Vẻ đẹp bình dị của một nghệ sĩ Hà Nội

Nghệ sĩ Nhân dân Trần Hạnh - gương mặt được yêu mến qua các vai cụ già hiền hậu trên màn ảnh nhỏ, vừa qua đời sáng 4/3 tại Hà Nội, hưởng thọ 92 tuổi.

 Nghệ sĩ Nhân dân Trần Hạnh (1929 - 2021).

Nghệ sĩ Nhân dân Trần Hạnh (1929 - 2021).

Nghệ sĩ Nhân dân Trần Hạnh là diễn viên lứa đầu tiên của Nhà hát kịch Hà Nội. Nghệ sĩ Nhân dân Trần Hạnh cùng các các đồng nghiệp cùng thời như Trần Vân, Trịnh Mai, Trần Hoạt… đã tạp dựng nền móng đầu tiên cho phong cách kịch nghệ Thủ đô.

Ngoài những vai diễn trên sân khấu, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Hạnh còn được biết đến qua các bộ phim “Làng nổi”, “Cổ tích tuổi 17”, “Tướng về hưu”, “Người cầu may”, “Chiếc bình tiền kiếp”, “Cuốn sổ ghi đời”… Đặc biệt, sau khi về hưu, thì hình ảnh Nghệ sĩ Nhân dân Trần Hạnh quen thuộc với khán giả qua các vai cụ già hiền hậu trên màn ảnh nhỏ.

Diễn viên Mai Thu Huyền chia sẻ: “Tôi đã từng có may mắn đóng chung với bác Trần Hạnh hai bộ phim “Tiếng sáo ly hương” và “Nhà có 3 cô con gái”. Tôi quý trọng sự nghiêm cẩn với vai diễn của bác ấy. Tôi thấy thật khó kiếm diễn viên nào đóng vai người bố khắc khổ và nhẫn nhịn có thể thuyết phục như bác Trần Hạnh”.

Nghệ sĩ Nhân dân Trần Hạnh vốn dân Hà Nội gốc, như ông bộc bạch: “Nhà tôi đến tôi là đời thứ 4 ở Hà Nội đấy, tôi sinh ra ở 50 ngõ Phát Lộc. Ông thân sinh ra cụ, rồi cụ, tiếp đến là ông, sau đó bố của tôi đều ở Hà Nội. Cái ngành nghệ thuật ngoài học ra còn thiên phú nữa. Học thì chỉ sắp sếp lại chương trình cho có trật tự thôi chứ học không phải để giỏi. Cái ngành nghệ thuật này học để cho giỏi thì người ta đã chả gọi là cần đến năng khiếu để làm gì. Ông bố trước đây đàn hát, lên miền ngược kéo nhị mấy cô Mán Mường mê lắm. Ông lang thang đi suốt. Mẹ tôi chỉ buôn bán nhỏ lẻ thôi. Chắc cũng hưởng tý gen đàn hát từ ông bố truyền sang, nên tôi mới vướng vào nghiệp diễn”.

Trần Hạnh và Mai Thu Huyền trong bộ phim "Nhà có 3 cô con gái".

Có người cha làm việc ở nhà máy in Ngô Tử Hạ và người mẹ buôn bán nhỏ, ông là một thương gia nhỏ, tuổi thơ của Nghệ sĩ Nhân dân Trần Hạnh cũng có những ngày êm đềm trong khu phố cổ Hà Nội. Thế nhưng, năm Trần Hạnh được 8 tuổi thì người cha qua đời, ông phải đi đóng giày thuê ở phố Tràng Tiền để kiếm tiền phụ giúp mẹ nuôi em. Trần Hạnh bắt đầu đến với nghệ thuật khi được bạn bè rủ rê thêm gia diễn kịch ở Câu lạc bộ Thanh Niên. Không ngờ cái sân chơi quần chúng ấy đã nuôi cấy niềm đam mê sân khấu cho Trần Hạnh.

Nhiều bạn diễn ở Câu lạc bộ Thanh Niên thuở ấy như Trọng Khôi, Trịnh Thịnh, Đoàn Dũng lần lượt ứng thí vào trường đào tạo diễn viên chuyên nghiệp, thì Trần Hạnh đầu quân cho Nhà hát kịch Hà Nội vào năm 1959. Lý do, lúc đó Trần Hạnh mới lấy vợ, vào thẳng đoàn nghệ thuật thì có được phụ cấp hơn 10 đồng để trang trải rau dưa cho gia đình. Một sự chọn lựa có vẻ buồn cười nhưng cũng đã giúp Trần Hạnh gắn bó 40 năm với Nhà hát kịch Hà Nội, với tháng năm mà ông thường ngâm ngợi “những ngày sân khấu không có vở, nhà hát buồn như một nghĩa trang”.

Nghỉ hưu từ năm 1989, Trần Hạnh vẫn miệt mài đóng phim. Ông không ngần ngại thú nhận: “Giá như chuyện đời suôn sẻ thì anh thợ đóng giày là tôi đây đã được an nhàn tuổi già với cái nghề có lẽ cũng có tiền dù phải lao động chân tay, chứ không còn phải theo các đoàn làm phim long đong nay đây mai đó”. Tuy nhiên, Trần Hạnh chưa bao giờ phụ vai diễn của ông, dù ông chỉ toàn đảm nhận vai phụ.

Phong cách nghệ sĩ Hà Nội của Trần Hạnh, trong sự thanh lịch và sự bình dị, dễ dàng nhìn thấy cả sự tự trọng và sự thong dong. Nghệ sĩ Nhân dân Trần Hạnh từng từ chối làm đơn xin cấp nhà ở vì “xung quanh còn nhiều người khổ hơn mình, nhường cho họ vậy”. Diễn viên Trần Hạnh được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú đợt đầu tiên từ năm 1984, nhưng lại là người được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân sau cùng, so với những người cùng thế hệ.

Năm 2019, ông tự đi xe ôm đến Nhà hát Lớn Hà Nội để nhận sự vinh danh cao quý này, với tâm sự: “Những nghệ sĩ già bình thường như bao người khác và vẫn vui vẻ cống hiến cho nghệ thuật. Mọi người hãy nhìn vào nghệ thuật chứ đừng quá quan tâm đến cuộc sống của chúng tôi. Lúc tôi đi mua hàng, có nhiều người nhận ra tôi quen quen và có khi xin cả số điện thoại, nhưng tôi bảo tôi giống chứ không phải Trần Hạnh. Vì tôi sợ nếu cho họ biết mình là diễn viên, thì họ đứng nói chuyện mãi thì làm sao bán được hàng”.

Nghệ sĩ Nhân dân Trần Hạnh có cả thảy 5 người con, nhưng không ai theo nghiệp diễn của ông. Có lần ông rủ đứa cháu ngoại đi đóng phim với mình, nhưng khi đóng trước ống kính thì nó khóc òa. Ông ngoại đành thở dài: “13 tuổi mà khóc tu tu ở trường quay thì làm diễn viên sao được nữa”.

Con gái lớn của Nghệ sĩ Nhân dân Trần Hạnh là chị Trần Thị Dung, chia sẻ: “Bố tôi vẫn dạy: Đói cho sạch, rách cho thơm. Bữa ăn có su hào muối, ông động viên chúng tôi: đấy là đang ăn thịt bò kho cho ngon miệng; nồi cơm vừa xới một lượt là hết, ông bảo nhà mình còn sướng hơn nhiều nhà khác. Bố tôi đã truyền cho chính tôi tình yêu, niềm lạc quan về cuộc sống - một cuộc sống luôn màu hồng ấm áp, vui tươi”.

PHẠM TUẤN

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/ve-dep-binh-di-cua-mot-nghe-si-ha-noi-d285357.html