VĐV có thành tích cao cần danh hiệu tôn vinh

Sau những nỗ lực, cống hiến bằng cả tinh thần, vật chất, mồ hôi và cả máu, VĐV xứng đáng được ghi nhận, tôn vinh bằng một danh hiệu cụ thể.

Những ngày qua, người dân cả nước được sống trong những cảm xúc dâng trào, bùng nổ và đầy xúc động khi những VĐV của chúng ta làm rạng danh đất nước ở đấu trường khu vực.

Họ vẫn âm thầm, miệt mài tập luyện, hy sinh quyền lợi cá nhân, đánh đổi nhiều thứ để có được những tấm huy chương, đóng góp cho thể thao nước nhà trên đấu trường quốc tế.

 Đoàn thể thao Việt Nam có SEA Games 30 thành công toàn diện. Ảnh: Việt Linh.

Đoàn thể thao Việt Nam có SEA Games 30 thành công toàn diện. Ảnh: Việt Linh.

Thành công thể hiện ý chí Việt Nam kiên cường

Thành tích 6 HCV của Ánh Viên được đánh đổi bằng những năm tháng đằng đẵng xa nhà tập huấn, trải qua bao gian khổ trong tập luyện. Trung vệ Chương Thị Kiều mất ngủ cả đêm vì vết thương ở đùi, Đoàn Văn Hậu thi đấu với đầu gối chảy máu trước khi ghi bàn cho U22 Việt Nam.

Phạm Thị Hồng Lệ sau khi về đích nội dung marathon bị chuột rút toàn thân, phải thở oxy và nhờ sự chăm sóc của đồng đội. Trung vệ Trần Thị Hồng Nhung kiệt sức sau trận chung kết môn bóng đá nữ và phải nhập viện cấp cứu lúc nửa đêm...

Tôi có theo dõi buổi gặp mặt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với hai đội bóng đá nam và nữ tại văn phòng chính phủ. Trước hết đây là sự kiện mà chính phủ thể hiện sự quan tâm sâu sắc cho thể thao Việt Nam nói chung và bóng đá nói riêng.

Thủ tướng đánh giá rất cao sự nỗ lực của các vận động viên và hai đội tuyển bóng đá, nhất là đội tuyển bóng đá nữ, như Thủ tướng nói là đã lăn xả, bị đau, chấn thương vẫn thi đấu rất kiên cường. Thủ tướng khen ngợi tinh thần của các vận động viên, tinh thần đoàn kết, kỷ luật, nỗ lực vì màu cờ sắc áo của đất nước.

Bảng tổng sắp SEA Games 30. Đồ họa: Minh Phúc.

Tại kỳ SEA Games này, Đoàn thể thao Việt Nam vươn lên vị trí thứ hai với 98 huy chương vàng. Đồng thời 2 đội tuyển bóng đá giành được huy chương vàng, đó là vấn đề lịch sử, một thắng lợi toàn diện. Thủ tướng cũng đánh giá cao việc này vì tập thể HLV, VĐV và các nhà quản lý đã thể hiện được một đất nước, con người và ý chí Việt Nam kiên cường. Thủ tướng muốn các vận động viên cần đoàn kết, có kỷ luật và nêu cao tinh thần dân tộc.

Thủ tướng cũng nói rằng Chính phủ sẽ quan tâm và có những chính sách để phát triển.

Tại cuộc gặp hôm 11/12, Chính phủ giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng kết một cách toàn diện, cụ thể hơn những vấn đề của bóng đá nói chung và đoàn thể thao. Thủ tướng cũng hoan nghênh các nhà tài trợ đã có sự đồng hành cùng thể thao và hỗ trợ cho thể thao.

Họ đều bày tỏ sự ủng hộ, sẵn sàng chung tay phát triển thể thao Việt Nam. Những hành động, lời nói đó thể hiện sự quan tâm của Chính phủ và nhân dân với sự nghiệp thể thao nước nhà. Tuy nhiên, trong suốt tiến trình đó, ngành thể thao chỉ đang có những danh hiệu về mặt chuyên môn, kỹ thuật, đánh giá danh hiệu trình độ của các vận động viên.

Cần có một danh hiệu tôn vinh

Sau những sự kiện thể thao lớn, tôi thường day dứt suy nghĩ rằng phải chăng đã tới lúc chính phủ, các cơ quan quản lý của ngành thể thao cần có một quy định, đưa ra một danh hiệu vinh danh các VĐV thể thao.

Ở đất nước ta, nhiều ngành nghề đã có những danh hiệu tôn vinh. Giáo dục có nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân. Các ngành nghệ thuật có nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân. Y tế có thầy thuốc ưu tú, thầy thuốc nhân dân.

Các VĐV Việt Nam thể hiện tinh thần Việt Nam kiên cường trên đấu trường quốc tế. Ảnh: Việt Linh.

Các nước có nền thể thao phát triển đều có danh hiệu vinh danh những người làm thể thao xuất sắc. Đó là VĐV, HLV đạt nhiều thành tích, xa hơn nữa là những nhà quản lý có nhiều đóng góp.

Quá trình phát triển của thể thao Việt Nam gần 70 năm, trong đó có 30 năm hội nhập và chúng ta đã có những vận động viên đạt trình độ châu lục, thế giới. Tuy nhiên bây giờ họ vẫn chưa được ghi nhận bằng một danh hiệu vinh danh.

Xét trên góc độ chuyên môn, ngành thể thao phân cấp VĐV dựa theo trình độ. Chúng ta có VĐV cấp 1, kiện tướng, kiện tướng quốc tế. Đây là danh hiệu kỹ thuật chứ không phải là danh hiệu vinh danh của đất nước ghi nhận.

Trên đấu trường khu vực, châu lục và thế giới, khi lá cờ được bay cao, quốc ca được cất lên, những thành tích đó cần được ghi nhận. Những điều kiện vật chất là cần thiết, nhưng một danh hiệu vinh dự cũng cần thiết không kém.

Vào những năm 80-90 của thế kỷ trước, ngành thể thao đã có những cuộc họp bàn về vấn đề này nhưng chưa đủ sức thuyết phục với chính phủ. Sự hy sinh của các VĐV và đằng sau đó là các HLV không thể kể hết được. Nó gây nên xúc cảm lớn, tạo ra sự trân trọng lớn trong xã hội.

Cảm xúc rồi cũng sẽ qua, nhưng tất cả họ từ những vận động viên mới tham dự SEA Games hay những nhà vô địch thế giới đều cần một danh hiệu, một sự vinh danh của nhà nước và chính phủ.

Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tin tưởng thầy trò HLV Park giành HCV Trong buổi họp báo tổng kết SEA Games 30, Trưởng đoàn Trần Đức Phấn chia sẻ không chỉ bản thân mình, mà toàn bộ người hâm mộ Việt Nam đều mong chờ các cầu thủ U22 làm nên lịch sử.

Nguyên trưởng đoàn TTVN Nguyễn Hồng Minh

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/vdv-co-thanh-tich-cao-can-danh-hieu-ton-vinh-post1024302.html