VBF giữa kỳ 2019: Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh vì sự phát triển nhanh và bền vững

Phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp (DN) Việt Nam giữa kỳ (VBF) 2019, Phó Thủ tưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh phát triển nhanh và bền vững là chủ trương, quan điểm nhất quán và xuyên suốt trong chiến lược phát triển của Việt Nam và DN chính là chủ thể, là lực lượng hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ…

Với chủ đề “Vai trò của cộng đồng DN (DN) trong phát triển nhanh gắn với bền vững”, VBF giữa kỳ đã diễn ra sáng nay - 26/6, tại Hà Nội. Hơn 500 đại biểu đã tham dự diễn đàn này…

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng

Nâng tầm trách nhiệm của doanh nghiệp

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, diễn đàn lần này sẽ tập trung vào việc đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp nhằm khơi dậy sức mạnh của khu vực kinh tế tư nhân; thu hút đầu tư theo hướng đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, có trách nhiệm với cộng đồng và phát triển bền vững. Đó là trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của DN với nhà nước, DN với môi trường, DN với DN, DN với người dân.

“Như vậy, Diễn đàn chúng ta đã nâng lên một tầm cao mới không chỉ đơn thuần phản ánh khó khăn vướng mắc trong hoạt động đầu tư kinh doanh mà còn nâng tầm trách nhiệm của DN với phát triển nhanh và bền vững của quốc gia”, Bộ trưởng phát biểu.

Đánh giá năm 2018 là một năm thành công của nền kinh tế Việt Nam, song Bộ trưởng lưu ý qua 6 tháng đầu năm 2019, bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế đã có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, khó khăn, thách thức đan xen. Kinh tế, thương mại thế giới có dấu hiệu tăng trưởng chậm; xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn ngày càng gia tăng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt; thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng khắc nghiệt.

Nền kinh tế trong nước còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nội tại, chưa thể giải quyết triệt để trong ngắn hạn, chất lượng tăng trưởng cải thiện còn chậm, chưa thực sự bền vững; năng suất lao động, năng lực cạnh tranh còn thấp; khu vực kinh tế trong nước chưa tham gia sâu rộng vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, FTA với EU là áp lực lớn đối với yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng, hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng tại Diễn đàn

Để khắc phục những tồn tại này, Chính phủ Việt Nam kiên định và quyết tâm cải cách, đổi mới toàn diện nền kinh tế theo hướng:

Một là, nâng cao năng lực nội tại, khả năng chống chịu của nền kinh tế; củng cố duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô, khơi thông các động lực tăng trưởng; quyết liệt thực hiện các đột phá chiến lược; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến và tận dụng có hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ứng dụng kỹ thuật số; hình thành Trung tâm đổi mới sáng tạo để quy tụ nhân tài và kết nối với các trung tâm công nghệ lớn trên thế giới.

Hai là, xây dựng bộ máy kỷ cương, liêm chính, hành động, phục vụ; tiếp tục tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi…

Ba là, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính phủ điện tử; thực hiện nghiêm quy định về đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức. Đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính thực chất, tạo điều kiện tốt hơn, thuận lợi hơn, tiết giảm chi phí và thời gian cho người dân, DN.

Bộ trưởng khẳng định, những đề xuất của cộng đồng DN tại Diễn đàn sẽ đóng góp tích cực cho Chính phủ trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phấn đấu sớm đưa Việt Nam vào nhóm các nước dẫn đầu ASEAN, hướng đến tiêu chuẩn của các nước phát triển (OECD) và nâng cao hơn nữa xếp hạng quốc tế của Việt Nam; thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển DN; thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, ưu tiên sử dụng công nghệ mới, thân thiện môi trường, gắn với phát triển các ngành công nghiệp cơ bản.

Hai bàn tay cùng vỗ…

Thay mặt cộng đồng DN Việt Nam, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), TS Vũ Tiến Lộc đã đánh giá cao những nỗ lực gần đây của Chính phủ trong việc tạo lập được một môi trường kinh doanh (MTKD) ngày càng thuận lợi hơn cho các DN. “Dù vậy, MTKD trong nước vẫn còn có những điểm nghẽn, cần có thêm nhiều nỗ lực của Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền các địa phương…” - Chủ tịch VCCI kiến nghị.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phát biểu tại Diễn đàn

Dẫn kết quả đầu ra PCI năm 2018 cho thấy có 16% DN cho biết phải chờ hơn 1 tháng mới có đủ tất cả các giấy tờ cần thiết khác ngoài giấy chứng nhận đăng ký DN để chính thức đi vào hoạt động, chỉ tiêu này có dấu hiệu gia tăng trong 5 năm trở lại đây. Nhiều DN gặp nhiều khó khăn khi xin cấp các loại giấy phép khác ngoài giấy chứng nhận đăng ký DN để chính thức đi vào hoạt động: 34% DN gặp khó khăn khi xin các giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện, 30% DN gặp khó khăn khi xin giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy, 29% DN gặp khó khăn khi xin cấp giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật hoặc các loại giấy chứng nhận khác... Chủ tịch VCCI kiến nghị, cần đẩy mạnh việc cắt giảm gánh nặng thủ tục “hậu đăng ký” cho DN.

Cùng với đó, cải cách thủ tục hành chính cần tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm như, đất đai (30% DN cho biết còn phiền hà), thuế (28%) và bảo hiểm xã hội (25%). Với các DN FDI, đó là thủ tục xuất nhập khẩu (28%), bảo hiểm xã hội (26%), thuế (25%) và đăng ký đầu tư (24%), phòng cháy (22%).

Ngoài ra một loạt vấn đề đang gây khó cho DN cũng được người đứng đầu cộng đồng DN kiến nghị tiếp tục được cải thiện như: Cần tăng cường minh bạch thông tin cho DN; Cần có giải pháp phù hợp đối với các DN siêu nhỏ, nhỏ; Tạo thuận lợi hơn cho các DN trong tiếp cận vốn; Sửa đổi Luật lao động theo hướng mở rộng khung giờ làm thêm lên 400 giờ, không sử dụng hệ thống trả công lũy tiến với thời gian làm thêm của người lao động, tăng lương tối thiểu ở mức hợp lý bảo đảm phù hợp với năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu ngày một cao của các DN; Đảm bảo tính ổn định, tin cậy của MTKD; Cải cách hệ thống tư pháp liên quan đến DN để bảo đảm an toàn, an tâm cho kinh doanh. Cải cách hệ thống tư pháp liên quan đến DN để bảo đảm an toàn, an tâm cho kinh doanh; Cần có thông tin hiệu quả hơn tới cộng đồng về các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia, ký kết; Thúc đẩy các mô hình kinh doanh mới…

“Hành trình của Chính phủ đang rất thành công trong việc chuyển đổi từ cởi trói, tháo gỡ khó khăn sang kiến tạo, dẫn dắt, yểm trợ. Cộng đồng DN Việt Nam cũng đang chuyển từ kêu ca sang hiến kế và chủ động thực hiện các chương trình đổi mới sáng tạo. Chúng ta đang có 2 bàn tay cùng vỗ lên thúc đẩy cho sự phát triển mới của nền kinh tế Việt Nam…” - Chủ tịch VCCI phát biểu.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng:

Doanh nghiệp chính là chủ thể, là lực lượng hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ

Phát biểu tại VBF giữa kỳ 2019, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đánh giá cao chủ đề Diễn đàn và khẳng định DN chính là chủ thể, là lực lượng hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ.

Theo Phó Thủ tướng: "DN có nguồn lực, ứng dụng khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất, cung cấp đầu vào, đầu ra cho sản phẩm. Nếu DN gắn lợi ích của mình với cộng đồng, chắc chắn sẽ trở thành động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển, mang lại lợi ích cho cả cộng đồng. Thông qua việc tuân thủ chuẩn mực về bảo vệ môi trường, đảm bảo bình đẳng giới, quyền lợi lao động, trả lương công bằng, đào tạo và phát triển nhân viên, phát triển cộng đồng,… DN đang thực hiện trách nhiệm xã hội của mình vì lợi ích chung cho DN cũng như sự phát triển của xã hội...”

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh trách nhiệm xã hội của DN trên 3 khía cạnh: kinh tế, pháp lý và đạo đức. Về khía cạnh kinh tế, DN cần cân đối giữa mục tiêu lợi nhuận với đối xử thỏa đáng với người lao động, tạo cơ hội để người lao động phát triển nghề và chuyên môn, thụ hưởng môi trường lao động an toàn, vệ sinh và đảm bảo quyền riêng tư, cá nhân ở nơi làm việc.

DN cũng cần tận dụng tiến bộ khoa học để phát hiện những nguồn tài nguyên mới, thúc đẩy tiến bộ công nghệ, phát triển sản phẩm; liên kết mạnh mẽ với khu vực trong nước để cung cấp hàng hóa và dịch vụ đảm bảo chất lượng, an toàn sản phẩm và cạnh tranh lành mạnh.

Về khía cạnh pháp lý, DN phải thực hiện đầy đủ những quy định về pháp lý đối với các bên liên quan thông qua việc tuân thủ những quy định về cạnh tranh, bảo vệ khách hàng, bảo vệ môi trường, thúc đẩy sự công bằng và an toàn, cung cấp những sáng kiến chống lại những hành vi sai trái. DN không thể tồn tại lâu dài nếu không thực hiện nghiêm túc trách nhiệm pháp lý của mình.

Về khía cạnh đạo đức, mặc dù đây không phải là những ràng buộc pháp lý, nhưng khía cạnh đạo đức của DN lại vô cùng quan trọng với cộng đồng. Đây là những hành vi và hoạt động mà xã hội mong đợi ở DN nhưng không được quy định trong hệ thống luật pháp. Do đó, những gì DN quyết định đúng, cùng chia sẻ lợi ích sẽ được xã hội công nhận, tôn vinh và ngược lại.

Thanh Thanh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/kinh-te/vbf-giua-ky-2019-tiep-tuc-cai-thien-moi-truong-kinh-doanh-vi-su-phat-trien-nhanh-va-ben-vung-458736.html