Về An toàn khu ở Hà Nội và những bài học còn nguyên giá trị

Dù không được gặp Bác Hồ, nhưng trò chuyện với phóng viên ông Công Ngọc Dũng và dân làng Phú Thượng vẫn kể rành rọt về những ngày đầu Chủ tịch Hồ Chí Minh ở lại ngôi nhà của cụ Công Ngọc Kha từ 23-25/8/1945, tại Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội.

Những ngày Bác Hồ ở Phú Thượng

Theo ông Ông Nguyễn Thanh Sơn bí thư chi bộ 2 Đảng bộ phường Phú Thượng: Những ngày cuối tháng Tám năm 1945, rời an toàn khu Định Hóa Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh về Hà Nội. Nơi đầu tiên Bác đặt chân lên Hà Nội chính là bến đò Phú Xá. Vượt qua thân đê, Chủ tịch Hồ Chí Minh (khi đó là Nguyễn Ái Quốc) vào đình làng Phú Xá. Xế chiều ngày 23/8, ông Hoàng Tùng nói với gia đình cụ Nguyễn Thị An và Công Ngọc Kha là bà nội và bố đẻ của ông Dũng: “Chiều nay nhà sẽ có khách, mọi người trong gia đình chuẩn bị đón tiếp”.

Bến đò Phú Xá ngày nào đón Bác về, bây giờ trở thành di tích lịch sử.

Theo lời kể của Bí thư Đảng ủy phường Phú Thượng và nhân dân trong phường, 73 năm về trước con đò nhỏ tại bến đò Phú Xá, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội. Vượt qua thân đê, Bác Hồ cùng với các đ/c trong Trung ương Đảng đã nghỉ và ăn cơm trưa tại đình làng Phú Xá. Xế chiều, Bác và đoàn cán bộ Trung ương vào nghỉ tại nhà cụ bà Nguyễn Thị An.

Ông Dũng chia sẻ: Khi đó ông chưa sinh ra, nhưng nghe kể lại gia đình ông lúc đó có nhiều thế hệ sinh sống và từng có người làm Chánh tổng nhưng được giác ngộ. Cụ Nguyễn Thị An là bà nội ông và bố là Công Ngọc Kha đều được giác ngộ cách mạng từ rất sớm, những năm 1940 - 1941. Ông Công Ngọc Kha là một trong năm đảng viên đầu tiên của Phú Thượng thời đó. Con ngõ nhỏ chạy thẳng lên đê xuống bến đò Phú Xá, khi đó mọi người hoạt động cách mạng quanh khu vực này chủ yếu lấy cây gạo bên triền đê làm chốt để đặt các thông báo của cách mạng đến và đi. Suốt khoảng 2 km dọc theo đê sông Hồng ở Phú Thượng khi đó phong trào hoạt động cách mạng rộng khắp. Trước khi Bác đến nhà cụ An cũng được mọi người hoat động cách mạng trong vùng cung cấp thông tin đảm bảo an toàn.

Căn nhà của cụ An nơi đón Bác Hồ về làm việc từ ngày 23-25/8/1945.

Từ ngày 23-25/8/1045, Bác nghỉ lại nhà cụ An, gia đình đã dành riêng cho Bác bộ bàn ghế để tiếp khách, sập gỗ để nghỉ ngơi. Người thân trong gia đình ông Dũng kể rằng, những ngày ở đây không một ai kể cả những người tham gia cách mạnh cũng không biết đó là Nguyễn Ái Quốc. Chỉ biết rằng, ông cụ râu dài, tóc hoa râm làm việc suốt ngày đêm và ngủ rất ít. Hàng ngày có rất nhiều người đến nhà họp bàn rồi lại đi. Vào mỗi sáng sớm, Người dạy sớm, ra bờ ao tập thể dục rồi lại làm việc. Cụ An là người được giao nhiệm vụ nấu cơm phục vụ Bác và những người trong đoàn.

Ông Công Ngọc Dũng kể về căn nhà nơi Bác Hồ đến thăm.

Đình làng nơi Bác đến trước khi vào nhà cụ An.

Chiều 25/8/1945, Bác gọi ông Công Ngọc Kha lại để nói chuyện và cảm ơn gia đình đã chăm lo trong mấy ngày vừa qua. Bác chào mọi người trong gia đình và dặn lại: “Sau này sẽ có ngày tôi về thăm gia đình.”
Đến ngày 2/9/1945, những người trong gia đình cụ An và nhiều người ở Phú Thượng do hoạt động cách mạnh nên được mời ra Quảng trường Ba Đình nghe Bác đọc Tuyên ngôn độc lập. Khi về ông Hoàng Tùng hỏi: “Mọi người có thấy ông cụ đọc Tuyên ngôn Độc lập hôm nay quen không? Mọi người có biết đó là ai không?” Khi đó mọi người trong gia đình nhìn nhau cùng trả lời có thấy quen, nhưng không biết là ai. Khi biết được đó là Nguyễn Ái Quốc ai cũng thấy xúc động vô cùng vì đã được gặp Người.

Bài học còn nguyên giá trị

Bữa cơm cuối cùng trong 3 ngày làm việc tại nhà cụ An, Bác nói: “Hôm nay bà An trải chiếu ra giữa nhà đặt 2 mâm cơm xuống để mọi người cùng ăn. Bà cũng ngồi ăn luôn, không phải xới cơm cho mọi người nữa.”

Bộ bàn ghế ở nhà cụ An nơi Bác hàng ngày làm việc.

Chiếc sập hàng ngày Bác nghỉ ngơi ở nhà cụ An.

Đúng như lời hẹn trước khi chào mọi người đi vào nội thành, tháng 11/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh trở lại thăm gia đình cụ Nguyễn Thị An và bà con Phú Thượng.
Lần này biết là Bác Hồ rồi, ông Kha chạy ra đón Bác. Bác hỏi ông Kha: “Chú Hai, thế cụ đâu?”. Ông Kha đáp, dạ ông cháu ở trên nhà. Sau đó, ông Kha mời cụ Công Văn Trường là bố đẻ xuống để Bác gặp. Mặc áo the, chống gậy đi xuống, vừa đến sân nhìn thấy Bác ông Trường bỏ gậy, chắp tay lạy Bác. Bác chạy lại đỡ cụ và nói: "Bây giờ chúng ta là anh em cả, không như thời phong kiến nữa."
Sau bữa cơm cuối cùng ở nhà cụ An năm 1945 và lần này chỉ hành động nhỏ nhưng cho thấy Bác thể hiện sự bình đẳng của với mọi người trong tổ chức cũng như đối với Nhân dân.
Trong buổi gặp lần này, Bác cho mời mọi người trong gia đình cụ Kha và các đồng chí cán bộ địa phương đến. Gặp Bác lúc đó có ông Thanh Y là cán bộ phụ trách thanh niên xã, ông Phạm Đình Hào là đội trưởng đội tự vệ, bà Nguyễn Thị Thuần là cán bộ phụ trách dân vận và một số đồng chí khác. Bác Hồ đã hỏi chuyện từng người và hỏi ông Thanh Y, phụ trách thanh niên của xã: “Bây giờ giặc Pháp đánh ta thì thanh niên chuẩn bị như thế nào? Ông Thanh Y xúc động và lúng túng, bèn hô to: "Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm." Bác hỏi cụ Trường và mọi người: “Giặc Pháp chuẩn bị đánh ta, các cụ thấy thế nào?”. Cụ Trường đáp, “Thằng Pháp có tàu bay, xe sắt to lắm”. Bác ân cần nói: “Giặc Pháp có tàu bay, xe thiết giáp to ta cũng không sợ. Ta chỉ cần có lòng dân, quyết tâm đánh giặc”.

Lần này cụ An nấu cơm mời Bác khá thịnh soạn, Bác hỏi: “Hôm nay sao bà An lại mời cơm Bác ngon như thế này, nếu Bác đi địa phương khác không mời được như vậy thì sao?” Câu hỏi nhưng chính là để nhắc nhở gia đình và mọi người cần phải tiết kiệm và coi Bác bình đẳng như mọi người.

Lần thứ 3 Bác trở lại Phú Thượng vào mùng 1 Tết Nguyên đán 1957.

Bác chúc Tết và động viên gia đình cụ Ái ngày mồng Một Tết năm 1957.

Lần thứ 3 Bác trở lại Phú Thượng vào mùng 1 Tết Nguyên đán 1957. Lần này, Bác đến thăm gia đình nghèo nhất xã là nhà ông Công Đình Chén và thăm gia đình cụ Công Thị Ái, con gái út cụ Công Văn Trường. Bác chúc Tết và động viên gia đình cố gắng phát triển kinh tế, thi đua lao động sản xuất.
3 lần đến Phú Thượng Bác Hồ đều để lại những bài học sâu sắc về bình đẳng, tiết kiệm, lấy dân làm gốc, đoàn kết và sự quan tâm chăm lo của chính quyền đối với những hộ nghèo.

Căn nhà của gia đình cụ An được TP Hà Nội chuyển thành Nhà lưu niệm Bác Hồ từ năm 1966. Căn nhà được xây dựng từ năm 1929, đến nay ông Dũng và mọi người trong gia đình vẫn gìn giữ, quét dọn và coi đó là niềm tự hào và lòng kính yêu Bác. Tuy nhiên, cũng có những bức ảnh thuộc về lịch sử đang bị thời gian, và môi trường khí hậu làm xuống cấp. Bản thân ông Dũng cũng đã có những sáng kiến bảo vệ, tuy nhiên trong phạm vi gia đình thì không thể bảo tồn duy trì được hiện vật mà cần có sự giúp đỡ của cơ quan chính quyền địa phường, TP Hà Nội.
Vinh dự và tự hào quê hương 3 lần được Bác về thăm và làm việc, Đảng bộ và nhân dân phường Phú Thượng đã và đang tiếp tục nêu cao truyền thống cách mạng, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân. Công tác xây dựng Đảng có chuyển biến tích cực, 2 năm liền Đảng bộ phường được công nhận tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh tiêu biểu, chính quyền và Nhân dân phường được nhận Cờ thi đua của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, là đơn vị xuất sắc dẫn đầu các phường của quận Tây Hồ, hiệu quả các tiêu chí mới xây dựng phường văn hóa, đó chính là học tập và làm lời Bác.

Bài và ảnh Bích Hời

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ve-an-toan-khu-o-ha-noi-va-nhung-bai-hoc-con-nguyen-gia-tri-323756.html