VBF và các thành viên luôn ủng hộ công cuộc chống tham nhũng

Đó là khẳng định của ông Giles T.Cooper, đồng Trưởng nhóm Quản trị và Liêm chính của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) với Báo Thanh tra, liên quan đến việc triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) 2018.

Ông Giles T.Cooper

Ông Giles T.Cooper

Ông Giles T.Cooper chia sẻ, các nguyên tắc của khu vực tư nhân đối với Luật PCTN mới là một khởi đầu và một bước quan trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng. Tuy nhiên, vẫn còn sớm để đưa ra khuyến nghị cụ thể về những gì có thể thay đổi hoặc cải thiện. Có lẽ điều quan trọng nhất bây giờ là xây dựng dựa trên những tiền đề tích cực để áp dụng luật PCTN mới và tiếp tục khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân dựa trên nền tảng lợi ích của họ và của toàn xã hội.

+ Ông đánh giá việc xây dựng Luật PCTN 2018 nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập qua 10 năm thi hành Luật PCTN năm 2005 (đã được sửa đổi năm 2007 và 2012) như thế nào?

- Những hạn chế qua 10 năm thực hiện Luật PCTN 2005 chủ yếu đến từ cơ chế thực thi luật pháp còn yếu kém. Luật PCTN 2005 đã không tạo điều kiện hình thành các nhóm chuyên trách độc lập có quyền hạn và thẩm quyền điều tra các trường hợp tham nhũng. Luật cũng không quy định rõ ràng trong việc kiểm soát tài sản và thu nhập của các quan chức Nhà nước, hay thiết lập vai trò giám sát cụ thể cho người đứng đầu các cơ quan công quyền.

Mặt khác, Luật PCTN mới tạo ra các nhóm chuyên trách PCTN trên hầu hết mọi tỉnh, thành và bộ, ngành, có nhiệm vụ điều tra các báo cáo tham nhũng, xem xét và xác minh tài sản và kê khai thu nhập. Những lực lượng đặc nhiệm này nên hoạt động độc lập với các cơ quan công quyền đang bị điều tra. Đây hứa hẹn sẽ là một công cụ mới để Chính phủ giải quyết mọi hành vi tham nhũng.

VBF được thành lập năm 1997 tại Hội nghị Tư vấn thường niên giữa Chính phủ Việt Nam và cộng đồng các nhà tài trợ.

Diễn đàn như một kênh đối thoại chính sách hoạt động phi lợi nhuận,không mang tính chất chính trị nhằm mục đích xây dựngmột môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư tư nhân và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững tại Việt Nam.

Hoạt động của Diễn đàn chủ yếu thông qua các phiên họp cấp cao định kỳ giữa lãnh đạo cấp cao của Chính phủ Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp đồng thời thông quahoạt động của các nhóm công tác chuyên trách trên tất cả các lĩnh vực kinh tế.

Liên minh VBF bao gồm 15 Hiệp hội thành viên và 15 Nhóm công tác.Sau 20 năm thành lập, VBF đã ngày càng trưởng thành và lớn mạnh, là kênh đối thoại cấp cao quan trọng và hiệu quả, được cộng đồng doanh nghiệp cũng như phía các cơ quan Chính phủ đánh giá cao.

Thêm nữa, Luật PCTN mới cũng trực tiếp huy động khu vực tư nhân tham gia vào công cuộc PCTN, đặc biệt với các yêu cầu mới là các công ty tư nhân phải thực hiện các chính sách chủ động ngăn chặn tham nhũng từ nhân viên của họ.

Chúng tôi thấy đây là những yếu tố đầy hứa hẹn trong luật mới và sẽ cải thiện việc thực thi các chính sách chống tham nhũng ở Việt Nam.

+ Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật ra khu vực ngoài Nhà nước là điểm mới cơ bản của Luật PCTN 2018, theo ông, nội dung này đã có tác dụng như thế nào, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp tham gia VBF?

- Còn quá sớm để đánh giá hiệu quả thực sự của những quy định mới hết sức quan trọng này. Tuy nhiên, mục đích là tốt, và các tín hiệu thì tích cực. Các quy định mới cung cấp thêm một góc độ pháp lý cho các vấn đề về nhân cách và đạo đức, yếu tố quan trọng quyết định một công dân doanh nghiệp tốt. Điều này cũng không phải là mới đối với các doanh nghiệp thành viên của VBF bởi rất nhiều trong số họ đã quen với việc tuân thủ các quy định pháp lý tương tự ở nước của họ.

Trong tương lai gần, chúng tôi kì vọng thấy được ngày một nhiều các doanh nghiệp “Việt Nam hóa” các quy định và chính sách nội bộ sao cho phù hợp và thực thi hơn tại Việt Nam. Chúng tôi hi vọng rằng, trong tương lai tới, điều này sẽ phát triển một cách tích cực và dẫn tới việc giảm thiểu các trường hợp tham nhũng hành chính quy mô nhỏ cũng như những bê bối lớn liên quan tới các doanh nghiệp khu vực tư nhân.

+ Ông có lời khuyên gì đối với các công ty đa quốc gia trong việc áp dụng và triển khai các quy tắc và giao thức tuân thủ cụ thể của Việt Nam?

- VBF và các thành viên luôn ủng hộ công cuộc chống tham nhũng và luôn là đơn vị tiên phong trong phong trào vận động này. Doanh nghiệp trong và ngoài nước đều hiểu rằng các doanh nghiệp được quản trị đúng đắn, áp dụng văn hóa liêm chính sẽ có lợi nhuận cao hơn và thành công lâu dài. Điều này tất nhiên mang lại lợi ích tương ứng cho toàn xã hội. Sự giao thoa lợi ích này có giá trị và ích lợi mà VBF đã hướng tới và hỗ trợ từ lâu.

Thách thức vẫn còn đó. Các công ty đa quốc gia có thể gặp khó khăn và thấy phức tạp trong việc áp dụng và triển khai các quy tắc và giao thức tuân thủ cụ thể của Việt Nam. Cần phải có sự trao đổi liên tục giữa các khu vực tư nhân và Nhà nước về kỳ vọng và khả năng thực hiện. Các công ty vừa và nhỏ có thể không có nguồn lực để thực hiện các thay đổi đáng kể trong thời gian ngắn.

+ Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ban Mai - Ngọc Anh (Thực hiện)

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/kinh-te/thi-truong/vbf-va-cac-thanh-vien-luon-ung-ho-cong-cuoc-chong-tham-nhung_t114c1067n153389