Về cán bộ và công tác cán bộ theo lời dặn của Bác Hồ

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm tới việc rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, nâng cao năng lực trong công việc của mỗi cán bộ, đảng viên. Người cũng đồng thời nhấn mạnh vai trò của công tác cán bộ trong việc xây dựng tổ chức bộ máy của Đảng, của Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết cán bộ, học viên Trường Dân tộc miền núi T.Ư, ngày 12-2-1956.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết cán bộ, học viên Trường Dân tộc miền núi T.Ư, ngày 12-2-1956.

1. “Độ bền của chuỗi xích phụ thuộc vào độ bền của mắt xích yếu nhất”. Từng chi tiết hoạt động tốt là điều kiện quan trọng bảo đảm cho cả hệ thống bộ máy hoạt động tốt. Tuyển chọn, giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng để có và sử dụng tốt đội ngũ cán bộ có chất lượng cao là điều kiện cơ bản bảo đảm cho bộ máy tổ chức Đảng và các cơ quan công quyền vận hành tốt, có hiệu quả và ít “bệnh tật”.

Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn đạt một cách cụ thể và thiết thực: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; “Có cán bộ tốt thì việc gì cũng xong”. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có vị trí rất quan trọng, đặc biệt trong điều kiện Đảng cầm quyền. Đào tạo huấn luyện luôn cần đi đôi với việc sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ. Muốn vậy “phải biết rõ cán bộ”, “phải cất nhắc cán bộ cho đúng”; “phải khéo dùng cán bộ”; “phải giúp cán bộ cho đúng”; “phải giữ gìn cán bộ”, v.v (1). Muốn lựa chọn cán bộ đúng, theo Người cần phải căn cứ vào:

“... Những người tỏ ra rất trung thành và hăng hái trong công việc, trong đấu tranh.

- Những người liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu biết dân chúng. Luôn luôn chú ý đến lợi ích của dân chúng...

- Những người có thể phụ trách giải quyết các vấn đề trong những hoàn cảnh khó khăn...

- Những người luôn giữ đúng kỷ luật.

... Đó là những khuôn khổ để lựa chọn cán bộ” (2).

Để bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước kiểu mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết những cách làm việc với đội ngũ cán bộ như sau:

- Chỉ đạo những phương hướng đường lối công tác cho cán bộ, để họ phát huy năng lực và tinh thần sáng tạo trong những công việc cụ thể.

- Nâng cao trình độ cho cán bộ bằng cách tạo điều kiện để họ học thêm lý luận và chuyên môn.

- Thường xuyên kiểm tra rút kinh nghiệm, sửa chữa những khuyết điểm, phát huy ưu điểm trong quá trình công tác.

- Khi họ sai lầm thì dùng cách thuyết phục, cải tạo, giúp họ sửa chữa.

- Giúp đỡ họ bảo đảm những điều kiện sinh hoạt, chăm sóc họ khi đau ốm. Tùy theo điều kiện có thể giúp đỡ họ giải quyết những vấn đề gia đình” (3)

2. Cùng với việc đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng tốt đội ngũ cán bộ, điều rất quan trọng là phải thường xuyên và kiên quyết đấu tranh làm trong sạch bộ máy, loại bỏ những cán bộ không còn đủ phẩm chất. Ngay từ những ngày đầu của chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ quyết tâm đấu tranh chống những căn bệnh dễ mắc trong bộ máy Nhà nước. Người kịch liệt phê phán những khuyết điểm của các cán bộ: làm trái, cậy thế, chia rẽ, kiêu ngạo, hách dịch, ăn hối lộ, hủ hóa.

Tháng 11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời trước kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I về những thành viên của Chính phủ không trong sạch: “Chính phủ đã hết sức làm gương, và nếu làm gương không xong thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ ăn hối lộ. Đã trị, đang trị và sẽ trị cho kỳ hết” (4). Theo Người: “Trước nhất là cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”. Vì vậy, cán bộ phải thực hành chữ Liêm trước để làm kiểu mẫu cho dân” (5).

Một nền pháp quyền chân chính, tiến bộ phải bảo đảm được tính công bằng, khách quan, bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật. Thi hành được điều này không phải dễ dàng bởi vì từ xưa rồi, tội của quan vẫn được xử theo lễ còn tội của dân được xử theo luật (!). Những kẻ bất liêm vẫn tồn tại trong xã hội, thậm chí ở tại ngay những cơ quan được giao trọng trách duy trì sự nghiêm minh của pháp luật. Tình trạng này một phần do hệ thống luật pháp của chúng ta còn nhiều kẽ hở để những kẻ bất liêm lợi dụng, phần khác do việc thi hành pháp luật chưa nghiêm minh, luật pháp chưa đảm bảo tác dụng giáo dục và răn đe khiến lòng dân chưa yên.

Trong bối cảnh đó, việc thực hiện lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ đó giữ địa vị nào, làm nghề gì” đang đặt ra như một yêu cầu bức xúc.

3. Công tác cán bộ của chúng ta hôm nay vẫn theo những định hướng của tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ, nỗ lực nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ từ khâu lựa chọn, tuyển dụng đến việc huấn luyện đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ.

Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã nêu 27 biểu hiện cụ thể của những suy thoái như những tiêu chí đối chiếu để mỗi cán bộ đảng viên, mỗi tổ chức Đảng tự kiểm tra, tự đánh giá và từ đó đề ra cách sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, nâng cao chất lượng của từng cán bộ và cả tổ chức.

Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ mới (7-2016), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặc biệt lưu ý việc cần phải chấn chỉnh công tác cán bộ, yêu cầu “phải đổi mới công tác cán bộ” ở tất cả các khâu, từ tuyển chọn, sử dụng, bổ nhiệm: “Chúng ta thi tuyển để tìm người tài chứ không phải để tìm người nhà. Đừng để nhiệm kỳ này tai tiếng về cán bộ”. Để khắc phục tình trạng Y bất xứng kỳ đức - đạo đức, phẩm chất không tương xứng với trách nhiệm được giao - trong việc bổ nhiệm cán bộ, cả hệ thống của chúng ta cần vận hành theo hướng đó và còn nhiều việc cần làm.

Gần đây nhất (4-2017), Bộ Chính trị có kết luận về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định về công tác cán bộ theo quy trình 5 bước để tránh và chống những sự “cơ cấu” đặc biệt như đã nêu tiếp tục diễn ra.

Thực hiện những điều đó cũng là mong mỏi của nhân dân khi kỳ vọng vào sự tiến bộ trong hoạt động của các cơ quan công quyền.

___________

1- Xem thêm Sửa đổi lối làm việc - Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập - Nxb CTQG, Hà Nội, tập 5, tr 314.
2- Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập - Sđd, tập 5, tr 315.
3- Xem thêm Sửa đổi lối làm việc - Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập - Sđd, tập 5, tr. 276.
4- Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946 - 1960 - Nxb CTQG, Hà Nội, 1994, tr. 98.
5- Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập - Sđd, tập 6, tr. 127.

NGÔ VƯƠNG ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/32906902-ve-can-bo-va-cong-tac-can-bo-theo-loi-dan-cua-bac-ho.html