Về bức tranh thật hay giả của cố họa sĩ Vũ Giáng Hương: Cần một hội đồng thẩm định hay sự có mặt của nhân vật?

Cuộc đối thoại giữa nhà sưu tập tranh, họa sĩ có ý kiến trên facebook, nhà đấu giá Chọn trước sự chứng kiến và trực tiếp hỏi của truyền thông chiều 5.9 không đi đến kết luận cuối cùng, rằng liệu tác phẩm tranh lụa được Chọn bán đấu giá vào ngày 29.7 có phải là tranh thật của cố họa sĩ Vũ Giáng Hương không?...

Tranh vẽ bé Bảo Khánh họa sĩ Đông đưa lên FB cá nhân. Và bức tranh lụa nhà đấu giá “Chọn” đưa lên (ảnh từ FB cá nhân của họa sĩ Đông).

Sự lên tiếng của một họa sĩ

Ngày 3.9, họa sĩ trẻ Nguyễn Văn Đông (tài khoản facebook Nguyễn Đông Đông) đã đăng tải lên trang cá nhân khẳng định bức tranh lụa mang tên “Con gái nhà văn Dương Thu Hương” được đấu giá ở lot 21 phiên đấu giá số 15 tại nhà đấu giá Chọn không phải tranh của cố họa sĩ Vũ Giáng Hương mà là tranh chép từ tác phẩm của anh.

Theo đó, cách đây khoảng 8 tháng, Đông được chị Phạm Quỳnh (Hà Nội) thuê vẽ chân dung bằng sơn dầu từ ảnh cho con gái nhỏ tên là Bảo Khánh. Bức tranh hoàn thành, người thuê hài lòng và trả đầy đủ kinh phí. 3 tháng sau, vào tháng 4.2018, một người bạn với Đông là Hằng (nick facebook là Surry Hằng) xin phép được chuyển thể sang lụa làm bài chuyên khoa ở trường Yết Kiêu và được họa sĩ đồng ý.

Cách đây khoảng hơn 1 tháng, họa sĩ Đông thấy trên trang của Nhà đấu giá Chọn đưa hình ảnh bức tranh lụa của Hằng lên, đề tên cố họa sĩ Vũ Giáng Hương - nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam và Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, đề giá khởi điểm là 3.000USD, thuộc bộ sưu tập của ông Phạm Việt Phương.

Và họa sĩ Đông trước ý kiến của dư luận đã quyết định lên tiếng, khẳng định bức tranh sơn dầu vẽ bé Bảo Khánh là của anh, bức lụa được chuyển thể lại là do Hằng thực hiện. Họa sĩ khẳng định có đầy đủ các chứng cớ về việc được thuê vẽ cũng như cho phép chuyển thể sang tranh lụa.

Trách nhiệm của nhà đấu giá

Điều đáng tiếc nhất là sự vắng mặt không rõ lý do của gia đình cố họa sĩ Vũ Giáng Hương và tác giả vẽ lại trên lụa. Tuy nhiên, họa sĩ Đông đã cho nhà báo xem tin nhắn của con gái bà Vũ Giáng Hương ủng hộ việc làm của anh để làm rõ sự thật. Còn bức tranh lụa mà Hằng chép lại, theo họa sĩ biết thì đã được bán cho một người khách.

Nhà sưu tập Phạm Việt Phương, chủ sở hữu bức tranh lụa, nói rằng mua tranh từ một người bạn cách đây mấy năm và mua cũng chỉ vì đẹp chứ không biết đến tên tuổi nữ họa sĩ Vũ Giáng Hương, cũng không có giấy tờ mua bán chứng nhận tác giả bức tranh, năm sáng tác… Ông Phương bảo rằng, ông cũng ngỡ ngàng khi có thông tin tranh chép và cũng muốn tìm ra sự thật.

Khi các nhà báo chất vấn hỏi về trách nhiệm và phương thức thẩm định tranh của nhà đấu giá Chọn, ông Trần Quốc Hùng - đại diện Chọn luôn nhấn mạnh nhà đấu giá chỉ là đại diện thương mại, không phải cơ quan thẩm quyền, cơ quan điều tra mà khẳng định 100% bức tranh lụa kia là thật hay giả.

Không nêu rõ danh tính thành viên Hội đồng thẩm định tranh vì sợ ảnh hưởng đến sự an toàn của họ, còn phương thức thẩm định chỉ là mắt thường, câu trả lời của ông Hùng không thuyết phục được số đông.

Cũng như cách đặt câu hỏi kiểu chất vấn họa sỹ Đông, kể cả về mối quan hệ cá nhân của họa sĩ với bạn Hằng là không nên. Dù ông Hùng nói rằng sẽ cố gắng kết nối với gia đình cố họa sĩ Vũ Giáng Hương, tập hợp những thông tin về câu chuyện của họa sĩ Đông, bạn Hằng... nỗ lực tìm ra sự thật.

Câu hỏi đặt ra ở đây là trách nhiệm của nhà đấu giá ở đâu nếu bức tranh kia đã được bán và sau này thực tế chứng minh nó là giả? Dù về luật chung, nhà đấu giá không thể chịu trách nhiệm 100% về tranh thật hay tranh giả nhưng phải có trách nhiệm và uy tín khi thẩm định tác phẩm.

VIỆT VĂN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/van-hoa/ve-buc-tranh-that-hay-gia-cua-co-hoa-si-vu-giang-huong-can-mot-hoi-dong-tham-dinh-hay-su-co-mat-cua-nhan-vat-629606.ldo