Về chơi quan họ

Né tránh đông đúc, huyên náo ngày hội Lim (13 tháng Giêng hàng năm), những người yêu làng Lim, yêu câu dân ca quan họ, và yêu cả chút men nồng của tửu quê nồng nàn Kinh Bắc vẫn có cớ tìm về làng Lim, không phải để 'nghe' mà là để 'chơi' cùng quan họ khi xuân chưa tàn.

Hội Lim đã vãn, nhưng những câu quan họ vẫn vang vọng khắp vùng chiêm trũng Bắc Bộ ở các hội làng, hội đình. Hình ảnh liền anh – liền chị (anh hai – chị hai) trong trang phục cổ truyền, với chị hai thì nón quai thao, áo “mớ ba mớ bảy”, anh hai thì áo dài năm thân, đầu đội nhiễu quấn hoặc khăn xếp, phiêu trên thuyền rồng cùng “đổ” từng “đẵn” quan họ trước quan khách tứ phương, đang góp cho những ngày vui xuân khắp xứ Bắc thêm phần tròn vẹn.

 Liền anh – liền chị trên thuyền rồng ở ao Mậu Lương 2019. Ảnh: Thiên An.

Liền anh – liền chị trên thuyền rồng ở ao Mậu Lương 2019. Ảnh: Thiên An.

Liền chị trong không gian quan họ nơi Hồ Văn trước Văn Miếu Quốc Tử Giám 2019. Ảnh: Thiên An.

Bên cạnh câu chuyện truyền thuyết thú vị về sự hình thành loại hình nghệ thuật dân ca quan họ, với rất nhiều kiến giải, nhưng mang điểm chung đều là hình thức hát đối đáp giữa hai họ, hai làng thân cận, hai nhân vật nam – nữ, để hợp thành một nét văn hóa dân gian đặc sắc.

Hát đối đáp là điểm nhấn đặc biệt và rõ nét trong dân ca quan họ. Ảnh: Thiên An.

Từ khởi đầu đậm tính chất lễ nghi, cử hành ở các dịp hội đình, hội làng, chùa, hay tại các dịp lễ lớn trọng đại, quan họ thẩm thấu sâu rộng vào đời thường, và đến nay đã có sức lan tỏa mãnh liệt. Khắp mùa xuân, từ con nước bến sông, hồ đến ao làng, trong tư gia… quan họ cứ thế phiêu thả chất trữ tình của mình qua từng câu hát, từng làn điệu cổ xưa được lưu truyền, tạo nên một lối sinh hoạt bình dị, thấm tình quê.

Khung cảnh trữ tình, lời ca sâu lắng đã tạo cho quan họ một sức hấp dẫn đặc biệt khắp các mùa hội xuân. Ảnh: Thiên An.

Tận hưởng quan họ, chiêm ngưỡng quan họ, lạc trong không gian quan họ những ngày xuân ở các hội hè, đình đám, đấy mới chỉ là phần “nghe hát”, “xem hát”, còn muốn tận hưởng, thấm đậm cái duyên quan họ theo lối nguyên bản, mộc mạc nhất, phải là về làng Lim dự một buổi hát canh. Ở làng Lim, hát canh thực chất là một cuộc giao lưu quan họ giữa các nghệ nhân của 49 làng quan họ. Tìm đến nhà nhau buổi hát canh, chính là để ngồi lại bên nhau, chia miếng trầu, trao nhau những câu ca quan họ theo một lề lối đã định từ tối đến tận 3 – 4 giờ sáng.

Liền anh – liền chị trong một buổi hát canh tại tư gia nghệ nhân Hai Chiến, thôn Lũng Giang ở làng quan họ. Ảnh: Thiên An.

Têm trầu chuẩn bị đãi khách trong buổi hát canh ở làng Lim. Ảnh: Thiên An.

Theo lời rủ rê của một đồng nghiệp có thói quen năm nào cũng về làng Lim dịp đầu xuân. Phóng viên Thế Giới Tiếp Thị Online được du hành vào một không gian khác xa với những lễ hội, nơi ấy người “chơi” quan họ có không gian riêng để ăn – vui – say – hưởng cùng những vang – rền – nền – nảy theo làn điệu quan họ. Bữa tiệc tối diễn ra tại nhà anh Thảo – một liền anh nay đã qua lục tuần. Do có hẹn hò trước, mâm cơm được gia chủ chuẩn bị sẵn. Khách đến nhà đã thấy trên chiếu hoa bày biện đầy đủ cùng rượu thịt, canh măng, những thức ăn giản đơn của ngày xuân với đượm đầy ý vị.

Mâm cỗ xuân đãi khách phương xa ở làng quan họ. Ảnh: Thiên An.

Thời trai trẻ, liền anh Thảo cũng là một giọng ca cự phách của làng Lim, vui tính, chân chất, nên bạn bè thành thị nhiều vô kể, năm nào cũng kéo về tư gia để thưởng thức chị chủ nấu mâm cơm quê. Mỗi dịp đến chơi nhà, đều thấy bày la liệt từ dưới lên trên những mâm cơm đãi khách. Nhưng cái đã đời hơn khi trở lại làng Lim thăm nhà liền anh Thảo, bên cạnh phong vị ẩm thực Kinh Bắc, còn là những chén rượu đưa cay, ấm cả tâm can với những vị thuốc mà gia chủ - cũng đồng thời là một ông lang tự tay chưng cất, ngâm sao, hạ thổ, ủ cả năm ròng đợi xuân về đãi khách.

Rượu ngon, cơm ngọt, tình nồng ở mỗi lần hội ngộ xuân nơi làng Lim. Ảnh: Thiên An.

Cái “chơi” quan họ cứ chầm chậm ùa về, ban đầu là món ngon dân dã, kèm ly rượu nồng, ông chủ thỉnh thoảng lại chạy quanh hết chiếu này đến chiếu nó, mỗi lần giá đáo, lại là một lần đổ đẵn từng làn điệu quan họ. Hình như khi bụng đã ưng với phần thực, tâm đã chếnh choáng với phần tửu, từng lời quan họ rót ra từ ông chủ nhà vui tính, khi ấy sao mà đã, mà phê đến ngây ngất đất trời. Chẳng thùng loa, chẳng tiếng nhạc đệm, ông chủ tay cầm chén rượu, đổ câu quan họ trong “Khách đến chơi nhà” rằng: “Mỗi người là người xơi mỗi chén mấy cho em í i vui lòng là…” đầy nền nã, đúng chất “chơi” quan họ, để rồi cả chủ và khách tay bắt mặt mừng, vui quên thời gian.

Liền anh Thảo đang “đổ” vài “đẵn” quan họ trong mâm cơm đãi khách phương xa. Ảnh: Thiên An.

Khi khách đã mãn với phần thực, chủ nhà lại thân chinh dẫn đường để khách rồng rắn kéo vào làng đi nghe hát canh. Điểm hẹn quen thuộc hàng năm chính là nhà nghệ nhân Hai Chiến (Đỗ Văn Chiến) bậc thầy từng đào tạo nhiều nghệ nhân quan họ danh tiếng. Ở buổi hát canh, ngoài những trình tự, lề lối cổ xưa, với các làn điệu mở đầu gồm La rằng, kế đến là hát vặt miêu tả những nỗi nhớ mong, sầu cảm trong tình yêu đôi lứa, thường đoạn cuối là khúc giã bạn để xin phép gia chủ ra về. Ba làn điệu ấy kéo dài buổi hát canh đến tận 3 – 4 giờ sáng.

Liền chị trong một buổi hát canh ở làng Lim. Ảnh: Thiên An.

Từng cặp đôi liền anh – liền chị cứ liên tục đối đáp nhau trong buổi hát canh, tạo nên một không gian quan họ dung dị, yên ả, không ồn ào phô trương, mà đầy sâu lắng, tình tự. Lối hát đôi cũng là một chi tiết quen thuộc trong dân ca quan họ theo lối cổ, bởi đây cũng là cách hai giọng ca bổ trợ, hòa quyện, nâng niu, chau chuốt cho nhau để làn quan họ khi đổ ra thực sự nuột nà, chân phương, hội đủ tứ đức của “vang – rền – nền – nảy”.

Hát canh là dịp để các làng quan họ giao lưu đối đáp, với lối hát đôi là chi tiết quen thuộc. Ảnh: Thiên An.

Trong đêm nghe hát canh, càng về khuya, bọn quan họ các làng về dần, khách chỉ còn lại những người thân với gia chủ. Khi ấy âm thanh hỗ trợ là loa đài được dẹp bỏ, các liền anh – liền chị chỉ hát mộc, đủ để người quanh chiếu ngồi nghe. Từng ca từ, từng cung bậc luyến láy cứ thế tuôn ào ạt, đốn tim người nghe bằng sự giản dị, khoan thai với chất giọng thật nhất, gần gũi nhất, khiến khách về chơi quan họ mải mê nghe mãi, thấm đẫm tình quan họ đến quên cả không gian, thời gian.

Liền chị đổ đẵn mộc trong đêm hát canh khi khuya về. Ảnh: Thiên An.

Liền anh đáp lời với những ca từ khiến người nghe mê mẩn. Ảnh: Thiên An.

Theo dòng sự kiện, người làng quan họ, người yêu quan họ, lại có thêm chút tự hào khi quốc yến chiêu đãi của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dành cho nhà lãnh đạo Kim Jong Un và phái đoàn Triều Tiên có tiết mục hát quan họ - Di sản văn hóa thế giới. Tiết mục quan họ do các nghệ sĩ của Nhà hát ca, múa, nhạc Việt Nam thể hiện trong khuôn khổ chương trình nghệ thuật có tên gọi “Ánh dương mùa xuân” nhân hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên được tổ chức tại Việt Nam.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/ve-choi-quan-ho-158677.html