Về các nhà vô địch Olympia: Hà cớ gì ầm ĩ...

Ra đi rồi ở lại hay trở về, đó hoàn toàn là chuyện cá nhân của mỗi người giành vòng nguyệt quế cuộc thi hằng năm trong game show truyền hình kéo dài 2 thập kỷ...

Ngay sau khi trận chung kết cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia 2020 kết thúc, vòng nguyệt quế cùng phần thưởng 40.000 USD được trao cho nữ sinh Nguyễn Thị Thu Hằng (Trường THPT Kim Sơn A, tỉnh Ninh Bình); cũng là lúc thống kê về 19 nhà vô địch trước đó được tung ra ồ ạt trên mạng xã hội, kèm theo đó là những lời nói mai mỉa, dèm pha kiểu như "Xin chúc mừng Australia".

Nguyễn Thị Thu Hằng giành chiến thắng cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia 2020. (Nguồn: Dân trí)

Nguyễn Thị Thu Hằng giành chiến thắng cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia 2020. (Nguồn: Dân trí)

Ở khía cạnh nào đó, thoạt nghe cũng có thể mủi lòng khi trong số 19 thí sinh sau khi du học tại Australia, chỉ có 2/17 người trở về nước, nhưng rồi cũng tìm đường ra nước ngoài lập nghiệp còn 2 người chưa đi du học, hoặc chưa rõ có đi hay không.

Người chưa rõ có đi hay không ấy là Trần Thế Trung - quán quân Olympia năm 2019. Lý do của Trung thật đơn giản, bởi “em còn khoảng 1 năm nữa để hoàn thành chương trình trung học phổ thông và đang còn nhiều sự lựa chọn. Vì thế, em cần thời gian để đưa ra quyết định của mình”.

Có đi du học hay không là lựa chọn của Trung, gắn với gia đình truyền thống cách mạng, với mong ước gắn bó với quê hương, đất nước mình. Nhưng lý do cá nhân ấy của Trung không bị chi phối khi em cho rằng: “Những anh chị đi du học và ở lại nước ngoài cũng có cách riêng để xây dựng đất nước”.

Cũng không chút do dự, cô nữ sinh giành ngôi quán quân Olympia 2020 Nguyễn Thị Thu Hằng cũng tiết lộ rằng chưa định hình được việc có trở về Việt Nam sau khi du học hay không, nhưng “ở đâu thì vẫn có thể cống hiến cho quê hương...”.

Ra đi rồi ở lại hay trở về, đó hoàn toàn là chuyện cá nhân của mỗi người giành vòng nguyệt quế cuộc thi hằng năm trong game show truyền hình kéo dài 2 thập kỷ nhưng chưa bao giờ bớt sôi động, hứng thú, sao nhãng sự quan tâm của công chúng, đặc biệt là những người trẻ.

Cũng phải nói công bằng rằng, chương trình được Chính phủ Australia tài trợ, có thể được xem là một cách tìm kiếm nhân tài, “săn đầu người” từ rất sớm của đất nước họ, với những chính sách thu hút, sự đầu tư khoa học, bài bản, có chiến lược.

Điều ấy là hợp pháp, được sự chấp thuận, nên việc “đất nước chuột túi” rộng mở chào đón các nhà vô địch Olympia hằng năm sang học tập, làm việc, định cư là điều không có gì phải ầm ĩ, xôn xao.

Cũng phải nói sòng phẳng rằng, việc các em học sinh tập trung ôn luyện, dùi mài kinh sử để rồi đăng quang và đón nhận những suất học bổng trị giá non tỷ đồng là xứng đáng, là sự lựa chọn của các em. Suất học bổng ấy cũng chính sự là ghi nhận, tưởng thưởng xứng đáng cho các em sau những chuỗi ngày miệt mài học hành, thi thố.

Thế nên, việc đi du học hay không, ở lại đất nước tài trợ các em học hành hay trở về những mong đóng góp cho quê hương hoàn toàn là việc cá nhân, với những quan điểm, suy nghĩ, ý thức về cuộc sống, sự cống hiến khác nhau, không thể áp đặt, ép buộc.

Việc cá nhân ấy, cùng lắm chỉ nên góp ý, sao lại vô cớ, phi lý luận bàn, can thiệp!

Cũng phải nói thêm rằng, các em mới chỉ là những học sinh học giỏi toàn diện, vì cuộc thi đòi hỏi phổ kiến thức như vậy. Các em tập trung kiếm tìm học bổng cũng là một trong những cách chính đáng biến ước mơ thành hiện thực, được tiếp cận với môi trường giáo dục văn minh, hiện đại, được giao lưu, hội nhập với thế giới ngày càng “phẳng” hơn để trở thành công dân toàn cầu thực thụ.

Nhưng cũng chưa ai dám khẳng định chắc chắn rằng, những nhà vô địch Olympia sẽ trở thành những nhân tài trong tương lai, có đóng góp lớn lao cho đất nước nếu họ đi du học và trở về, bởi trình độ, năng lực, điều kiện, môi trường làm việc giữa 2 đất nước là khác nhau, khả năng thích ứng của mỗi người là không đồng nhất.

Vậy hà cớ gì mà ồn ào, ầm ĩ không đáng, nhất là lại còn cố tình, rắp tâm lấy chuyện cá nhân, hợp pháp, thường tình, trong sáng, đáng yêu ấy lồng ghép vào những chuyện chính trị vĩ mô, hay chế độ đãi ngộ không thỏa đáng, không có môi trường, cơ chế chính sách ưu đãi, trọng dùng người tài, thậm chí o bế, kìm hãm người giỏi.

Thực ra, những chuyện xôn xao này năm nào cũng có, thường xuyên bùng lên vào các dịp các nhà leo núi hoàn tất việc chinh phục đỉnh Olympia, hay mỗi khi có thông tin liên quan đến việc họ ở lại hay trở về.

Điều này, âu cũng là lẽ thường!

Nhưng với một bộ phận dư luận là những kẻ kích động, chống phá thì họ luôn tìm mọi cách, mọi cơ hội có thể để xuyên tạc, phóng tác, tạo dựng những điều mà bản thân các em học sinh cũng như nhiều người chưa từng nghĩ đến.

Và rồi, cũng rất nhanh chóng, những luận điệu cũ mèm như một thứ tin giả độc hại ấy cũng sớm bị nhận diện và trôi vào quên lãng.

Tin xấu độc càng nhanh chóng bị lãng quên hơn, khi thực tế có rất nhiều người đi du học, làm việc và định cư bằng các nguồn, con đường khác nhau nhưng họ vẫn âm thầm cống hiến cho đất nước, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa, thế giới hội nhập ngày càng sâu rộng hơn khi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn dự báo sẽ có nhiều biến đổi về mọi mặt.

Nguyễn Tri Thức

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ve-cac-nha-vo-dich-olympia-ha-co-gi-am-i-124353.html