Về đề thi và đáp án môn tiếng Việt lớp 5 của Q.1, TP.HCM: Đề thi không nằm trong chương trình học?

Nhiều phụ huynh cho rằng đáp án của một ý trong đề thi môn tiếng Việt lớp 5 (Q.1, TP.HCM) diễn ra vào ngày 7.5 là không chính xác.

Ở câu hỏi trắc nghiệm số 8 (phần đọc thầm đoạn văn) của đề thi có nội dung: Các vế trong câu ghép “Con hãy làm trái tim họ bình yên, nếu họ vẫn khóc” được nối với nhau bằng cách nào? Với 4 đáp án: a. Nối bằng một quan hệ từ; b. Nối bằng quan hệ từ và nối trực tiếp; c. Nối trực tiếp (không dùng từ nối); d. Nối bằng một cặp quan hệ từ.

Với câu hỏi này, phụ huynh đồng tình học sinh chọn đáp án b trong khi đáp án của phòng GD đưa ra là a. Bà Lê Thị Bình, Phó phòng GD Q.1, cho biết: “Trong buổi triển khai đáp án, phòng GD-ĐT đã cùng giám khảo là giáo viên dạy lớp 5 của tất cả các trường tiểu học trong quận trao đổi, thảo luận đáp án của từng câu. Đối với câu số 8, hội đồng chấm cùng thống nhất đáp án đúng là a. Cụ thể trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp 5 tập 2, phần ghi nhớ trang 22 và trang 38-39 chỉ rõ những cặp quan hệ từ được dùng cùng các ví dụ câu ghép tương tự như trong đề thi đã ra. Ngoài ra, ở câu số 8 trong phần luyện tập tiết số 7 (trang 170) cũng cho học sinh làm bài tập về sử dụng dạng câu ghép có từ nếu sau dấu phẩy. Đối với câu ghép “Con hãy làm trái tim họ bình yên, nếu họ vẫn khóc”, dấu phẩy có tác dụng ngăn cách hai vế câu ghép, còn quan hệ từ “nếu” sau dấu phẩy có tác dụng nối hai vế trong câu ghép. Đã có quan hệ từ để nối thì không gọi là nối trực tiếp nữa. Do vậy, đáp án chính xác là a”.

Dưới góc độ ngôn ngữ học, PGS-TS Đặng Ngọc Lệ, nguyên giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết: “Đáp án a là chính xác nhất cho câu này. Tuy nhiên, văn phong của câu văn không phải của người Việt, không mang bản sắc tiếng Việt nên dễ gây ra tranh cãi”. Một giảng viên ngôn ngữ học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cũng khẳng định: “Đáp án đúng trong trường hợp này là a”. Tuy nhiên, giảng viên này cho rằng đề thi đã không nằm trong chương trình học tiếng Việt của lớp 5. “Dưới góc độ ngôn ngữ, dấu phẩy có tới 6 chức năng khác nhau. Trong chương trình tiếng Việt lớp 5, học sinh mới chỉ được học 3 chức năng cơ bản của dấu phẩy là: phân cách thành phần phụ với thành phần chính trong câu, phân cách các vế trong câu ghép và phân cách các thành phần đồng chức năng. Ngoài ra, dấu phẩy còn có các chức năng khác như: tránh hiện tượng mơ hồ trong câu; ngăn cách vị ngữ với chủ ngữ trong trường hợp chủ ngữ quá dài; khi dấu phẩy đứng trước hoặc sau các liên từ sẽ có vai trò nhấn mạnh vế đứng sau nó. Trong trường hợp đề thi trên, dấu phẩy có vai trò nhấn mạnh chứ không phải chức năng phân cách”, giảng viên này lý giải.

B.Thanh - H.Ánh

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/ve-de-thi-va-dap-an-mon-tieng-viet-lop-5-cua-q1-tphcm-de-thi-khong-nam-trong-chuong-trinh-hoc-29407.html