VCCI: Cân nhắc bỏ quy định về quỹ đầu tư mạo hiểm ra khỏi dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi)

Trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản góp ý Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi).

Hiện tại có 1.954 công ty đại chúng, trong đó có 18,4% công ty đại chúng không đáp ứng được điều kiện về vốn điều lệ. Ảnh: Internet.

Trong đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sự cần thiết của việc tách riêng quy định về quỹ đầu tư mạo hiểm. Trong trường hợp thấy sự cần thiết và nguy cơ rủi ro không cao thì có thể loại bỏ các quỹ đầu tư mạo hiểm ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật này.

Cân nhắc về việc áp dụng quy định mang tính hồi tố

Theo quy định tại Điều 7.3 của Nghị định 38/2018/NĐ-CP thì hoạt động quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo quy định tại Nghị định này thực hiện theo Điều lệ của quỹ, các hợp đồng ký kết với quỹ (nếu có) và không chịu sự điều chỉnh bởi pháp luật về chứng khoán.

Các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo (thường gọi là quỹ đầu tư mạo hiểm) có danh mục đầu tư rất hạn chế, chỉ gồm tiền gửi ngân hàng và đầu tư vào các startups với mức đầu tư không quá 50% vốn điều lệ. Các quy định để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư bỏ tiền vào quỹ cũng đã được quy định tương đối đầy đủ trong Nghị định 38/2018/NĐ-CP. Các quy định này cũng tương đối giống với quy định về quỹ thành viên trên thị trường chứng khoán, nhưng có thủ tục đơn giản hơn do danh mục đầu tư hạn chế hơn rất nhiều.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sự cần thiết của việc tách riêng quy định về quỹ đầu tư mạo hiểm. Trong trường hợp thấy sự cần thiết và nguy cơ rủi ro không cao thì có thể loại bỏ các quỹ đầu tư mạo hiểm ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật này. Theo đó, các quỹ đầu tư mạo hiểm phải tuân thủ các quy định tại Nghị định 38 về số lượng nhà đầu tư, danh mục đầu tư và một số quy định khác trong Nghị định này. Trường hợp quỹ đầu tư mạo hiểm không đáp ứng quy định tại Nghị định 38 thì phải chuyển sang hình thức quỹ đầu tư chứng khoán theo Luật Chứng khoán.

Cũng theo VCCI, việc nâng các điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng (Điều 12) nhằm bảo đảm năng lực tài chính của công ty đại chúng là phù hợp với định hướng phát triển thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, Điều 135.4 của Dự thảo đưa ra quy định chuyển tiếp yêu cầu các doanh nghiệp đã niêm yết phải đáp ứng điều kiện về vốn và cơ cấu cổ đông trong vòng 2 năm kể từ khi Luật này có hiệu lực, nếu sau 2 năm mà không đáp ứng thì doanh nghiệp sẽ bị hủy tư cách công ty đại chúng theo Điều 37 của Dự thảo.

Theo thuyết minh của cơ quan soạn thảo, hiện tại có 1.954 công ty đại chúng, trong đó có 18,4% công ty đại chúng không đáp ứng được điều kiện về vốn điều lệ. Các doanh nghiệp này sẽ có 2 năm để tăng vốn lên 30 tỷ hoặc sẽ phải bị hủy tư cách công ty đại chúng. Chính sách này sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của các cổ đông đang nắm giữ chứng khoán của các doanh nghiệp này. Trong khi bản thân những doanh nghiệp này không hề có hành vi vi phạm pháp luật, không gây tác động xấu đến thị trường.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo hết sức cân nhắc về việc áp dụng quy định mang tính hồi tố như vậy. Quy định mới về điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng chỉ nên áp dụng cho những doanh nghiệp niêm yết sau khi Luật này có hiệu lực, không nên áp dụng đối với những doanh nghiệp đã niêm yết.

Vẫn tập trung nhiều vào tiền kiểm

Về điều kiện có lãi đối với trường hợp chào bán thêm chứng khoán ra công chúng, Dự thảo đã nâng điều kiện có lãi từ 1 năm lên 2 năm đối với các công ty đại chúng muốn chào bán thêm chứng khoán ra công chúng nhằm chống lại tình trạng một số doanh nghiệp sử dụng thủ thuật về kế toán để có lãi trong 1 năm nhưng nhiều năm khác lại lỗ để có thể chào bán thêm chứng khoán.

Tuy nhiên, theo VCCI, việc sử dụng thủ thuật kế toán để có lãi phải được xem là một hành vi gian lận về việc cung cấp thông tin ra công chúng và cần phải được xử lý vi phạm, chứ không nên quy định về thời gian có lãi. Việc thay đổi thời gian có lãi không giải quyết được vấn đề khi doanh nghiệp tiếp tục sử dụng thủ thuật kế toán để có lãi trong 2 năm.

Đối với những doanh nghiệp đã chào bán chứng khoán ra công chúng thì các thông tin về doanh nghiệp đã được công khai trước các nhà đầu tư một thời gian tương đối dài. Các nhà đầu tư hoàn toàn có thể theo dõi lại lịch sử công bố thông tin để đánh giá về mức độ rủi ro, vì vậy, Nhà nước có thể giảm các điều kiện chào bán thêm, thấp hơn so với chào bán lần đầu. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc điều chỉnh điều kiện có lãi của doanh nghiệp khi chào bán thêm chứng khoán.

Tại Điều 18 của Dự thảo đã quy định “Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xem xét, chấp thuận và công khai danh sách tổ chức kiểm toán và danh sách kiểm toán viên hành nghề được chấp thuận để thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán”.

Quy định này đã được quy định tại Luật Chứng khoán 2006 và Nghị định 84/2016/NĐ-CP. Theo các quy định này, tổ chức kiểm toán phải được Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán. Sau đó, công ty kiểm toán lại phải nộp hồ sơ cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và được “xem xét, chấp thuận và công khai danh sách” thì mới được hành nghề kiểm toán trong lĩnh vực chứng khoán.

Một cơ chế quản lý như vậy tập trung nhiều vào tiền kiểm, tức là kiểm tra về điều kiện, hồ sơ năng lực của một công ty kiểm toán, nhưng lại xem nhẹ hậu kiểm để bảo đảm chất lượng, chuẩn mực kiểm toán. Trong khi đó, mục tiêu quản lý nhà nước trong lĩnh vực kiểm toán lại là bảo đảm chất lượng, chuẩn mực của hoạt động kiểm toán, nên việc hậu kiểm cần được chú trọng hơn nhiều. Để bảo đảm được chất lượng, chuẩn mực kiểm toán, biện pháp tốt nhất, được nhiều nước trên thế giới áp dụng, là kiểm tra ngẫu nhiên các báo cáo kiểm toán đã được thực hiện và đưa ra các chế tài tương ứng khi báo cáo kiểm toán không tuân thủ chuẩn mực kiểm toán.

Do đó, để đơn giản hóa thủ tục hành chính, thống nhất đầu mối quản lỷ và bảo đảm chất lượng công tác hậu kiểm, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh quy định theo hướng Bộ Tài chính (nơi ban hành các chuẩn mực kiểm toán) sẽ chịu trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, công khai danh sách và kiểm tra các công ty kiểm toán trong lĩnh vực chứng khoán.

Xuân Thảo

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/vcci-nen-can-nhac-bo-quy-dinh-ve-quy-dau-tu-mao-hiem-ra-khoi-du-thao-luat-chung-khoan-sua-doi.aspx