Về đâu 'áo trắng thương hồ'

'Đời nào vui bằng đời thương hồ/ Xuống bể lên nguồn gạo chợ nước sông'. Không biết câu hát ấy có đúng với tâm trạng và suy nghĩ của những người 'chạy chợ' sông nước, lấy ghe làm nhà không, nhưng có một điều chắc chắn rằng, những đứa trẻ sẽ bị 'lấy cắp' ước mơ học đường khi mang trên mình danh phận thương hồ nhí...

1. Sở dĩ các lớp tình thương ở quận 7 (TP Hồ Chí Minh) mọc lên nhiều là vì khu vực có chợ nổi dọc đường Trần Xuân Soạn (P. Tân Hưng). Những đứa trẻ theo cha mẹ lênh đênh sông nước rày đây mai đó nên không thể theo học các trường Nhà nước.

Mặt khác, cuộc sống thương hồ chỉ đủ bữa cơm qua ngày, họ không có đủ tiền cho con đi học. Lớp tình thương ra đời, các bạn thanh niên tình nguyện đi xuống từng chiếc ghe vận động trẻ em học chữ. Nhiều năm qua, các thế hệ trẻ thơ đã học, có chút vốn liếng chữ nghĩa đủ để bươn chải rồi phải khép lại tương lai, "neo" cuộc đời trên cánh sóng.

Nổi tiếng nhất phải kể tới lớp học của bà Mười (Lữ Thị Lệ Nương), sau nữa là lớp cô Thảo, lớp Cầu Rạch Ông... Họ đều là những nhà giáo nghỉ hưu, đau đáu, trăn trở với đám trẻ thương hồ. Họ tự bỏ tiền ra thành lập lớp học rồi đi "lôi kéo, dụ dỗ" các em về học.

Cô Thảo còn nhớ rất rõ, ngày đầu mới mở lớp, học sinh của cô ngoài con em dân chạy chợ sông nước còn có giang hồ tới học. Đây là giang hồ thật sự, có số má hẳn hoi. Người được nhớ nhiều nhất là Tuấn "mã tấu".

Tuấn xuất hiện trong lớp mang một vẻ mặt kệch cỡm và oai phong. Học sinh trố mắt nhìn, cô Thảo thì bất ngờ, ngạc nhiên hết sức. Tuấn học được một thời gian thì "xộ khám". Ra tù, Tuấn tiếp tục tới lớp theo học. Có lẽ Tuấn "mã tấu" ý thức được việc có chữ là quan trọng trong cuộc đời hắn.

Đời thương hồ kẻ chợ của cha mẹ khiến những đứa trẻ phải neo đời trên sóng nước.

Đời thương hồ kẻ chợ của cha mẹ khiến những đứa trẻ phải neo đời trên sóng nước.

Cái thời giang hồ đến lớp đã trở thành câu chuyện vui và kỷ niệm đẹp, bây giờ thi thoảng cũng xuất hiện trong lớp học tình thương những giang hồ nhí. Gọi là giang hồ cho to tát, thực ra bọn trẻ này mới ở dạng "láu cá, ba trợn", có tật "hai ngón" lặt vặt chứ chưa tới mức đâm thuê chém mướn đúng nghĩa giang hồ. Chúng tới lớp học để kiếm vài chữ lận lưng, chỉ mong viết được tên của mình và tính toán tiền nong cho mau lẹ.

Chiều nhập nhoạng, chúng tôi theo chân Hiệp "jun" và Minh "chuột" ra bến thuyền dưới chân cầu Tân Thuận (quận 7) lượm vỏ lon. Đây là công việc thường xuyên của bọn nhỏ, chúng canh thủy triều lên, dòng nước sẽ đẩy mọi thứ rác vào bờ, trong đó có rất nhiều vỏ lon.

Nguồn thu từ việc lượm lặt này chỉ đủ cho chúng ăn một chiếc xúc xích nướng vỉa hè và một ly nước mía. Hai đứa trẻ này hiện đang sống cùng bà ngoại ở một căn phòng trọ nhỏ gần khu chế xuất Tân Thuận. Bà nó bán vé số, nó thương bà nên muốn tự mình đi kiếm ăn.

Minh "chuột" buột miệng nói với tôi, những lúc đói và thèm ăn, nó thường lẻn vào xuồng bán trái cây bên Kênh Tẻ "thó" đồ. Mấy người trên bờ nhiều lần khuyên chúng đến lớp học tình thương của bà Mười học chữ, sau này đủ tuổi thì kiếm cái nghề mà làm cho đàng hoàng. Nói hoài, nói miết cuối cùng cũng lọt tai chúng. Vậy là hai thằng đi học.

Lần đầu tới lớp, nhìn mấy bạn nhỏ mắt tròn mắt dẹt đọc chữ trên bảng, Minh "chuột" và Hiệp "jun" lạ lẫm vô cùng. Nó được mấy anh chị tình nguyện hướng dẫn viết chữ, đọc số rồi cho bài tập về nhà làm.

Một buổi tới trường, hai đứa thấy khó khăn hơn việc đi kiếm đồ ăn ngoài đường nên bàn nhau bỏ học. Mấy bạn tình nguyện viên đi tìm khuyên nhủ hết lời, nhưng cũng chỉ tới trường được vài ngày là chán. Với chúng, con chữ để nhét vào đầu là cả một thử thách.

Tại sao học chữ lại khó đến vậy? Minh "chuột" tâm sự với chúng tôi, nó ngưỡng mộ các bạn cùng lứa đang theo học lớp tình thương. Bạn Mi, Hiền, Tuấn... là con nhà thương hồ, cùng hoàn cảnh mà các bạn chăm chỉ học rất giỏi. Thời điểm đông đúc nhất theo học các lớp tình thương lên tới vài trăm em. Tuy nhiên, đến lớp đều đặn, chăm ngoan học giỏi lại rơi vào con em của thương hồ. Số khác học nửa chừng bỏ dở, lêu lổng ngoài đường.

Bà Mười là tên gọi thân thương gắn với các em học sinh lớp học tình thương.

2. Trên bến sông, dân tứ chiếng gặp nhau, mưu sinh nhọc nhằn cả đời vẫn không đủ chén cơm đạm bạc chốn phồn hoa. Những đứa trẻ tụ năm tụ bảy rồi rủ nhau đi học lớp tình thương. Bé Mi, con của vợ chồng chị Thủy năm nay 10 tuổi, đang theo học lớp 1 trường tình thương. Mi già dặn so với tuổi đời.

Trong lớp, Mi lanh lẹ, hoạt bát, dường như không biết sợ ai, không biết e dè xấu hổ là gì. Chỉ có điều, Mi học rất chậm, tiếp thu không nhiều. Trong đầu bé lúc nào cũng nghĩ tới những con tàu chợ của ba mẹ, nải chuối, chùm dừa, đồng bạc lẻ và bữa cơm gà rán. Học được hai tuần, bé lại nghỉ theo ghe về miền sông nước lấy hàng.

Những lần gia đình có việc ở quê, phải một tháng sau bé mới trở lại lớp học. Học được vài chữ lại quên, phải học lại, riết rồi các thầy cô cũng ngán ngẩm. Với Mi, lúc nào cũng có một cô giáo kèm cặp riêng, nhưng khi về nhà thì đâu lại vào đấy, "chữ cô trả hết cho cô".

Khác với Mi, bé Hiền (12 tuổi) lại nổi trội hơn hẳn. Hiền đang học chương trình lớp 5. Bé siêng học, đam mê con chữ và có ước mơ rõ ràng. Thời gian nào phải theo tàu về quê, bé buồn rười rượi, xin ở lại đi học mà mẹ không cho. Tuy nhiên, con đường kiếm chữ của Hiền có nguy cơ dừng hẳn vì gia đình em dự định chuyển đi nơi khác làm ăn.

Hiền tâm sự với thầy cô: "Mẹ nói em học thế là đủ rồi, chỉ cần biết chữ thôi". Ánh mắt buồn khổ, tuyệt vọng của cô bé ham học như vết cắt cứa vào trái tim người dạy, lúc nào cũng ám ảnh lớp học.

Các em viết ước mơ của mình trên con đường học vấn đầy trắc trở.

Cùng lứa với Hiền là Quân (13 tuổi), cũng phải dừng học vì cha mẹ không có khả năng cho học tiếp cấp 2. Hè năm nay, Quân quay trở lại con ghe trái cây phụ gia đình buôn bán. Vốn liếng chữ nghĩa đủ để Quân đọc viết và tính toán sơ đẳng.

Mặc dù khao khát được đến trường nhưng những "áo trắng thương hồ" không thể tự quyết số phận của mình. Quân chia sẻ trước ngày tan trường: "Em ước mơ sau này sẽ làm thuyền trưởng tàu viễn dương đi khắp năm châu bốn bể. Mà muốn làm thuyền trưởng thì phải học thật cao, ít nhất cũng qua lớp 12".

Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến hè, Quân và bao học sinh lớp tình thương sẽ tạm chia tay nhau để về với bến nước, con thuyền cùng cha mẹ. Riêng Quân sẽ trở thành một nhân lực thiết yếu trên chuyến tàu thương hồ kẻ chợ rẽ sóng khắp miệt Cửu Long.

3. Chiều lang thang bến thuyền, cảnh bán buôn sinh hoạt của cư dân thương hồ chợt lắng lại. Một vài đứa trẻ vục đầu tắm mát để kịp cho buổi học đêm ở lớp tình thương. Những đứa không được đi học thì mang diều ra bãi đất trống thả. Đời thương hồ, nay ở đây mai lại xuôi về miền nào đó, cấp tập mưu sinh. Tôi vẫn ấn tượng câu hát trên mui ghe của anh Ba Tiền: "Đời nào vui bằng đời thương hồ/ Xuống bể lên nguồn gạo chợ nước sông".

Không biết câu hát ấy có đúng với tâm trạng và suy nghĩ của anh Ba không, nhưng có một điều chắc chắn rằng, những đứa trẻ sẽ bị thiệt thòi, bị lấy cắp ước mơ khi trở thành thương hồ nhí. Trong số 5 người con của anh Ba Tiền, có tới 3 đứa mù chữ, hai đứa được học tới lớp 5 tình thương.

Có lần ngồi "trà dư tửu hậu" trên mũi ghe, anh Ba buộc miệng thở dài: "Con Mít và thằng Thóc nhà tôi ham học lắm nhưng nó chỉ dám buồn khi tôi bắt nghỉ, tuyệt đối không khóc. Nhiều lúc nhìn chúng cặm cụi đọc sách, tôi thương mà không thể làm gì khác được".

Học sinh vẽ hình chân dung gửi lời cảm ơn bà Mười.

Ông Ngô Xuân Đông, Trưởng phòng Giáo dục quận 7 (TP. Hồ Chí Minh) cho biết: "Ở quận 7, lớp học tình thương mỗi phường đều hoạt động rất ổn định, phòng giáo dục quận hỗ trợ về mặt chuyên môn, giúp đỡ sách vở, đồ dùng học tập cho các em. Đặc biệt, mỗi trường phổ thông đều gắn với lớp học tình thương về kiến thức. Mỗi năm, các em đều có học bạ đánh giá, nhận xét.

Chúng tôi đã khảo sát và phối hợp với chính quyền địa phương nhằm tạo điều kiện tốt nhất để các em tiếp tục đến trường sau khi hoàn thành chương trình tiểu học. Tuy nhiên, phụ huynh thì chỉ muốn cho con mình học lớp tình thương để không phải tốn bất cứ khoản đóng góp nào. Chính vì vậy mà một số em đã không được cha mẹ cho học tiếp".

Ngọc Hoa

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/ve-dau-ao-trang-thuong-ho-540509/