VDB dừng cho vay ưu đãi 0%

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đồng ý với đề nghị của Bộ Tài chính về việc không tiếp tục giao Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) thực hiện cho vay Chương trình tôn nền vượt lũ giai đoạn 2016-2020, không giao kế hoạch vốn thực hiện Chương trình kiên cố hóa kênh mương với lãi suất 0%.

Đối với Chương trình tôn nền vượt lũ tại ĐBSCL giai đoạn 2001-2013, VDB đã cho người dân vay 2.668 tỷ đồng. Dư nợ vay tại thời điểm 31-12-2017 là 1.328 tỷ đồng, trong đó nợ quá hạn 406 tỷ đồng. Các địa phương có dư nợ quá hạn gồm Đồng Tháp (248 tỷ đồng), An Giang (90 tỷ đồng), Kiên Giang (47 tỷ đồng), Long An (21 tỷ đồng). Hiện Bộ Xây dựng đang trình Thủ tướng ban hành Quyết định về cơ chế chính sách thực hiện chương trình trên giai đoạn 2016-2020.

Tuy nhiên, do VDB đang gặp nhiều khó khăn, nợ xấu tăng cao, Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính hoàn thiện đề án tái cơ cấu VDB để báo cáo Bộ Chính trị trong thời gian tới. Vì vậy, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách thực hiện tôn nền vượt lũ tại ĐBSCL giai đoạn 2016-2020, theo hướng không tiếp tục giao VDB thực hiện cho vay chương trình với lãi suất 0%.

Một chương trình cho vay 0% khác của VDB cũng được đề xuất dừng là chương trình kiên cố hóa kênh mương, phát triển giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và cơ sở làng nghề nông thôn. Theo đó, từ năm 2009 VDB đã cho các địa phương vay vốn với lãi suất 0% để thực hiện chương trình.

Theo báo cáo của VDB, tổng doanh số cho vay những năm qua đạt 51.830 tỷ đồng, dư nợ tại thời điểm cuối năm 2017 khoảng 11.582 tỷ đồng. Kết quả rà soát cho vay cho thấy nợ quá hạn chương trình khoảng 200 tỷ đồng, trong đó Thái Bình 152 tỷ đồng, Đắk Lắk 48 tỷ đồng và Nghệ An được khoanh nợ vay.

Cho ý kiến về đề xuất VDB dừng cho vay 0% đối với 2 chương trình trên, Bộ Kế hoạch-Đầu tư đã thống nhất không tiếp tục thực hiện chương trình, cho rằng VDB đang trong giai đoạn tái cơ cấu, tập trung thu hồi nợ, nguồn huy động vốn của VDB cũng hạn chế do phần lớn từ nguồn phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh.

Mặt khác, theo Nghị quyết 07-NQ/TW ngày 18-11-2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, đã khống chế hạn mức bảo lãnh cho 2 ngân hàng chính sách tối đa bằng nghĩa vụ trả nợ gốc hàng năm.

Vì vậy VDB rất khó tự huy động vốn để tiếp tục cho vay 0%, đồng thời việc cấp bù lãi suất và phí quản lý 2 chương trình trên chiếm tỷ trọng khá lớn trong cấp bù lãi suất và phí quản lý của VDB, đang tạo gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Gia Bảo

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/doanh-nghiep-thi-truong/vdb-dung-cho-vay-uu-dai-0-59402.html