VCCI nói gì về việc độc quyền kiểm duyệt phim?

Theo góp ý dự thảo luật Điện ảnh của VCCI, nên có cơ chế duyệt phim mới và bãi bỏ phim nhà nước đặt hàng.

Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa trả lời công văn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc đề nghị góp ý đối với dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Theo văn bản này, VCCI ủng hộ đề xuất của cơ quan soạn thảo trong việc bãi bỏ giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phim, bãi bỏ văn bản chấp thuận đặt văn phòng đại diện của cơ sở điện ảnh Việt Nam tại nước ngoài và bãi bỏ quy định người nhập khẩu phim phải có rạp chiếu phim.

“Hội đồng thẩm định thường yêu cầu chỉnh sửa phim và nhiều yêu cầu bị cho là thái quá, can thiệp vào nội dung nghệ thuật và thương mại của bộ phim chứ không chỉ phục vụ mục đích kiểm duyệt nội dung để chống nội dung khiêu dâm, bạo lực, thù địch…” - văn bản của VCCI cho biết.

Cụ thể, cơ chế kiểm duyệt đối với phim hiện nay đang có hai vấn đề bất cập. Thứ nhất, độc quyền về kiểm duyệt phim; về lâu dài, việc thẩm định phim qua hội đồng độc quyền rất tốn kém chi phí sẽ kìm hãm sự phát triển của điện ảnh Việt Nam và cơ hội được xem phim của khán giả. Nếu giả sử một hội đồng thẩm định làm việc 240 ngày mỗi năm, mỗi ngày thẩm định được 3 phim thì một năm chỉ có thể kiểm duyệt được tối đa 720 phim.

Do đó cơ quan này đề xuất Luật Điện ảnh đặt ra các điều kiện (chủ yếu về nhân sự) để một đơn vị có thể thực hiện công tác kiểm duyệt phim. Tổ chức nào đủ điều kiện đều có thể đăng ký và được cấp phép hoạt động kiểm duyệt phim. Cơ quan nhà nước tiến hành hậu kiểm nội dung phim đã được phổ biến và công tác kiểm duyệt của các tổ chức đã được cấp phép.

Nguồn ảnh: SCTV

Việc đặt hàng phim sử dụng ngân sách nhà nước nhiều năm nay đã bộc lộ nhiều bất cập, khi tiền ngân sách bỏ ra nhưng sản phẩm phim thu về không đem lại hiệu quả như mong muốn. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bãi bỏ các quy định về đặt hàng phim sử dụng ngân sách nhà nước.

Ngoài ra đơn vị này cũng yêu cầu đánh giá lại hiệu quả của các đội chiếu phim lưu động. Nếu không còn phù hợp thì có kế hoạch giảm dần và tiến tới loại bỏ để tiết kiệm chi phí cho ngân sách.

VCCI dẫn chứng cho đề xuất của cơ quan này khi góp ý dự thảo luật Điện ảnh: “Một cơ chế như vậy vừa bảo đảm quản lý tốt nội dung phim, vừa giúp tạo tính cạnh tranh trên thị trường và giúp cho nền điện ảnh phát triển không bị hạn chế. Việc chuyển từ cơ chế Nhà nước độc quyền kiểm định hàng hóa sang cơ chế ủy quyền cho nhiều đơn vị tư nhân có quyền kiểm định và Nhà nước giám sát chặt chẽ đã được thực hiện thành công ở rất nhiều lĩnh vực, như dược phẩm, thuốc bảo vệ thực vật, an toàn thực phẩm…”.

Nguồn VCCI

Trang Lê

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/song/vcci-noi-gi-ve-viec-doc-quyen-kiem-duyet-phim-3330591/