Vẻ đẹp độc đáo của phủ Trần Đăng Dinh

Tồn tại qua hàng trăm năm, phủ Trần Đăng Dinh ở xã Phúc Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) là một trong những công trình cổ có giá trị lớn về mặt lịch sử, văn hóa.

Như tên gọi của phủ, nhân vật được thờ trong phủ là ngài Trần Đăng Dinh (1620 - 1691) - một vị tướng có công hộ quốc an dân, dẹp loạn, lập làng… ở thế kỷ 17. Phủ được xây dựng vào cuối thế kỷ 17 dưới thời Lê - Trịnh và hoàn thiện dần sau đó, gồm nhiều công trình như: tam quan, bái đường, hậu cung, nhà bia, nhà kiệu... Trong đó, cổng tam quan là công trình đồ sộ nhất. Cổng mở theo hướng Đông Nam, xây dựng theo kiểu chồng diêm, hai tầng, dưới cửa cuốn, trên vọng lâu. Trên cổng được trang trí các hình rồng phượng, cuốn thư, hoa văn, chim muông, cây cỏ… khá sống động. Từ cửa chính nối dài hai bên tả, hữu là các cửa phụ và các chi tiết có đắp ngựa, voi cùng hai trụ biểu.

Như tên gọi của phủ, nhân vật được thờ trong phủ là ngài Trần Đăng Dinh (1620 - 1691) - một vị tướng có công hộ quốc an dân, dẹp loạn, lập làng… ở thế kỷ 17. Phủ được xây dựng vào cuối thế kỷ 17 dưới thời Lê - Trịnh và hoàn thiện dần sau đó, gồm nhiều công trình như: tam quan, bái đường, hậu cung, nhà bia, nhà kiệu... Trong đó, cổng tam quan là công trình đồ sộ nhất. Cổng mở theo hướng Đông Nam, xây dựng theo kiểu chồng diêm, hai tầng, dưới cửa cuốn, trên vọng lâu. Trên cổng được trang trí các hình rồng phượng, cuốn thư, hoa văn, chim muông, cây cỏ… khá sống động. Từ cửa chính nối dài hai bên tả, hữu là các cửa phụ và các chi tiết có đắp ngựa, voi cùng hai trụ biểu.

Nhà bái đường 5 gian có diện tích là 116m2 được xây dựng vào thời Nguyễn. Nền nhà được lát gạch vuông màu đỏ, sườn làm bằng gỗ lim, lợp ngói mũi hài. Nhà có 36 cột, trong đó có 8 cột cái, 12 cột con, 8 cột trụ lớn, 8 cột trụ nhỏ, làm theo kiểu tứ trụ, thượng xông, hạ kẻ.

Khung gỗ nhà bái đường được điêu khắc chạm trổ đẹp với nhiều đề tài truyền thống.

Tuy mật độ điêu khắc ở đây không dày, nhưng khá ấn tượng với những hình ảnh thanh thoát, mềm mại. Trong ảnh: Những mảng chạm khắc hình vân mây, hoa lá trên các đường kẻ, đuôi hạ nhà bái đường.

Nhà kiệu là một công trình độc đáo kiểu chồng diêm làm từ 4 chiếc cột vuông. Nhà này nằm giữa bái đường và hậu cung và chỉ để thờ kiệu.

Trên khung gỗ của nhà kiệu cũng được chạm lộng tứ bề.

Bên cạnh nhà kiệu là nhà bia. Chính giữa nhà bia có dựng một tấm bia lớn làm bằng đá cẩm thạch, khắc chữ Hán và trang trí hoa văn bốn mặt. Trán bia có hình mai rùa và trang trí rồng, nguyệt. Các đường viền quanh mặt bia đều chạm khắc mây, hoa. Bia được tạc vào triều Lê Chính Hòa thứ 15 (1695) với nội dung nói về thân thế, công tích của ngài Trần Đăng Dinh và nghi lễ thờ cúng.

Tại phủ Trần Đăng Dinh còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ có giá trị về lịch sử, văn hóa như kiệu, long ngai, đại tự, câu đối, tượng đá, cột hương đá, khám thờ…làm bằng các chất liệu khác nhau. Trong ảnh: Phần trên của một cột hương đá cổ.

Giữa rất nhiều hiện vật cổ, chiếc hương án đặt giữa bái đường là một hiện vật độc đáo có tuổi đời hàng trăm năm.

Một mảng điêu khắc "ly kỳ", uyển chuyển trên hương án cổ.

Trải qua hàng trăm năm tồn tại, phủ Trần Đăng Dinh đã được trùng tu tôn tạo nhiều lần và đã được Nhà nước công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa năm 1992. Hiện nay, phủ là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân địa phương và là điểm đến thăm quan, chiêm bái của du khách khi tới thăm quê lúa.

Huy Thư

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/ve-dep-doc-dao-cua-phu-tran-dang-dinh-238698.html