Về 'chung một nhà', 8 sở ngành Hà Nội hoạt động thế nào?

Dự án Khu liên cơ Võ Chí Công (quận Tây Hồ) – nơi làm việc của 8 sở ngành Hà Nội sắp đi vào hoạt động. Tuy nhiên, những vấn đề về quản lý hoạt động của 8 sở ngành khi về chung một nhà đang được đặt ra.

Dự án khu liên cơ Võ Chí Công đang dần hoàn thiện. Ảnh: Trần Hoàng

Dự án khu liên cơ Võ Chí Công đang dần hoàn thiện. Ảnh: Trần Hoàng

Thiếu kết nối đồng bộ

Ghi nhận của PV Tiền Phong, dự án Khu liên cơ Võ Chí Công (quận Tây Hồ), hiện những công đoạn cuối cùng hoàn thiện khối nhà 16 và 27 tầng để phục vụ 8 sở ngành sẽ di dời về đây đang được tiến hành. Các tốp công nhân đang quét sơn sáng màu toàn bộ phần thô của tòa nhà. Khu đất bên cạnh để xây tòa nhà 7 tầng đang được khoan cọc nhồi.

Dự án Khu liên cơ Võ Chí Công là công trình trọng điểm của UBND thành phố Hà Nội, xây dựng bằng nguồn ngân sách Nhà nước. Quy mô dự án gồm 3 khối nhà, cao lần lượt 27, 16, và 7 tầng, xây dựng trên khu đất 7.270m2. Tổng mức đầu tư là hơn 1.022 tỷ đồng. Dự kiến ban đầu thì cuối năm 2017 hoặc đầu năm 2018, các sở ngành sẽ bắt đầu di dời. Sau đó lùi thời hạn đến quý III/2018. Thời điểm dự kiến cuối cùng là giữa năm 2019.

Trước đây Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội làm chủ đầu tư dự án, đến tháng 02/2017, dự án chính thức bàn giao lại cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng dân dụng và công nghiệp thành phố Hà Nội (BQLDA). Khi bàn giao thì đã cơ bản xong phần thô của tòa nhà 27 và 16 tầng. Tuy nhiên, từ thời điểm trước khi bàn giao, Cục Giám định nhà nước về công trình xây dựng - Bộ Xây dựng đã chỉ ra hàng loạt sai sót tại công trình. Sau đó, Sở Khoa học & Công nghệ Hà Nội đã sửa chữa nhưng chưa triệt để.

Vận hành thế nào?

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Vũ Mạnh Tuấn, Trưởng phòng dự án PPP (BQLDA) cho biết, việc tiếp nhận một tòa nhà thô rồi phải chuyển đổi công năng khiến cho nhiều hạng mục của dự án phải thay đổi. Nhiều việc khó hơn cả xây dựng một dự án mới.

Ông Tuấn cho biết, BQLDA đã phối hợp với nhà thầu, giám sát… cơ bản khắc phục được toàn bộ những yêu cầu Cục Giám định đặt ra. Như hạng mục vách kính đã được Sở Xây dựng Hà Nội thẩm định, dán thêm lớp phim cách nhiệt đảm bảo hệ số hấp thụ nhiệt của tòa nhà; hệ thống cột C3 mà Cục Giám định khuyến cáo năm 2016 đã điều chỉnh bổ sung cột giằng kháng chấn, nội dung này cũng đã được Sở Xây dựng phê duyệt.

Đại diện BQLDA cho biết, dự kiến, tháng 8/2019 sẽ đưa 5 sở về trước, bao gồm: Khoa học & Công nghệ, Quy hoạch - Kiến trúc; Viện Quy hoạch Kiến trúc, Xây dựng, TN&MT.

Việc đưa trước 5 sở về nằm trong tính toán đảm bảo về khối lượng cán bộ nhân viên làm việc thường xuyên và cả cá nhân, tổ chức đến làm việc tại các sở, ngành.

Vấn đề lớn nhất là bãi đỗ xe cho toàn bộ khu nhà, theo đại diện BQLDA, 2 khối nhà 16 và 27 tầng có 2 tầng hầm chỉ đủ chứa xe máy của cán bộ và 6- 8 xe công (mỗi sở ngành).

Xe của người dân đến làm việc sẽ được bố trí tại khu đất X2 ngay sát dự án Liên cơ Võ Chí Công. UBND thành phố Hà Nội đã giao việc triển khai cho Sở Xây dựng làm việc với Ban quản lý dự án quận Tây Hồ để xây dựng 2 tầng hầm và mặt bằng đỗ xe. Theo kế hoạch, quận Tây Hồ bàn giao 2 tầng hầm gửi xe trước 30/6. Tuy nhiên đến nay khu để xe vẫn chưa đổ bê tông, khả năng cao sẽ chậm thời hạn bàn giao.

Quản lý và vận hành tòa nhà cũng là vấn đề được đặt ra khi tòa nhà đi vào hoạt động. Trước đây, mỗi sở đều có bảo vệ riêng, quản lý riêng nhưng khi vào tòa nhà phải hoạt động theo một thể thống nhất. Do đó, BQLDA đang đề xuất thành lập tổ quản lý vận hành tòa nhà, đang báo cáo Sở Xây dựng, Sở Tài chính. “BQLDA không có chuyên môn quản lý tòa nhà, cũng như không có nhân sự để làm việc này do đó nhất thiết phải có đơn vị quản lý tòa nhà chuyên nghiệp”, đại diện BQLDA nói.

8 sở ngành sẽ di dời về khu liên cơ bao gồm: Tài chính, KH&ÐT, QH&KT, TN&MT, KH&CN, Xây dựng, GTVT, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội.

Hiểu Minh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/nhip-song-thu-do/ve-chung-mot-nha-8-so-nganh-ha-noi-hoat-dong-the-nao-1422181.tpo