Về đất thép, thành đồng

Lần đầu tiên chúng tôi có dịp về với địa đạo Củ Chi (huyện Củ Chi, Tp. Hồ Chí Minh) và Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương cục miền Nam (Tây Ninh) – nơi lưu giữ những chứng tích đồ sộ về một thời bom đạn, đau thương nhưng cũng hào hùng, oanh liệt. Đây là chuyến đi nằm trong kế hoạch sinh hoạt chuyên đề học tập kinh nghiệm việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về việc đẩy mạnh học tập, làm theo đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đảng bộ Tổng công ty Điện lực miền Nam do Đảng bộ Báo Công Thương tổ chức vào cuối tháng 8 vừa qua.

Từ Củ Chi…

Sau hơn một giờ đồng hồ di chuyển từ trung tâm Tp. Hồ Chí Minh đến Củ Chi - mảnh đất được mệnh danh là “đất thép, thành đồng”, chúng tôi đã có mặt tại đền Bến Dược nằm trong khuôn viên Di tích lịch sử cách mạng địa đạo Củ Chi.

 Đoàn công tác của Báo Công Thương dâng hương tại Đền tưởng niệm Liệt sĩ Bến Dược

Đoàn công tác của Báo Công Thương dâng hương tại Đền tưởng niệm Liệt sĩ Bến Dược

Đền được xây dựng để tưởng nhớ công lao to lớn của đồng bào, chiến sĩ đã chiến đấu, hy sinh trên vùng đất Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định trong hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Pháp và Mỹ. Toàn bộ khuôn viên có 9 khu trưng bày mang chủ đề khác nhau nhưng chúng tôi ấn tượng nhất với điện thờ chính mang dáng dấp đền đài cổ của Việt Nam, vừa tôn nghiêm, vừa tĩnh mịch. Điện được bố trí theo hình chữ U: Trung tâm là bàn thờ Tổ quốc, chính giữa có tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dọc theo các bậc tường bên trái là tên liệt sĩ khối Dân chính Đảng, các bậc tường bên phải là tên liệt sĩ lực lượng vũ trang.

Tên liệt sĩ được khắc vào tấm bia đá hoa cương, chữ mạ vàng. Có 44.752 liệt sĩ được ghi tên trong đền, gồm Mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng, liệt sĩ, trong đó có 14.077 liệt sĩ là con em của 40 tỉnh, thành phố trên cả nước và 800 liệt sĩ không rõ quê quán. Trong không khí trang nghiêm, trầm mặc, đoàn công tác không khỏi xúc động bởi sự hy sinh vô cùng to lớn của những người có công với đất nước. Gần 45.000 nghìn người trong số hàng triệu người đã nằm lại nơi đây để cho chúng ta có cuộc sống bình yên ngày hôm nay.

Nghe giới thiệu và tìm hiểu về địa đạo Củ Chi

Sau khi kính cẩn nghiêng mình trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh và những anh hùng, liệt sĩ, người có công, chúng tôi thăm địa đạo Củ Chi - một hệ thống phòng thủ trong lòng đất hết sức đặc biệt. Với bàn tay, khối óc và những thiết bị thô sơ, quân và dân ta đã làm nên kỳ tích dưới lòng đất với đường hầm zíc zắc, nhiều tầng nấc, dài khoảng 250 km trong vòng 20 năm. Có nhiều đơn nguyên để sử dụng với nhiều mục đích khác nhau như các phòng ở, bệnh xá cấp cứu, nhà bếp, kho chứa, nơi làm việc của cán bộ, chiến sĩ. Đặc biệt, hệ thống đường hầm kết nối với nhau một cách khoa học, bí mật và an toàn. Trong lòng địch, giữa đạn cày, bom xới và cả những đợt càn quét khốc liệt nhưng không hề làm nản lòng những con người sống trong vùng đất thép mà trái lại, sự kiên trì, lòng quyết tâm, sự sáng tạo, thông minh đã khiến những con người ấy làm nên những điều không tưởng. Có những người đã sống, sinh hoạt và chiến đấu dưới lòng đất gần 20 năm ròng rã, để rồi nằm lại nơi này.

Thăm nơi trưng bày những vũ khí mà quân và dân ta sử dụng trong kháng chiến chống Mỹ

Giữa vùng địa đạo, màu xanh của cây cối bạt ngàn xen lẫn tiếng chim lảnh lót, những chứng tích còn nguyên vẹn, chúng tôi được nghe anh hướng dẫn viên trẻ say sưa kể về sự sáng tạo của quân và dân trong quá khứ. Nào là những ụ mối tưởng như vô tình giữa đường đi lại là hệ thống lấy không khí, thông hơi cho địa đạo; những ụ đất nhô cao là điểm phòng thủ tiêu diệt quân thù; những hố chông tự chế đã nhiều phen làm quân thù khiếp vía hay như cái bếp đơn giản do quân nhân Hoàng Cầm sáng tạo ra chỉ để lại làn khói mỏng như sương khi nấu…

Không chỉ được nghe, chúng tôi và những du khách khác đến nơi này còn được trải nghiệm chui địa đạo, thăm không gian sống và làm việc của cán bộ, chiến sĩ thời xa xưa ấy; được ăn món khoai mỳ (sắn) nóng hổi chấm muối vừng 50 năm về trước là lương thực chính nuôi sống hàng vạn người mỗi ngày.

Tổng Biên tập Báo Công Thương Nguyễn Hữu Quý ghi sổ lưu niệm tại Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi

… Đến Căn cứ Trung ương Cục miền Nam

Rời đất thép anh hùng, chúng tôi tiếp tục di chuyển đến Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam ở phía Bắc tỉnh Tây Ninh, sát biên giới Việt Nam - Campuchia, cách TP. Tây Ninh khoảng 60km. Khu căn cứ được xây dựng tại rừng Chàng Riệc, Rùm Đuôn giữa rừng nguyên sinh với nhiều tầng cây che phủ. Hệ thống nhà ở và phòng làm việc trong căn cứ nổi trên mặt đất, toàn bộ cột, kèo, đòn tay đều làm bằng gỗ, mái được lợp bằng lá trung quân. Các hầm trú ẩn thường làm kế cận nhà ở và làm việc, chìm vào lòng đất. Đây cũng là nơi ở, làm việc của nhiều cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước như đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt, Hoàng Văn Thái, Phan Văn Đáng, Lê Trọng Tấn…

Bên ngôi nhà của đồng chí Nguyễn Văn Linh

Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương cục miền Nam gồm ba phân khu: Căn cứ Trung ương cục miền Nam, Căn cứ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Căn cứ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (đều ở Tân Biên – Tây Ninh). Trong 15 năm (1961 - 1975), Trung ương Cục đã cụ thể hóa được nhiều chủ trương, quyết sách của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng miền Nam, từ đó cho ra đời nhiều Chỉ thị, Nghị quyết quyết định đường lối chiến lược của cách mạng miền Nam và triển khai thành công trong phạm vi toàn chiến trường miền Nam.

Sa bàn tái hiện lại cuộc phản công đánh bại chiến dịch Junction City (tháng 4/1967)

Căn cứ Trung ương Cục miền Nam là thủ đô của cách mạng miền Nam. Nơi đây còn lưu giữ những chứng tích, những kỷ niệm về cuộc đời hoạt động cách mạng hết sức gian khổ, hy sinh, nhưng rất đỗi tự hào của nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng cùng bao cán bộ, chiến sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thần thánh của dân tộc tại miền Nam. Với những giá trị đặc biệt của di tích, ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam là Di tích quốc gia đặc biệt.

Những kỷ vật không thể nào quên

Tại Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, chúng tôi được chiêm ngưỡng hàng trăm hình ảnh, hiện vật về đời sống, sinh hoạt và chiến đấu của các chiến sĩ cách mạng tại chiến khu xưa; được nghe ông Cao Hoài Phong - thành viên của Ban quản lý Các khu di tích - giới thiệu về khu căn cứ lịch sử quan trọng này, trong đó có chiến dịch phản công đánh bại cuộc hành quân Junction City kéo dài 53 ngày đêm với trên 45 nghìn quân và nhiều trang thiết bị, vũ khí hiện đại.

Đoàn công tác của Báo Công Thương tại Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam

Qua đợt sinh hoạt chuyên đề, đặc biệt là chuyến đi trải nghiệm đến 2 khu di tích đặc biệt ở Củ Chi và Căn cứ Trung ương Cục miền Nam đã giúp chúng tôi - những đảng viên của Báo Công Thương học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý báu; và là cơ hội ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc.

Chúng tôi tin rằng, sự trải nghiệm nào cũng quý giá và chỉ có được trải nghiệm, con người ta mới tĩnh tâm nhìn lại quá khứ để hiện tại và ngày mai sống có ý nghĩa hơn, trách nhiệm hơn. Với chúng tôi – những Đảng viên – càng có nhận thức sâu sắc hơn về sự hy sinh của hàng vạn người nơi đất thép; sự cống hiến to lớn của những chiến sĩ Cộng sản, quân và dân của miền Nam. Họ đã sống và chiến đấu vì một mục tiêu cao cả, thiêng liêng “Vì độc lập, tự do của Tổ quốc”.

Vũ Sơn - Thanh Minh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ve-dat-thep-thanh-dong-124539.html