo, chí khí to, công việc lớn, sao cho chắc chắn được như lời” (Nguyễn Thượng Hiền – “Phú cải lương”).

2. Nguyễn Khuyến là “vua” trong nghệ thuật nhại. Đây là sự nhại cách dạy của một thầy đồ dốt: “Sừ tiên ban, sứ tiên cung, bắt khoan bắt nhặt/ Tiền diệc tặc, hậu diệc tặc, tiếng nhỏ tiếng to” (“Bài phú ông đồ ngông”). Câu trên có “cổ mẫu” từ một truyện cười dân gian, Trạng Lợn dạy Thái tử Tàu học bài, vốn chỉ giỏi khoa nói lái, lúc thầy bí trông lên bàn thờ tiên sư thấy có bình hoa, bình hương và bức tranh cô tiên thổi sáo bèn ra câu đối: “Hường binh hòa binh, sừ tiên ban, sứ tiên cung chi sảo thối, kỳ cố hà ru”. Dĩ nhiên Thái tử không thể đối được.

Câu dưới có từ truyện cười “Thầy đồ dốt”, “Tiền Xích Bích phú” lại đọc là “Tiền diệt bích tặc” (đằng trước có giặc ở vách). Thằng trộm đang nấp ở đó sợ quá liền chạy về phía sau, thầy lại đọc “Hậu diệt bích tặc” (lẽ ra là “Hậu Xích Bích phú”) nghĩa là đằng sau cũng có giặc ở vách. Kẻ trộm chạy mất.

Nhại những gì công thức, khuôn sáo: “Phù khởi tích nhật chi dạy, học giả/ Diệt bất quá anh đồ ngông, dã tai! Viên tòng ca nhi viết: E thầy đồ chi hữu tác hề…”. Các câu thơ lẫn lộn từ Hán Việt và thuần Việt (in nghiêng) diễn tả rất hay tính chất bát nháo, lộn xộn của giới thầy đồ thời nửa dơi, nửa chuột, nửa phong kiến, nửa thực dân.

3. Tương phản, mâu thuẫn luôn là thủ pháp cơ bản để tạo dựng tiếng cười. Hai sự vật, hiện tượng cùng đặt cạnh nhau để tự chúng bật toát ra ý châm biếm, mỉa mai: “Khăn bỏ đầu rìu/ Quần xoay lá tọa/ Ôm bụng nằm mèo/ Nhe răng nói quạ”. Thế mà là: “Rõ ràng quốc sĩ/ Thực đáng anh hùng” (Nguyễn Khuyến – “Bài phú ông đồ ngông”).

Câu trên miêu tả hình tượng bị hạ bệ với ngôn từ thông tục, suồng sã, câu sau lại nâng cao với các từ Hán Việt sang trọng để bật ra ý mỉa mai: Thì ra “quốc sĩ”, “anh hùng” thời nay chỉ đáng như vậy. Rồi: “Mặt mũi khôi ngô/ Hình dung chững chạc/… Lịch sự đủ vành. Mùa rét, nực: Mũ này mũ khác/ Ra phết quan thông, quan phán, đua ngón phong lưu/… Trong đóm ngoài đuốc, trông bề ngoài màu mỡ riêu cua/ Tiếng cả nhà thanh, xét kỳ thực thân hình pháo xác” (Tú Mỡ - “Phú thầy phán”).

Đây là mâu thuẫn giữa nội dung và hình thức, bên ngoài và bên trong, chỉ bốn chữ cuối “thân hình pháo xác” đã toát lên tính rỗng tuếch, giả tạo của những “thầy phán”. Còn là: “Sức yếu như sên, nói hay nói lớn/ Gan nhát tựa cáy, làm muốn làm to” (Bùi Huy Phồn – “Phú ông đồ nho”).

Mâu thuẫn, tương phản giữa thực lực bên trong yếu đuối, bất lực, nhút nhát (yếu như sên, nhát tựa cáy) với hình thức trống rỗng đầy tham vọng bên ngoài (nói hay nói lớn, làm muốn làm to) đã bật ra tình trạng thảm thương của lớp người được gọi là có học. Ý nghĩa phổ quát của nó còn lớn hơn nhiều: Một xã hội mà có tầng lớp trí thức tiên phong như thế thì đã ở bước đường cùng!

Một Hồ Tây hoang sơ ngày trước - Ảnh tư liệu.

4. Khoa trương, cực tả, thông tục, vật hóa là những thủ pháp quen thuộc trong văn thơ trào phúng. Với sự linh hoạt vốn có, Phú tận dụng ngay những thủ pháp này: “Liễu bờ kia bay tơ biếc phất phơ, thoi oanh ghẹo hai phường dệt gấm/ Sen vũng nọ nẩy tiền xanh lác đác, lửa đóm ghen năm xã gây lò” (Nguyễn Huy Lượng – “Tụng Tây Hồ phú”).

Đời Lê có phường Tích Sài và Bái Ân cạnh Hồ Tây làm nghề dệt gấm, ở đây được miêu tả tiếng thoi như tiếng chim oanh. Năm xã tức làng Ngũ Xá đúc đồng cạnh hồ, con đóm ghen với làng (năm xã) vì ánh sáng của nó không được sáng như thế. Tất cả được phóng đại, nói quá để ca ngợi cái đầm ấm, trù phú của một vùng nghề truyền thống giàu có.

“Lắc bầu rượu dốc nghiêng non nước xuống, chén tiếu đờm mời mọc Trích tiên/ Hóng túi thơ nong hết gió trăng vào, cơn xướng họa thì thầm lão Đỗ/ Tươi nét mặt thư sinh lồ lộ, bưng mặt trần toan đạp cửa phù đồ/ Rửa buồng gan du tử nhơn nhơn, giương tay tạo rắp xoay cơn khí số” (Cao Bá Quát – “Tài tử đa cùng phú”).

“Trích tiên” tức Lý Bạch, “lão Đỗ” tức Đỗ Phủ, “phù đồ” tức đạo Phật, nhà thơ muốn đạp đổ nhà Phật để khỏi phải thấy họ lừa dối người đời. “Xoay khí số” xoay chuyển thời loạn thành thời bình. Những động từ mạnh kết hợp với những hình ảnh khoa trương cùng cách dùng ngữ khí mạnh tạo cho đoạn thơ vang vọng hào sảng hùng tráng diễn tả rất đạt cái chí kẻ quân tử muốn xoay trời chuyển núi.

Cực tả là một cách khoa trương về hình ảnh, tính chất sự vật: “Cầu Hồng giậm tiếng hài tợ sấm, xô bồ dưới nguyệt gót kim liên/ Các Phụng chen bóng hội dường mây; lấp lánh trong gương da bạch ngọc” (Đặng Trần Thường – “Tần cung nữ oán Bái Công văn”).

“Cầu Hồng” thì “hồng” có nghĩa cái mống (cầu) gợi tích cái cầu (trong cung A Phòng) đẹp như con rồng nằm trên nước. Ở đây là tả mỗi bước hài đi tạo ra âm thanh như tiếng sấm! “Gót kim liên” thì “kim liên” là hoa sen, tích Đông Hôn Hầu yêu vợ là Phan Phi bèn cho khảm trên nền điện hoa sen vàng, Phi đi, Hầu khen là bước bước nảy hoa sen (bộ bộ sinh liên hoa). “Các Phụng” lầu Vua ở có chim phụng đậu. Cực tả để làm nổi bật tính vương giả, quý phái, sang trọng của kẻ quyền quý quá xa cách với bình dân.

Cực tả hiện thực (cực thực) cũng có khi là ngược lại, nói giảm đi: “Trong cũi, lợn nằm gặm máng, đói chẳng muốn kêu/ Đầu giàn chuột cậy khua niêu, buồn thôi lại bỏ” (Nguyễn Công Trứ - “Hàn nho phong vị phú”). Lợn đói quá kêu hết hơi rồi đến mức không thể kêu được nữa. Chuột lục lọi mãi chẳng có gì đành bỏ đi.

Cực thực gây cười nhưng cười ra nước mắt, chua chát về cái nghèo. Cực tả là tô đậm tính chất để nhấn mạnh: “Áo vải thô nặng trịch, lạnh làm mền, nực làm gối, bốn mùa thay đổi bấy nhiêu/ Khăn lau giắt đỏ lòm, trải làm chiếu, vận làm quần, một bộ ăn chơi quá thú” (“Hàn nho phong vị phú”). “Áo Trọng Do bạc thếch, dãi xuân thu cho đượm sắc cần lao/ Cơm Phiếu Mẫu hẩm sì, đói tuế nguyệt phải ngậm mùi tân khổ” (Cao Bá Quát – “Tài tử đa cùng phú”).

Đặc biệt là tính từ cực tả xuất hiện với tần số rất lớn: “Vấn khăn gốc đen sì/ Vận quần nâu đỏ oạch” (Nguyễn Hãng - “Tịch cư ninh thể phú”); “mực trát đen sì… son hòa đỏ chói” (Nguyễn Khuyến – “Bài phú ông đồ ngông”). Biết bao là các tính từ, kiểu như hăm sì, cũ rích, xốc xếch, dếch ngược, huếch hoác, lểnh khểnh, gồng ghềnh… góp cho sự miêu tả thêm sinh động, có hồn. Người như đang động đậy, cảnh như đang xôn xao!!!

Nguyễn Thanh Tú

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/ly-luan/ve-dep-my-hoc-cua-mot-the-loai-618702/