Về đầu tư cao tốc Bắc - Nam, Bộ trưởng Thể nói 'hiện không ai dám làm sai'

Sáng 9/6, thảo luận tại tổ về chuyển đổi hình thức đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam, Bộ trưởng Giao thông - Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể khẳng định 'hiện nay không ai dám làm sai', song ông cho rằng, chắc chắn có rủi ro.

Đề cập vụ việc tại đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được đưa vào diện Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng theo dõi, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường cho rằng, phải có các giải pháp để không xảy ra các vụ việc tương tự. “Vụ việc này bắt đến Phó Tổng giám đốc VEC. Đề nghị Chính phủ phải đánh giá tác động các dự án cao tốc Bắc - Nam khi chuyển qua đầu tư công liệu có xảy ra sự cố tương tự không?”, ông Cường nói.

Đầu tư công hay hợp tác công tư cao tốc Bắc - Nam, đều có những mặt trái. Ảnh: Như Ý

Đầu tư công hay hợp tác công tư cao tốc Bắc - Nam, đều có những mặt trái. Ảnh: Như Ý

Giải đáp sau đó, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể bày tỏ “rất thấm thía”. Theo ông Thể, những vấn đề vừa qua liên quan chất lượng, tố tụng là bài học rất lớn, không chỉ riêng ngành giao thông. “Tôi khẳng định sẽ làm sao tốt nhất để đảm bảo chất lượng. Còn sai sót thì quyết tâm là một phần nhưng nó đa dạng, không tránh khỏi chỗ này chỗ kia. Pháp luật nghiêm minh, ai sai dù cố tình hay vô tình thì cũng phải chịu trách nhiệm”, ông nói.

Bộ trưởng GTVT cho rằng, đây là “bài học hết sức đắt giá”. “Các đồng chí thấy lãnh đạo bộ chúng tôi qua nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra cũng bị kỷ luật rất nhiều. Thậm chí, có đồng chí bị cách hết mọi chức vụ, có đồng chí bị cảnh cáo, rất nhiều cán bộ cấp vụ, phòng bị kỷ luật”, ông Thể nói. Khẳng định “hiện nay không ai dám làm sai”, song ông cho rằng, chắc chắn có rủi ro.

BOT không ngon bổ rẻ

Chính phủ cho rằng, chuyển sang đầu tư công, tiến độ nhanh hơn, giải ngân tốt hơn. Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế, nhận định: “Có chuyển sang cũng không thể nhanh được”.

Đã có những dự án đầu tư công bị chậm tiến độ, như dự án đường sắt đô thị kéo dài mấy nhiệm kỳ, bị đội vốn. Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nói rằng, cơ sở để chuyển đổi các dự án thành phần từ đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP) sang đầu tư công là thực hiện Nghị quyết 52 của Quốc hội, nếu không đấu thầu được thì chuyển từ PPP sang đầu tư công.

Ông Dũng khẳng định, Chính phủ đã bàn nhiều lần nên chỉ cần Quốc hội cho phép thì tháng 8 khởi công, cuối năm 2021 là xong 3 tuyến, cũng như bố trí thêm vốn cho 700km còn lại. “Từ Vinh (Nghệ An) ra Hà Nội có hơn 300km thôi mà đi mất 5-6 tiếng đồng hồ thì làm sao có giá thành cạnh tranh, làm sao hội nhập được? Cần phải làm, làm sớm và không còn lý do gì để chậm trễ nữa, đừng bàn chủ trương gì nữa. Chủ trương đã có, quy hoạch có, tiền cũng không vấn đề gì”, Bộ trưởng KH&ĐT nói.

Đồng tình với tờ trình của Chính phủ, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, nói rằng, các dự án BOT muốn triển khai được đều phải có nguồn vốn tham gia của ngân hàng, dù nhà đầu tư lớn đến đâu.

“BOT có phải là lĩnh vực lãi cao không? Không, lợi nhuận rất thấp, trong khi rủi ro với nhà đầu tư rất lớn, vì thu là thu tiền lẻ trong khi bỏ tiền vốn rất lớn đến 5.000-10.000 tỷ đồng. BOT không phải lĩnh vực ngon bổ rẻ gì mà doanh nghiệp người ta phải lao vào”, ông Thắng nhận định. Theo ông, ngân hàng không mặn mà cho vay làm BOT vì ngại rủi ro. “Nếu Nhà nước có tiền bỏ ra 100% làm thì tốt quá, nhưng ngân sách không cho phép. Cố thu xếp được một vài đoạn để giảm mức chi trả cho người dân thì tốt quá”, ông Thắng nói.

“Những vụ việc thời gian qua là bài học xương máu. Rất mong các đồng chí cũng như xã hội chia sẻ, chúng tôi sẽ cố gắng làm tốt nhất trách nhiệm của mình” , Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể

Văn Kiên - Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/ve-dau-tu-cao-toc-bac-nam-bo-truong-the-noi-hien-nay-khong-ai-dam-lam-sai-1670762.tpo