VDSC: Bách hóa Xanh có thể đạt doanh thu 94.000 tỷ đồng vào năm 2022

Tới 2022, trong kịch bản cơ sở, VDSC cho rằng Bách Hóa Xanh có thể đạt được 4.500 cửa hàng và 94.000 tỷ đồng doanh thu, đóng góp vào gần 50% doanh thu toàn tập đoàn.

Bách hóa Xanh có thể đạt doanh thu 94.000 tỷ đồng vào năm 2022

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa đưa ra báo cáo đánh giá về Công ty Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) với nhiều quan điểm đáng chú ý.

VDSC cho hay, qua theo dõi quá trình thử nghiệm và phát triển từ năm 2016, VDSC đánh giá Bách Hóa Xanh đang cho thấy những chuyển biến tích cực, đặc biệt từ khi MWG điều chỉnh chiến lược mở chuỗi trong quý 2 năm nay. Hầu hết các cửa hàng mở mới đều đạt được yêu cầu lưu lượng khách cũng như doanh số chỉ trong thời gian ngắn. Chuỗi cũng ngày càng đến gần hơn với mục tiêu hòa vốn EBITDA.

"Dù còn cần thêm điều chỉnh, chúng tôi tin rằng với kinh nghiệm của một nhà bán lẻ hàng đầu cùng sự nhanh nhạy của Ban lãnh đạo, MWG có thể nhân rộng thành công mô hình này vượt ngoài phạm vi thành phố Hồ Chí Minh trong 2-3 năm tới. Thị trường bán lẻ thực phẩm Việt Nam đầy phân mảnh, với quy mô ước tính lên tới trên 50 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trên 10% là mảnh đất đầy hứa hẹn cho MWG", VDSC nhận định.

Tới 2022, trong kịch bản cơ sở, VDSC cho rằng Bách Hóa Xanh có thể đạt được 4.500 cửa hàng và 94.000 tỷ đồng doanh thu, đóng góp vào gần 50% doanh thu toàn tập đoàn.

Tuy nhiên trước mắt, chuỗi Thế Giới Di Động sẽ tiếp tục đóng góp doanh thu ổn định, trong khi Điện Máy Xanh vẫn sẽ là trụ cột tăng trưởng ngắn hạn nhờ dư địa còn lại của thị trường điện máy.

Theo cập nhật mới đây từ MWG, trong tháng 8/2018, chuỗi Bách hóa Xanh ghi nhận tổng doanh thu của 405 cửa hàng đạt trên 420 tỷ đồng. Mức doanh thu tính bình quân cho các cửa hàng khai trương trước ngày 1/8/2018 đạt trên 950 triệu đồng/cửa hàng, tiến sát điểm hòa vốn 1 tỷ đồng/cửa hàng.

Phía MWG cho hay các cửa hàng Bách hóa Xanh đang hoạt động với mô hình chuẩn (từ 160 đến 200m2) đạt mức doanh thu trung bình trên 1,1 tỷ đồng/tháng.

Cùng với đó, đến hết tháng 8, Bách hóa Xanh có 2 cửa hàng quy mô lớn (300m2) tại Quận Thủ Đức và Quận Bình Tân với doanh số ổn định khoảng 3 tỷ đồng/tháng/cửa hàng. Ngoài ra, 4 cửa hàng hoạt động tại tỉnh Bình Dương và Long An cũng ghi nhận doanh thu cao hơn 20%-30% so với doanh thu trung bình của các cửa hàng cùng loại tại Tp.HCM.

Lãnh đạo MWG tự tin khẳng định, sau nhiều thử nghiệm, Bách hóa Xanh đã chuẩn hóa mô hình “thịt tươi, cá lội” để sẵn sàng nhân rộng trong thời gian tới.

Theo đó, chuỗi bách hóa này sẽ tiếp tục nâng cấp hàng chục cửa hàng từ mô hình cũ (không có “thịt tươi, cá lội”) lên mô hình chuẩn và một số cửa hàng từ quy mô chuẩn lên quy mô lớn. Đồng thời, Bách hóa Xanh sẽ xem xét ngừng hoạt động đối với những cửa hàng không có tiềm năng nâng cấp lên mô hình chuẩn hoặc không đạt ngưỡng doanh thu tối thiểu để hòa vốn EBITDA tại cửa hàng, nhằm tránh ảnh hưởng đến mục tiêu chung của toàn chuỗi.

Lãnh đạo MWG cho biết, trong 4 tháng cuối năm, Bách hóa Xanh sẽ đẩy mạnh mở mới hướng đến mục tiêu 500 cửa hàng, chủ yếu tại khu vực phía Đông (Quận 2, Quận 9, Thủ Đức), phía Nam (Quận 4, Quận 7, Quận 8, Bình Chánh, Nhà Bè) của Tp. Hồ Chí Minh, và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Bến Tre, Tiền Giang.

"Việc mở rộng kinh doanh tiến vào các khu vực sầm uất hơn cũng như triển khai thêm các trung tâm phân phối (bao gồm kho trữ lạnh thực phẩm) làm tăng chi phí hoạt động chuỗi Bách hóa Xanh từ đây đến cuối năm 2018. Tuy nhiên, đây là nền tảng cần thiết cho sự phát triển mạnh mẽ của Bách hóa Xanh trong thời gian tới", lãnh đạo MWG thông tin.

Thanh Long

Nguồn Vietnam Finance: http://vietnamfinance.vn/vdsc-bach-hoa-xanh-co-the-dat-doanh-thu-94000-ty-dong-vao-nam-2022-20180504224213937.htm