VBF: Liên kết doanh nghiệp trong và ngoài nước, hướng tới lợi ích chung

Đây là chủ đề chính được đưa ra thảo luận tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2018 (VBF) diễn ra ngày 4/7, tại Hà Nội.

Hai Đồng Chủ tịch diễn đàn VBF

Diễn đàn tập trung vào 3 phiên thảo luận chính, gồm: Tiến tới chuỗi giá trị, Giải quyết những thách thức về công nghệ, Tăng trưởng tài chính bền vững.

Phát biểu tại cuộc họp báo trước thềm VBF giữa kỳ, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chủ tịch VBF cho biết, trong thời gian qua việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ở Việt Nam khá thành công. Việt Nam là một trong những nền kinh tế thu hút hàng đầu FDI.

Tuy nhiên, chất lượng, khả năng lan tỏa FDI vẫn còn hạn chế. Có nhiều nguyên nhân, một trong số đó là khuôn khổ pháp lý liên quan đến lĩnh vực FDI như chuyển giao công nghệ, lao động, chưa thật sự hiệu quả. Các vấn đề về thủ tục hành chính, quy đinh chồng chéo, cách thức thực thi chính sách vẫn chưa thật sự nhất quán giữa các cơ quan, mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ chưa thật sự lan rộng, đồng đều ở các bộ, ngành, địa phương.

Chủ tịch VBF cũng chia sẻ, 2018 là năm Việt Nam chuẩn bị tổng kết 30 năm FDI, những thành công và hạn chế của khu vực này sẽ được chỉ rõ ở các vấn đề như tính lan tỏa, công nghệ, giá trị gia tăng… chưa được như kỳ vọng. Do đó, giải pháp cho mối liên kết lỏng lẻo giữa doanh nghiệp trong nước và khu vực FDI hướng tới lợi ích chung sẽ là chủ đề trọng tâm của Diễn đàn VBF giữa kỳ năm nay.

Chủ tịch VCCI cũng đề cập tới một khái niệm mới, đó là “Chuỗi cung ứng có trách nhiệm”. Theo đó, ông đưa ra ví dụ Thái Nguyên hay Samsung có thể trở thành điển hình xây dựng chuỗi cung ứng có trách nhiệm tại Việt Nam. Điều này có nghĩa là, doanh nghiệp FDI như Samsung sẽ không chỉ đóng góp ngân sách, tạo việc làm… mà cần hình thành liên minh doanh nghiệp trong và ngoài nước và cần thể hiện trách nhiệm bằng cách xây dựng chuỗi cung ứng giữa doanh nghiệp FDI và trong nước.

Nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế giới (WEF) có điểm lưu ý liên quan các doanh nghiệp và FDI. Theo đó, năng lực hấp thụ công nghệ Việt Nam xếp thứ 93, hệ số chuyển giao công nghệ 89, độ sâu là 106, như vậy các chỉ số này có liên kết lỏng lẻo doanh nghiệp FDI và trong nước thua cả Lào và Campuchia.

Do đó, Chủ tịch VCCI đề nghị, Chính phủ có thêm các chương trình hỗ trợ kết nối. Đặc biệt, các hiệp hội, doanh nghiệp FDI có thể bắt đầu với các quỹ hỗ trợ đào tạo cho doanh nghiệp Việt. Cùng với đó, đóng góp bền vững nhất của FDI cho doanh nghiệp vừa và nh Việt Nam là làm sao kéo được doanh nghiệp Việt phát triển cùng với các doanh nghiệp FDI.

Bên cạnh đó, ông Tomaso Adreatta, đồng Chủ tịch diễn đàn VBF cho rằng, các doanh nghiệp Việt phần lớn là quy mô nhỏ, cần cải thiện hơn các kỹ năng quản trị ở quy mô lớn hơn. Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập, thực thi các hiệp định thương mại tự do, các doanh nghiệp phải có kỹ năng kết nối chặt hơn với các doanh nghiệp nước ngoài.

Bên cạnh những ưu điểm, lợi thế vốn có, Việt Nam cần sớm cải thiện đó là nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo bài bản, có những kỹ năng sát yêu cầu thực tế, ý thức đầy đủ về các vấn đề an toàn lao động, bảo vệ môi trường…- ông chia sẻ.

Trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh cải cách trong thực thi pháp luật và chuẩn bị tổng kết 30 năm chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, VBF là cơ hội thể hiện mạnh mẽ cam kết của Chính phủ chung tay cùng cộng đồng doanh nghiệp thúc đẩy môi trường đầu tư ở Việt Nam hiệu quả hơn, bền vững hơn, tạo lòng tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Nguyễn Hường - Nhật Quang

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/vbf-lien-ket-doanh-nghiep-trong-va-ngoai-nuoc-huong-toi-loi-ich-chung.html