Vẻ đẹp muôn hình của Bàn Than

Ghềnh đá đen đùa với sóng biển.

Ghềnh đá đen đùa với sóng biển.

Khi đến Bàn Than, du khách sẽ nhìn thấy trên bề mặt của những ghềnh đá đen có nơi nổi lên những đường vân kỳ dị màu trắng hay những “hạt đá” màu trắng, vàng… khảm trên nền đá đen trông rất độc đáo và huyền bí.

Từng phần của ghềnh đá Bàn Than khác nhau về hình dáng, sự kiến tạo. Ở bãi Nồm, sau khi vượt qua những vịnh nước nhỏ khá cạn và trong vắt, trung tâm Bàn Than hiện ra với những tảng đá đen trông như cá mặt quỷ, thủy quái, thủy thần… Riêng bãi Bắc, có những hòn đá ong tròn trịa, nhẵn nhụi xa trông như những con vích hay rùa biển đang thư giãn trên mặt nước trong veo.

San hô ở chân ghềnh đá Bàn Than.

Có nhiều lý giải khác nhau về tên gọi Bàn Than. Bàn có thể hiểu là mặt bàn, mặt bằng phẳng còn Than ám chỉ màu đen bởi ở đây có nhiều tảng đá đen, có mặt bằng phẳng, nhẵn bóng bởi quá trình kiến tạo địa chất cũng như bị nước biển bào mòn. Sách Đại Nam nhất thống chí chép rằng: “Núi Phú Xuân, còn có tên là núi Bàn Than, nằm kề cửa biển Đại Áp, mạch núi nguyên từ núi Chủ Sơn kéo về chia ra, quanh co qua các xã Hòa Vấn và Phú Hòa, đến thôn Phú Xuân Hạ thì nổi lên một ngọn lớn mà tròn, sắc đen như than, đứng xa thấy đỉnh núi như cái mâm than nên gọi tên là Bàn Than. Ngoài biển về phía Đông Nam kết thành nhiều đảo nhỏ có hòn Măng, hòn Rùa, hòn Dương…”

Người dân đảo còn tự hào về một Bàn Than với cảnh quan hùng vĩ hiếm có chứa đựng cả núi ông Đụn, bà Khe (tượng trưng cho Linga và Yoni của người Chăm). Có câu ca lưu truyền như sau: “Ấy bà Khe có khe nước chảy, ấy Ông Đụn có vảy có vi”. Với những những vách đá đen cao trên 40 m dựng đứng sát mép biển của bãi Bắc và bãi Nồm. Có người cho rằng, đến Quảng Nam tham quan, vãn cảnh phố cổ Hội An, đền tháp Mỹ Sơn mà chưa khám phá Bàn Than thì quả là điều vô cùng thiếu sót.

Độc đáo với núi ông Đụn, bà Khe.

Ai đã một lần đến ghềnh đá này, đều mong có ngày trở lại, vì ngoài một vẻ đẹp hoang sơ, tĩnh mịch, kỳ bí không có sự sắp đặt, can thiệp của bàn tay con người thì hành trình chinh phục cũng khá vất vả… Nơi đây hấp dẫn những bạn trẻ có máu phiêu lưu, thích tìm tòi và khám phá những điều kỳ diệu trong cảnh trí thiên nhiên.

Để đến ghềnh đá Bàn Than, du khách đi theo quốc lộ 1A đến Km1019, thuộc thị trấn Núi Thành (huyện Núi Thành – Quảng Nam), tiếp đó theo ĐT 618 khoảng 10 km rồi qua một con phà ở cửa sông Kỳ Hà là tới xã đảo Tam Hải, nơi có kỳ quan muôn hình vạn trạng trên.

Xã đảo Tam Hải ẩn hiện bên sông Trường Giang.

Xã đảo Tam Hải có diện tích hơn 1.500 ha, trong đó có hơn 50% là diện tích mặt nước, dân số hiện nay hơn 7.800 người với hơn 80% dân số sống bằng nghề khai thác, chế biến thủy sản. Các nhà khoa học thống nhất cho rằng, xã đảo Tam Hải và một số địa điểm lân cận khu vực này xứng đáng trở thành di sản địa chất ở tầm cỡ thế giới. Đây chính là yếu tố quan trọng để tạo nền móng phát triển du lịch sinh thái, du lịch biển đảo một cách bền vững.

Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành (Quảng Nam) Nguyễn Đức An cho biết, huyện Núi Thành đã thông qua Đề án xây dựng xã đảo Tam Hải thành khu du lịch biển đảo và vùng đệm sinh thái môi trường.

Tiên Sa

Ghềnh đá Bàn Than ở tỉnh Quảng Nam được xem là một kỳ quan muôn hình vạn trạng ở các tỉnh duyên hải miền Trung. Nơi đây, ngoài màu trời và biển có màu xanh rất xanh còn có vẻ đẹp hoang sơ, quyến rũ của những tảng đá đen tuyền mang nhiều hình dáng ẩn hiện dưới những con sóng bạc đầu.

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/ve-dep-muon-hinh-cua-ban-than/