'Vé anh, vé chú', vé nào cho người hâm mộ đội nắng đội mưa?

Cảnh tượng người hâm mộ chờ từ đêm tại các quầy vé và Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình để mua vé xem trận Việt Nam – Malaysia vừa qua thấy thật 'hãi' (vì khổ sở vất vả) và cũng thật cám cảnh.

Hàng ngàn người chờ dưới mưa để mua vé xem trận Việt Nam - Malaysia vừa qua.

Không vì tình yêu với đội tuyển U23 Việt Nam, chẳng ai lại phải “trần thân” đến thế!

Bóng đá Việt Nam đã tạo được những dấu ấn, đã kích thích được lòng người hâm mộ kể từ khi HLV Park Hang-seo dẫn dắt, cụ thể là từ tháng 1.2018 tới nay khi chúng ta đoạt ngôi Á Quân trong tiếc nuối tại Vòng chung kết U23 Châu Á.

Bóng đá Việt Nam đã và đang thay đổi, song cách bán vé của những trận đấu trên sân nhà được người hâm mộ khát khao, háo hức thì chẳng có gì thay đổi.

Minh chứng là trận Việt Nam – Malaysia vừa qua. Vé được bán qua 3 kênh online, công văn và trực tiếp tại các quầy vé. Thế nhưng trong đó, vé bán qua đường công văn, còn được dư luận truyền miệng rằng là loại “vé anh, vé chú” đã chiếm tới 11.000 vé với khoảng 800 công văn xin mua, chỉ còn 9.000 vé bán trực tiếp tại quầy và 4.000 vé bán online; số còn lại là vé mời và vé trả quyền lợi cho đối tác…

Cần nhìn nhận một thực tế rằng, loại “vé anh, vé chú” có mua để xem trực tiếp hay mua giúp người thân bạn bè thì cũng là mua để xem cả thôi. Đây là “vấn đề lịch sử” để lại từ thời bán vé kiểu bao cấp, nếu chưa thể xóa bỏ ngay thì cũng cần phải điều chỉnh. Chí ít, tỉ lệ vé bán ra theo đường công văn không thể nhiều hơn vé bán trực tiếp tại các quầy hay online. Bởi như vậy là không công bằng, tạo ra bất công…

Người hâm mộ “trần thân” đội nắng đội mưa chưa chắc mua được vé, còn mua từ công văn lại được giải quyết số lượng còn nhiều hơn.

Ngay cả việc phân chia tỉ lệ thế nào để dần tiến tới bỏ phương thức bán vé qua công văn, VFF cũng cần minh bạch và rõ ràng, chứ không thể công bố một đằng làm một nẻo: Tỉ lệ vé bán theo công văn vẫn cao ngất ngưởng và người mua trực tiếp tại quầy vẫn hứng chịu thiệt thòi.

Thời đại công nghệ 4.0, nhưng hãy xem, 4.000 vé bán online trên tổng cộng 24.000 vé bán ra theo 3 kênh, chiếm tỉ lệ chưa tới 17%.

Thời đại công nghệ 4.0, vâng, 4.0 ở đâu chứ chưa bước được tới bậc cửa của VFF trong cách điều hành bán vé.

Ngay cả phương thức bán vé tại quầy ngày nay cũng đã lộ nhiều bất cập trong thời đại “thế giới phẳng”. Điều cần làm lúc này là phải thúc đẩy ngay và nhanh việc đưa tất cả vé lên bán online. Các ngành như hàng không, vận tải đường sắt, đường bộ, book khách sạn, nhà hàng, đặt món, thuê dịch vụ, vui chơi giải trí… đã sử dụng kênh phân phối online như một phương thức thức chủ lực từ lâu, tại sao VFF vẫn cứ “đủng đỉnh”?

Hãy dùng “thế giới phẳng” để xác lập phương thức bán vé hiệu quả nhất, lan tỏa mạnh và rộng nhất, và cũng công bằng với tất cả mọi người hâm mộ!

Thế Lâm

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/dien-dan/ve-anh-ve-chu-ve-nao-cho-nguoi-ham-mo-doi-nang-doi-mua-642004.ldo