Về đâu những tài năng múa?

Cuộc thi “Tài năng biểu diễn múa” năm 2017 do Cục Nghệ thuật biểu diễn, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp tổ chức đã khép lại sau một tuần tranh tài sôi nổi.

7 Huy chương Vàng, 12 Huy chương Bạc đã được trao cho những gương mặt xứng đáng nhất. Tuy nhiên, sau cuộc thi, không ít người làm nghề và công chúng yêu nghệ thuật múa đặt câu hỏi, làm thế nào để nối dài giấc mơ tỏa sáng của những tài năng múa?

Giấc mơ tỏa sáng trở lại sau 9 năm vắng bóng

Cuộc thi “Tài năng biểu diễn múa” 2017 nhận được sự quan tâm rất lớn của những nghệ sĩ múa và người yêu nghệ thuật múa trên cả nước bởi họ đã phải chờ đợi đến 9 năm cho cuộc thi tương tự. Trước đó, cuộc thi “Tài năng biểu diễn múa” năm 2008 cũng phải chờ đến 6 năm để được tổ chức trở lại. Một số nghệ sĩ thế hệ 8X bày tỏ sự tiếc nuối khi cuộc thi “Tài năng biểu diễn múa” 2017 bị gián đoạn khá lâu và họ không có cơ hội để thử sức và tỏa sáng trên sân khấu. 9 năm là quãng thời gian quá dài với tuổi nghề ngắn ngủi của một diễn viên múa.

Cuộc thi “Tài năng biểu diễn múa” 2017 đã thu hút hơn 55 thí sinh đến từ các đoàn nghệ thuật, trường múa, trường văn hóa nghệ thuật trên khắp mọi miền đất nước. Để chinh phục Ban Giám khảo, mỗi thí sinh phải trình diễn 2 tiết mục thuộc các thể loại múa như Ballet, Neo - Classic (tân cổ điển), múa đương đại, dân gian đương đại và dân gian truyền thống.

Cuộc thi “Tài năng biểu diễn múa” 2017 được tổ chức sau 9 năm vắng bóng.

U xơ tử cung - Một trong những nguyên nhân gây khó đậu thai, hiếm muộn

Phát hiện thảo dược "Đặc trị" Đờm Ho, Khó thở, Hen suyễn, COPD lâu năm

Theo đánh giá của NSND Vũ Việt Cường, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo thì chất lượng thí sinh năm nay đồng đều về trình độ, kỹ năng, kỹ thuật và khả năng trình diễn tác phẩm múa; tác phẩm tham dự cuộc thi phong phú về thể loại và đề tài. Cuộc thi đã chứng kiến sự “chuyển giao thế hệ” khi phần lớn các thí sinh tham gia đều thuộc thế hệ 9X, có thí sinh mới sinh năm 2000. Đây là những tài năng trẻ, “hạt giống” sẽ kế cận, chiếm lĩnh sân khấu nghệ thuật múa trong tương lai gần. Những cái tên như Nguyễn Ngọc Quỳnh Chi (Đoàn múa Arabesque, TP. Hồ Chí Minh), Đoàn Vũ Minh Tú, Phạm Thế Chung, Nguyễn Minh Bảo Bảo (Trường trung cấp Múa TP. Hồ Chí Minh), Hà Tứ Thiên (Đoàn Văn công Quân khu I), Huỳnh Thị Quế Anh (Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển, Phú Yên), Tống Mai Len (Trường cao đẳng Múa Việt Nam)... được đánh giá cao về kỹ thuật và khả năng biểu diễn.

Các thí sinh tham gia cuộc thi “Tài năng biểu diễn múa” năm nay cũng mạnh dạn lựa chọn tác phẩm mới của đội ngũ biên đạo trẻ tham gia dự thi thay vì lựa chọn các tác phẩm múa kinh điển thường thấy. Đặc biệt, có thí sinh còn tự dàn dựng và biểu diễn tác phẩm do chính mình sáng tác như Phạm Minh Tuấn (Trường múa TP. Hồ Chí Minh) với Độc thoại Tình quê, Phạm Như Thắng (Đoàn Văn công Quân khu 3) với Tự truyện... Nhiều người cho rằng, cuộc thi không chỉ là sân chơi cho nghệ sĩ biểu diễn múa mà còn là nơi để các biên đạo múa “trổ tài”. Đồng thời, cuộc thi cũng cho thấy, sự xuất hiện của những nghệ sĩ trẻ đa năng, vừa có khả năng biểu diễn nhưng cũng có thể là biên đạo múa tài ba với những tìm tòi, thể nghiệm mới lạ.

Vẫn còn những khoảng trống...

Nhiều khán giả yêu nghệ thuật múa cho rằng, “điểm yếu cố hữu” của các cuộc thi trong ngành múa là công tác truyền thông.Yếu tố truyền thông chưa thực sự được chú trọng nên không nhiều khán giả biết đến cuộc thi này. Nếu so với những cuộc thi tìm kiếm tài năng múa trên truyền hình lên sóng thời gian qua thì công tác truyền thông cuộc thi “Tài năng biểu biễu múa” 2017 kém hơn rất nhiều.

Một vấn đề nữa cũng rất đáng bàn trong cuộc thi “Tài năng biểu diễn múa” 2017 là sự thiếu vắng những thí sinh từ những đoàn nghệ thuật “tỉnh lẻ”. Cuộc thi vẫn là sân chơi của những trung tâm đào tạo nghệ thuật múa lớn của cả nước như Trường cao đẳng Múa Việt Nam, Trường Múa TP. Hồ Chí Minh, Trường đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội và một số đoàn nghệ thuật ở những thành phố lớn.

Ban Tổ chức cuộc thi cho biết, mục đích của cuộc thi là thông qua cuộc thi, các nhà quản lý nghệ thuật, các cơ sở đào tạo đánh giá thực trạng lực lượng biểu diễn múa, từ đó có những giải pháp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng tài năng, đóng góp xây dựng định hướng bền vững đối với các nghệ sĩ biểu diễn múa. Mục đích của cuộc thi đã rõ nhưng không ít người băn khoăn đặt câu hỏi, những tài năng múa được vinh danh từ cuộc thi này sẽ đi về đâu? Các em có thể “bay cao, bay xa” trên đôi cánh nghệ thuật, góp phần đưa nghệ thuật múa Việt Nam vươn xa trong khu vực và trên thế giới?

Rất khó để có thể đưa ra câu trả lời bởi việc đào tạo, nuôi dưỡng, phát triển tài năng múa vẫn là bài toán khó chưa có lời giải thỏa đáng.Thực tế cho thấy, không ít tài năng múa đã được phát hiện, vinh danh nhưng sau đó “chìm nghỉm” sau khi cuộc thi kết thúc. Cơ chế, chế độ, chính sách đãi ngộ với nghệ sĩ múa, phát triển nhân tài múa còn nhiều bất cập. Chúng ta vẫn chưa có những chương trình giảng dạy riêng để phát triển tài năng; thiếu chiến lược lâu dài để các tài năng múa phát triển. Phát hiện nhưng không gắn liền với việc đào tạo, tạo điều kiện cho tài năng phát triển cũng là sự lãng phí tài năng.

Cùng với sự phát triển của xã hội, nghệ thuật múa đã có những bước chuyển mình, ngày càng khẳng định rõ hơn vị thế của mình.Tuy nhiên, trên sân khấu chuyên nghiệp vẫn còn thiếu vắng những tác phẩm múa có chất lượng nghệ thuật cao và những tài năng biểu diễn múa. Cuộc thi “Tài năng biểu diễn múa” 2017 là việc làm quan trọng và cần thiết để tìm kiếm tài năng cho nền nghệ thuật múa Việt Nam. Với một nền nghệ thuật, quan trọng nhất là có được những tác phẩm đỉnh cao và nghệ sĩ tài năng. Để nghệ thuật múa phát triển, ngoài việc tổ chức các cuộc thi tìm kiếm tài năng, cần có những thay đổi mạnh mẽ về cơ chế, chính sách, tạo điều kiện tốt nhất cho các nghệ sĩ yên tâm sáng tạo và cống hiến hết mình cho nghệ thuật.

Phạm Thiên Giang

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/ve-dau-nhung-tai-nang-mua-n134773.html