Về đâu bản sắc Việt Nam?

Giờ đây, mỗi khi ra đường, người ta có thể bắt gặp vô số những nam thanh, nữ tú của Việt Nam, ăn vận theo 'gu' thời trang của Hàn Quốc, Pháp, Mỹ... và tất nhiên, hầu như chẳng thấy mẫu nào mang bản sắc của riêng người Việt. Điều đó cho thấy hệ thống trang phục truyền thống của 54 dân tộc trong 'mái nhà chung' Việt Nam đang bị mai một, thậm chí đứng trước nguy cơ rơi vào quên lãng.

Vẻ đẹp thuần hậu của các em học sinh trường Phổ thông dân tộc nội trú Lào Cai trong một chương trình ngoại khóa. Ảnh: CTV

Vẻ đẹp thuần hậu của các em học sinh trường Phổ thông dân tộc nội trú Lào Cai trong một chương trình ngoại khóa. Ảnh: CTV

Mang danh "cách tân"

Trong một cuộc trao đổi với báo giới, một nhà thiết kế thời trang nổi tiếng của Việt Nam than thở rằng, khi lấy cảm hứng sáng tác từ chiếc yếm của các cụ ngày xưa, nhiều nhà tạo mẫu do thiếu hiểu biết đã không ý thức đúng mức về "cái đẹp truyền thống" và "công dụng" của chiếc yếm, do vậy cứ "bê" nguyên chiếc yếm vào thiết kế của mình để thành thời trang dạo phố, thậm chí dự hội.

Điều đáng tiếc hơn nữa là, nhiều người lại nghĩ, đó là thiết kế mang nét "dân tộc". Họ không hiểu được rằng, yếm chỉ là loại áo lót của phụ nữ và đương nhiên sẽ không thể có chuyện các cô gái ngày xưa chỉ mặc độc chiếc yếm để ra đầu đình dự hội làng! Hay như chiếc áo dài dân tộc, phải trải qua lịch sử, thời gian và kể cả sự phát triển của kỹ thuật, kinh tế-xã hội, người phụ nữ Việt Nam mới có được chiếc áo dài gợi cảm và hoàn chỉnh như hiện nay. Thế mà, không hiểu vì sao, không ít các nhà thiết kế đã xẻ ra, cắt ngắn, đắp vá, can thiệp một cách thô thiển, "thiếu tế nhị" làm chiếc áo trở nên rườm rà, phức tạp, rồi gọi đó là tác phẩm "sáng tạo" đã được "biến tấu", "phá cách".

Trong khi xu hướng thời trang dân tộc trên thế giới đang được đưa vào quỹ đạo "thuần khiết hóa", nghĩa là giảm thiểu mọi sự thay đổi không cần thiết, sao cho mỗi bộ trang phục truyền thống phải thấm đẫm tinh thần, lịch sử và đậm đặc tinh hoa văn hóa dân tộc trong từng đường kim thớ vải, thì ở Việt Nam, người ta đua nhau "cách tân" cả những trang phục truyền thống đã được công nhận là quốc phục.

Như một sự kiện bi hài xảy ra gần đây làm báo chí tốn nhiều giấy mực: Hàng loạt hoa hậu, nghệ sĩ vô tư diện áo dài biến tấu, trình diễn phản cảm trên bục diễn mang tầm quốc tế. Chưa hết, cách đây chưa lâu, có ca sĩ còn phối áo dài với… quần bò rách hay kết hợp áo dài buộc vạt với… bốt da cao cổ. Sự việc gây bức xúc dư luận đến nỗi, một nhà thiết kế thời trang nổi tiếng vốn rất kiệm lời cũng phải "đăng đàn" nói rằng, ai cũng có quyền sáng tạo, bay bổng, tuy nhiên, khi đã phá cách, biến tấu thì đừng gọi là áo dài. Đã gọi là quốc phục thì phải giữ được nét đẹp truyền thống…

Một điều rất dễ nhận thấy hiện nay là, trong nhiều hoạt động của giới giải trí cũng đang tràn ngập hình ảnh các nghệ sĩ trong trang phục dân tộc thiểu số vô cùng kỳ cục. Có người thì mặc quần bò, áo sơ mi trắng, có khi còn đeo cà vạt, lại khoác thêm một cái áo thổ cẩm của đồng bào Mông, Tày, Nùng. Có người lên sân khấu với cái "ghi-lê" đặc trưng của người Tây Nguyên, nhưng bên dưới thì lại là… quần đùi.

Cách đây chưa lâu, dư luận được một phen dậy sóng khi một chương trình truyền hình chiếu cảnh các nhân vật trong trang phục khố truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên, nhưng lại được trang trí những họa tiết giống hệt khăn Piêu của dân tộc Thái Tây Bắc. Vẫn biết rằng, khi lên sân khấu thì phải "văn nghệ", nhưng để công chúng "chiêm ngưỡng" hình ảnh phản cảm như thế, đã vô tình gây ra những nhận thức lệch lạc về bản sắc văn hóa tộc người, gây tác dụng ngược với việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa truyền thống.

Ai chả biết, thời hiện đại bây giờ, đồng bào dân tộc thiểu số không nhất thiết phải sống mãi đời sống thô sơ, cuộc sống phải phát triển, phải cải thiện, nhưng nếu cách tân như thế thì khó có thể chấp nhận, như lời một nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc - "không còn gì để nói".

Cần có ý thức về "cái đẹp truyền thống"

Điều đáng ghi nhận là, trong khi những "báu vật" trang phục truyền thống đang dần bị mai một, thì nhiều địa phương đã có cách làm hay để gìn giữ và phát huy vốn quý này. Tiêu biểu là huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế, với việc triển khai nghị quyết chuyên đề của Hội đồng nhân dân huyện về "Bảo tồn gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số huyện A Lưới giai đoạn 2014-2020".

Theo đó, huyện đã chỉ đạo các các cơ quan, ban, ngành vận động công chức, nhân viên công sở, học sinh là người dân tộc thiểu số đồng loạt mang trang phục truyền thống một đến hai ngày mỗi tuần và trong các ngày lễ hội của đất nước, địa phương. Hứng khởi trước chủ trương đầy ý nghĩa này, trang phục thổ cẩm của đồng bào Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Cô đã xuất hiện khắp nơi ở A Lưới, trong các cuộc hội họp, lễ, tết và cả trong đám cưới hiện đại. Một dấu hiệu đáng mừng khác là, các trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số A Lưới đang lên ngôi, chinh phục được cả những nhà thiết kế thời trang nổi tiếng.

"Hầu hết các đoàn nghệ thuật của người thiểu số nước ngoài như Lào, Cam-pu-chia, Trung Quốc, Nga... sang Việt Nam biểu diễn, trang phục mà họ mặc đúng là của dân tộc họ từ xưa. Đấy là họ có ý thức nghiêm túc, biết giữ gìn bản sắc để "hội nhập nhưng không hòa tan". Chứ cái kiểu "thổ cẩm nửa mùa" như ở ta thì rất phản cảm..." - một nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc đã chia sẻ như vậy, khi nói về thực trạng trang phục truyền thống của các dân tộc Việt Nam đang có nguy cơ mai một, làm suy giảm giá trị văn hóa mà cha ông mất bao thế hệ mới tạo dựng nên.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng đáng buồn này có nhiều, nhưng riêng ở góc độ văn hóa-nghệ thuật thì có thể thấy rõ một điều là, danh xưng cho những người "có chân" trong đội ngũ này là một "vấn đề". Rất nhiều trong số họ chỉ qua một vài khóa học ngắn hạn đã tự cho mình là "nhà thiết kế", "nhà tổ chức sự kiện văn hóa-nghệ thuật", để rồi sau đó giới thiệu trước công chúng những hình ảnh phản cảm như đã nói ở trên.

Và đáng ra, những "báu vật" là hệ thống trang phục truyền thống dân tộc cần phải gìn giữ, phát huy và bảo tồn một cách nghiêm túc thì hiện nay mới chỉ được xem như một hoạt động "thuần văn hóa nghệ thuật", không có ngành nào đứng ra "cầm trịch" đúng nghĩa, thành ra, ai cũng có quyền bàn nhưng chẳng ai nghe ai. Nếu cứ như vậy, câu hỏi bức xúc "trang phục truyền thống dân tộc sẽ đi về đâu" chưa biết đến bao giờ mới có lời đáp.

P.V

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/ve-dau-ban-sac-viet-nam/