Về đâu quan hệ Úc - Trung?

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên vừa lên tiếng cảnh báo Canberra đừng tiếp tục 'lún sâu vào con đường sai trái', sau khi Thủ tướng Úc Scott Morrison để ngỏ khả năng nối gót nước Anh cấp thị thực cho công dân Hong Kong, những người chịu tác động của luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh áp lên đặc khu hành chính này từ đầu tháng 7.

Ðây là diễn biến mới nhất trong chuỗi những bất đồng gần đây giữa Úc và Trung Quốc.

Quan hệ song phương lên đỉnh cao năm 2007 khi Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Úc và hiện giá trị buôn bán hai chiều đạt hơn 160 tỉ USD/năm. Tuy nhiên, sự tin cậy lẫn nhau bắt đầu sụt giảm trong khoảng 5 năm trở lại đây khi Canberra ngày càng nhận rõ việc Bắc Kinh năm lần bảy lượt tìm cách can thiệp vào chính trường nước này. Dĩ nhiên là Trung Quốc luôn bác bỏ.

Tàu chiến Úc và Ấn Độ trong một cuộc tập trận chung hồi năm ngoái.

Tàu chiến Úc và Ấn Độ trong một cuộc tập trận chung hồi năm ngoái.

Ðại dịch COVID-19 càng khiến quan hệ giữa hai nước thêm trắc trở. Úc là một trong những quốc gia đầu tiên cùng với Mỹ lên tiếng kêu gọi mở cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc COVID-19 mà họ nghi ngờ xuất phát từ Trung Quốc. Kết quả là Trung Quốc cấm mua thịt bò từ 4 công ty hàng đầu của Úc và áp thuế chống bán phá giá lên lúa mạch nhập khẩu từ xứ chuột túi. Bắc Kinh còn “nhắn nhủ” du học sinh nước này rằng Úc không an toàn để đến học tập do tồn tại nạn phân biệt chủng tộc. Ðây là đòn hiểm bởi du học sinh Trung Quốc chiếm tới 28% trong tổng số hơn 750.000 sinh viên quốc tế tại Úc hồi năm ngoái. Theo ước tính của Ðại học Sydney, nếu sinh viên Trung Quốc quay lưng, các trường tại Úc có thể thất thu 8,3 tỉ USD trong hai năm tới.

Nhưng Úc quyết không lùi bước, như lời Thủ tướng Morrison. Cuối tháng 6 rồi, cảnh sát đã lục soát văn phòng của một nghị sĩ ở bang New South Wales và treo tư cách thành viên Công đảng của vị này vì bị tình nghi có quan hệ với Bắc Kinh. Ðây là nhân vật từng gây tranh cãi khi ca ngợi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình “xử lý dịch COVID-19 tuyệt vời”.

Tuy không nêu đích danh Trung Quốc nhưng Thủ tướng Morrison mới đây thông báo Úc đang bị tấn công mạng quy mô lớn bởi “một chính phủ nước ngoài”. Sau đó, ông công bố tăng mạnh ngân sách quốc phòng cho 10 năm tới, trong đó tập trung vào Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương, khu vực Trung Quốc ngày càng tỏ ra quyết đoán và lấn lướt.

Bộ trưởng Quốc phòng Úc Linda Reynolds cuối tuần rồi thẳng thừng chỉ trích Trung Quốc gây bất ổn khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương, đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với các đối tác “cùng chí hướng” như Mỹ, Ấn Ðộ và Nhật Bản.

“Bộ tứ kim cương” gồm Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Ðộ lâu nay là cái gai trong mắt Bắc Kinh, bởi sự ra đời của nhóm này nhằm mục tiêu kiềm chế Trung Quốc. Gần đây, Úc lại có động thái tăng cường phối hợp với các đối tác trong nhóm như nhiệt thành ủng hộ Mỹ tuần tra Biển Ðông và cùng nhau cấm Tập đoàn Huawei của Trung Quốc phát triển mạng 5G, nâng cấp quan hệ với Ấn Ðộ lên đối tác chiến lược toàn diện (trong đó đáng chú ý là hải quân của bên này được phép cặp bờ và sử dụng dịch vụ hậu cần ở hải cảng và quân cảng của bên kia), chuẩn bị ký với Nhật Bản thỏa thuận về địa vị pháp lý của binh sĩ khi triển khai trên lãnh thổ của nhau...

Trong bối cảnh Mỹ - Trung đang cạnh tranh quyết liệt giành vị trí lãnh đạo thế giới, Nhật - Trung tranh chấp lãnh thổ trên biển Hoa Ðông, máu đổ trên biên giới Ấn - Trung, thì những động thái như vậy cho thấy quan hệ Úc - Trung có thể còn lâu mới trở lại
như xưa.

QUỐC KHÁNH

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/ve-dau-quan-he-uc-trung-a123012.html