Vé đắt, khách vẫn đông

Phố Hội ngày thứ 3 đoạn đầu công viên Đồng Hiệp từ chập tối đã nhộn nhịp khách, chủ yếu là người nước ngoài. Một nhà hát nhỏ mô tả hình mặt trăng, sử dụng chất liệu tre tự nhiên vang vang tiếng cồng chiêng. Một điều lạ, nhà hát này bắt đầu diễn từ 6h tối và show diễn chỉ kéo dài chừng một giờ đồng hồ.

Tạo hình sân khấu của vở diễn

Tạo hình sân khấu của vở diễn

Nhiều người dân Hội An biết đến sự tồn tại của Trung tâm biểu diễn Lune, nhưng người ta thường kèm theo nụ cười khi nói về nó: “vé mắc lắm”! Khách người Việt không nhiều, và nếu có, chủ yếu họ đến để chụp ảnh selfie. Xếp hàng dài trước quầy vé là khách nước ngoài. Giá vé so với các show ca nhạc kéo dài ba tiếng được coi là đắt, vé Vip lên tới gần 2 triệu đồng.

Cả nhà hát chỉ có khoảng 300 ghế ngồi và gần như kín chỗ. Sân khấu rất gần khán đài khiến nhiều người nói đùa “trang phục diễn viên có vết nhàu cũng soi thấy hết”. Theo tiết lộ của một thành viên Lune, việc thiết kế sân khấu gần khán đài là cố tình, để tăng sự tương tác với khán giả.

Theo như giới thiệu, có 5 nhạc công của Tehdar là người dân tộc thiểu số. Họ có thể hát, giọng khỏe đặc trưng Tây Nguyên. Kiến trúc sư ngồi cạnh tôi giải thích, chính thiết kế mái vòm khiến cho sự cộng hưởng và lan tỏa âm thanh tốt hơn, nhất là trong trường hợp các nhà hát có diện tích nhỏ. Bởi như vậy, dù ngồi ở vị trí nào khán giả cũng có thể cảm nhận âm nhạc tương đối đồng nhất. Còn theo như giải thích của một đại diện Lune: cấu trúc vòm bán cầu của Trung tâm Biểu diễn lấy ý tưởng từ chính hình ảnh mặt trăng và ý nghĩa đằng sau cái tên Lune, tức biểu trưng văn hóa Á Đông dùng lịch mặt trăng và trồng lúa nước.

Người nước ngoài thích thú với một không gian văn hóa lạ lẫm, đậm chất Tây Nguyên với chiêng, trống, đàn goong, sáo và tù và. Một số nhà nghiên cứu văn hóa Việt tôi gặp cho rằng: vẫn là Tây Nguyên họ biết, nhưng tinh
tế hơn.

Đạo diễn Tuấn Lê vẫn giữ được phong độ của thời làm “Làng tôi”, sân khấu đan xen giữa kỹ thuật xiếc bậc cao, âm nhạc Tây Nguyên nguyên bản, cảm xúc bất ngờ và cả những cái bẫy humour đậm chất Pháp. Tuấn Lê được biết đến là một nghệ sĩ tung hứng, một biên đạo, và đạo diễn đẳng cấp quốc tế. Anh cũng là nghệ sĩ Việt đầu tiên và duy nhất tham gia đoàn Xiếc Mặt Trời (Cirque du Soleil) với tư cách là nghệ sĩ solo.

Toàn bộ đạo cụ trong vở diễn đều làm từ tre trúc tự nhiên. Và cái mà người xem hay khen đi khen lại chính là “tạo hình sân khấu tuyệt vời”. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Việt Thanh từng có bề dày kinh nghiệm chụp ảnh sân khấu khẳng định: “Lune mà nhận tạo hình sân khấu thứ hai Việt Nam, ít người dám nhận thứ nhất”.

Điều thú vị nhất của mô hình văn hóa này, theo tôi, chính là thiết kế sân khấu chỉ cách khán đài một quãng tay. Trong những màn biểu diễn tung hứng ở cự ly gần, khán giả đồng thời thót tim như trong một trò chơi cảm giác mạnh. Ngược lại, họ không có cảm giác khoảng cách với sân khấu, nhất là sau một vài màn diễn, khi diễn viên tràn lên khán đài tiếp tục múa. Ngồi gần, tôi còn có thể nhìn thấy từng giọt mồ hôi cũng như lồng ngực phập phồng thở dốc của diễn viên sau mỗi trường đoạn phải vận dụng thể lực liên tục. Cảm xúc được nhóm lên theo một cách ít ai ngờ. Nó vừa phơi bày hậu cảnh, lại vừa truyền cảm hứng. Hầu như người xem bị âm nhạc và nhịp điệu sân khấu “kích động”, khiến họ phải dậm châm, lắc lư người hoặc là vỗ tay
không dứt.

Riêng vở diễn Làng Tôi của Lune Production đã gây tiếng vang ở 4 châu lục trên thế giới qua nhiều chuyến lưu diễn. Ê kíp làm nên tác phẩm này gồm có những cái tên đương đại có thể tính vào danh sách hot nhất hiện nay. Đạo diễn Tuấn Lê, đạo diễn âm nhạc Nguyễn Nhất Lý, giám đốc sáng tạo Nguyễn Lân Maurice, biên đạo múa Tấn Lộc, Ngô Thanh Phương.

Tehdar tiếng K’ho nghĩa là “đi vòng tròn”

Hạnh Đỗ

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giai-tri/ve-dat-khach-van-dong-1321918.tpo