VBS 2019: Việt Nam là đối tác kinh doanh tin cậy trong kỷ nguyên số

Ngày 16/10, tại Hà Nội, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (VBS) 2019 với chủ đề 'Việt Nam - Đối tác kinh doanh tin cậy trong kỷ nguyên số' do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Liên đoàn Kinh tế Nhật Bản (Keidanren) phối hợp tổ chức.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: H.Dịu

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: H.Dịu

Cần sự chung tay của cộng đồng

Hội nghị VBS được tổ chức lần đầu tiên trong Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (VBS) đã trở thành một trong những hội nghị quốc tế lớn nhất và quan trọng nhất liên quan đến doanh nghiệp trong năm của Việt Nam.

VBS năm 2019 có sự tham dự của 600 đại biểu, trong đó có là các lãnh đạo của bộ ngành, tổ chức quốc tế, học giả và các doanh nghiệp lớn và 200 CEO của các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế. Hội nghị tập trung thảo luận về những đổi mới khoa học công nghệ, sự chuyển dịch nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số và những cơ hội cho Việt Nam.

Khai mạc Hội nghị thượng đỉnh, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, Việt Nam không chỉ là một đất nước mà Việt Nam còn là đối tác kinh doanh tin cậy của cả thế giới – “Việt Nam – We mean business”. Bởi Việt Nam hiện đang nằm trong dòng chảy của nền kinh tế toàn cầu, công cuộc đổi mới, mở cửa đang diễn ra mạnh mẽ. Việt Nam đang là quán quân về mở cửa thị trường trong các nước đang phát triển khi đang sở hữu tới 16 Hiệp định thương mại tự do kết nối với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới, trong đó có những Hiệp định thương mại đỉnh cao như CPTPP/ EVFTA…

Việt Nam cũng là quán quân bứt phá trong cuộc đua cải thiện thứ hạng trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019, khi tăng 3,5 điểm và vượt 10 bậc về thứ hạng. Đó là những nỗ lực vượt bậc của Việt Nam để trở thành điểm đến an lành và đối tác kinh doanh tin cậy của cả thế giới.

Theo Chủ tịch VCCI, “phát triển bền vững” và “công nghiệp 4.0” trở thành hai từ khóa quan trọng nhất trong các chiến lược và kế hoạch về phát triển của Việt Nam. “Phát triển bền vững và cách mạng công nghiệp 4.0 là 2 đường ray để đoàn tàu tiến lên phía trước và là đôi cánh để bay lên. Tầm nhìn kinh tế cũng tỏa ra từ 2 trục chính này”, ông Lộc chia sẻ.

Do đó, Chính phủ Việt Nam đã có chính sách thiết thực tăng trưởng nền kinh tế số. Vì thế, Chủ tịch VCCI mong muốn có một sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp thế giới trong việc thúc đẩy nền kinh tế số ở Việt Nam.

Thời điểm để Việt Nam chuyển đổi số

Theo Khảo sát Cách mạng Công nghiệp 4.0 của PwC năm 2018, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam kỳ vọng rằng Cách mạng 4.0 sẽ mang lại những lợi ích đáng kể, như hiệu quả hoạt động cao hơn và khả năng tiếp cận khách hàng tốt hơn nhờ vào số hóa và tự động hóa.

Vì thế, tại Hội nghị, chia sẻ về tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo để nâng cao vị thế của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng, chìa khóa để Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình chính là đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo. Khi doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới sẽ giúp cải thiện năng suất lao động, tăng thu nhập cho người lao động. Do đó, đây là thời điểm Việt Nam cần có sự chuyển đổi về chiến lược để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, để làm được điều này, doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cần cần tập trung đổi mới, hấp thụ công nghệ trong đó đặc biệt các doanh nghiệp cần chú trọng vào đổi mới quy trình quản lý. Bởi với công nghệ mới cập nhật mà không đổi mới hệ thống quản lý, doanh nghiệp sẽ không thể tận dụng hiệu quả công nghệ mới để tạo ra sản phẩm mới, không nâng cao năng suất lao động doanh nghiệp.

Hiện phần lớn doanh nghiệp Việt Nam thuần túy vẫn ở mức đổi mới công nghệ, tức là doanh nghiệp mới chỉ dừng ở mức mua toàn bộ dây chuyền máy móc thiết bị mới. Nên ông Bùi Thế Duy cho rằng, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý cần xây dựng một nền tảng kết nối thống nhất hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia để kết nối các tổ chức nghiên cứu, xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên khắp Việt Nam…

Ông Võ Tấn Long, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Công nghệ thông tin, Công ty Tư vấn PwC Việt Nam chia sẻ, việc áp dụng các công nghệ mới là cần thiết. Nhưng quan trọng hơn cả, các lãnh đạo doanh nghiệp cần coi chuyển đổi kỹ thuật số là một phần không thể tách rời trong chiến lược phát triển chung của doanh nghiệp.

Hương Dịu

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/vbs-2019-viet-nam-la-doi-tac-kinh-doanh-tin-cay-trong-ky-nguyen-so-113421.html