Về bài thơ NGÀY TỐT MỪNG THỌ ÚY TRAI TIÊN SINH của Trình Thanh

Trình Thanh, tên chữ là Trực Khanh, quê phủ Thanh Oai, nay là Hà Nội. Ông đỗ Tiến sĩ năm Tân Hợi, niên hiệu Thuận Thiên thứ 4. Trình Thanh cũng 2 lần đi sứ sang nhà Minh, còn để lại tập thơ Trúc Khê.

Tác giả Nhà thơ Vũ Bình Lục.

Phiên âm:NGUYÊN NHẬT THỌ ÚY TRAI TIÊN SINH

Dương hòa nhất mạch động Nghiêu minh,Uất uất môn tường thục khí sinh.Hoa tỉnh phong vi xuân mộng túc,Hòe đình trú tĩnh ngọ âm thanh.Vọng cao đương đại chiêm Sơn Đẩu,Sĩ trọng tư văn thác giám hành.Thánh đạo chỉ kim chiêu nhật nguyệt,Trữ khan phu tử phụ thăng bình.(Trúc Khê thi tập)Dịch nghĩa:

NGÀY ĐẦU NĂMCHÚC THỌ ÚY TRAI TIÊN SINH

Khắp nơi, một nguồn khí xuân ấm áp đã động tới cỏ lành đời vua Nghiêu,Ngoài tường cổng, cây cối xanh tốt lan tỏa không khí dịu dàng.Làn gió nhẹ như thăm hỏi đóa hoa, giấc mộng xuân thật đủ đầy,Ngày yên tĩnh, giữa trưa bóng mát rợp sân hòe.Danh vọng ông cao như non Thái, như sao Đẩu, người đời nay đều ngưỡng vọng,Ông có trách nhiệm hệ trọng làm gương sáng, làm cán cân cho nền tư văn.Ngày nay đạo thánh sáng tỏ như mặt trời mặt trăng,Sẽ chờ xem ông giúp nên sự nghiệp trong hội thăng bình.Dịch thơKhắp nơi ấm áp hơi xuân,Khí lành êm mát muôn phần tư gia.Hiu hiu mộng đẹp bên hoa,Sân hòe rợp bóng nhà ta trưa nồng.Danh non Thái, đời ngưỡng trông,Nền tư văn luống chờ mong có ngày.Sáng trong đạo Thánh hôm nay,Hội thăng bình, đợi ông xây đắp nền.(VŨ BÌNH LỤC dịch)Chưa rõ Úy Trai tiên sinh là tên hiệu của ai, nhưng có lẽ ông này làm quan to ở triều. Nhân ngày đầu năm, Trình tiên sinh làm bài thơ này để chúc thọ Úy Trai tiên sinh. Là thơ chúc thọ, nên giọng điệu chung là ngợi ca đức tốt và theo đó là phúc lộc cao dày của người được chúc thọ. Hơn thế, qua đó mà gửi gắm niềm hy vọng vào tài đức của người đang nắm giữ quyền cao chức trọng.Khắp nơi, một nguồn khí xuân ấm áp đã động tới cỏ lành đời vua Nghiêu,Ngoài tường cổng, cây cối xanh tốt lan tỏa không khí dịu dàng.Đấy là hai câu mở đầu, tả khái quát về khí xuân trùm khắp nhân gian và quanh cả khu nhà của ông Úy Trai. “Cỏ minh đời vua Nghiêu” là thứ cỏ gì mà được ví von sang trọng như vậy? Theo truyền thuyết, thời vua Nghiêu có thứ “cỏ minh giáp” mọc trước thềm, cứ 15 ngày đầu tháng mỗi ngày mọc một lá, rồi 15 ngày cuối tháng mỗi ngày rụng một lá, tháng thiếu thì một lá héo đi không rụng. Xem nó, có thể biết được ngày tháng, nên người ta gọi nó là “lịch giáp”. Chữ Nghiêu minh ở đây, chỉ thời tiết thay đổi hàng năm. Thế thì đông qua xuân tới, như một quy luật thông thường. Xuân tới, khí xuân ấm áp tràn ngập khắp đó đây. Quanh nhà của ngài Úy Trai cũng thế, khí lành êm ấm bừng bừng (uất uất), đầy sức sống, thật khêu gợi. Hai câu đầu hay ở chữ uất uất, động từ chỉ sự sinh sôi mãnh liệt.Hai câu tiếp theo tả cảnh gần hơn, cụ thể hơn, vừa thực vừa mang nghĩa biểu trưng.Hoa tỉnh phong vi xuân mộng túc,Hòe đình trú tĩnh ngọ âm thanh.(Làn gió nhẹ như thăm hỏi đóa hoa, giấc mộng xuân thật đủ đầy / Ngày yên tĩnh, giữa trưa bóng mát rợp sân hòe).Hoa sảnh, tức trong sảnh có trồng hoa, chỉ nơi ông Úy Trai làm quan, cũng có thể đồng thời chỉ nơi nghỉ ngơi của ngài ấy. Nhưng mà Hoa sảnh cũng có thể đồng thời chỉ là một mĩ từ, mang nghĩa biểu trưng, ước lệ, chỉ nơi sang trọng đẹp đẽ, ví như Nguyễn Du sau này dùng chữ lệ hoa, giọt hoa, để chỉ giọt nước mắt của nàng Kiều…trong Truyện Kiều. Thế nên Hoa sảnh, đối với Hòe đình ở câu sau, theo nghĩa trên là hợp lẽ. Gió hiu hiu, nhè nhẹ (phong vi), ru đẫy giấc mộng xuân (xuân mộng túc). Là giấc mộng mùa xuân tươi đẹp nói chung, hay là giấc mộng xuân, giấc mộng đẹp của chủ nhân nơi sảnh hoa sang trọng này? Có lẽ là cả hai vậy! Thật là hòa hợp nhân sinh với thời tiết ấm lành đang bừng bừng sức sống. Còn như Trước sân hòe (hòe đình), cũng xuất phát từ một điển bên Tàu. Vương Hựu đời Tống làm quan đến chức Thượng thư, từng trồng 3 cây hòe ở sân và nói: “Con cháu ta sau này tất có kẻ làm đến Tam công”, sau quả nhiên con ông ta là Vương Đán làm đến chức Tể tướng. Do vậy, người đời sau thường dùng chữ “hòe đình” (sân hòe) để chỉ những thế gia vọng tộc, quan chức lớn. Lại thêm:Vọng cao đương đại chiêm Sơn Đẩu,Sĩ trọng tư văn thác giám hành.Đó là ngợi ca danh vọng của ông Úy Trai, cao như núi Thái Sơn, như sao Đẩu, khiến người đời ai cũng phải ngưỡng mộ. Câu sau là nói rõ trách nhiệm hệ trọng của ông Úy Trai, có thể làm tấm gương sáng, hơn thế, làm cán cân cho nền tư văn của nước nhà. Tư văn, nghĩa là Văn ấy. Sách Luận ngữ của Khổng Tử có câu “Văn ấy”, nguyên chỉ Lễ, Nhạc, Pháp độ (phép tắc), Giáo hóa. Người đời sau dùng chữ này để chỉ đạo Nho. Tác giả muốn ký thác rất nhiều vào vai trò kinh bang tế thế của ngài Úy Trai, danh vọng cao phải đi kèm với trách nhiệm lớn, thế mới xứng với niềm mong đợi của người đời. Thật chí lý chí tình, thẳng ngay và chân thật.Thế nên:Ngày nay, đạo thánh sáng tỏ như mặt trời mặt trăng (Thánh đạo chỉ kim chiêu nhật nguyệt). Thế thì còn chờ gì nữa? Đạo thánh sáng tỏ như mặt trăng mặt trời, kẻ sĩ có tài tha hồ thỏa sức vẫy vùng, thi thố hết tài năng. Nghĩa là mọi sự đều thuận dòng xuôi chèo mát mái, chỉ còn việc chờ xem (trữ khan) ông Úy Trai sẽ giúp nên sự nghiệp lớn trong hội thăng bình như thế nào mà thôi.Thật là thâm thúy, lý tình đều sáng tỏ cả. Ông Úy Trai có làm nên sự nghiệp như người đời mong muốn và ngưỡng vọng hay không, còn phải chờ xem đã! Chắc là ông Úy Trai mới nhận chức vị quan trọng này, nên mới có ý chờ xem (trữ khan) như thế.(Rút trong sách NHỮNG KHOẢNG LẶNG TÂM TƯ sắp ra mắt bạn đọc)

V-B-L

Nhà thơ Vũ Bình Lục

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/ve-bai-tho-ngay-tot-mung-tho-uy-trai-tien-sinh-cua-trinh-thanh-83575