VBF giữa kỳ 2019: Nâng tầm trách nhiệm của doanh nghiệp với phát triển nhanh và bền vững

Phát triển nhanh và bền vững là một trong những yêu cầu cấp thiết của doanh nghiệp (DN) trong giai đoạn mới, theo hướng phải đảm bảo cân đối, hài hòa giữa các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường. Đây chính là chủ đề của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2019, diễn ra vào sáng ngày 26/6 tại Hà Nội, với sự tham gia của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và hơn 300 doanh nghiệp.

Nâng tầm trách nhiệm của DN

VBF là cơ chế đối thoại liên tục và chặt chẽ giữa Chính phủ Việt Nam với cộng đồng các DN trong nước và quốc tế, nhằm cải thiện các điều kiện kinh doanh cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của khối DN tư nhân, thuận lợi hóa môi trường đầu tư, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam.

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, VBF giữa kỳ 2019 lần này có một tâm thế khác. Nếu như trước đây, Diễn đàn tập trung nêu phản ánh vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình hoạt động để Chính phủ nhận diện và có cách thức để giải quyết ách tắc chính sách của mình, sau đó nâng tầm, đưa ra những tham vấn, kiến nghị, đóng góp vào việc xây dựng, hoạch định chính sách, những vấn đề đặt ra với nền kinh tế, thì Diễn đàn lần này phải chuyển sang một trạng thái mới cao hơn. Đó là nói về vai trò và trách nhiệm của DN trong quá trình phát triển của đất nước, nhất là phát triển nhanh gắn với bền vững.

Thực tế, trong thời gian qua, Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực, nhất là sự nhiệt huyết, năng động của người đứng đầu Chính phủ, quan tâm đến rất nhiều khía cạnh vấn đề của cộng đồng doanh nghiệp, tập trung tháo gỡ khó khăn, ách tắc. Theo báo cáo của các hiệp hội và các nhóm công tác của diễn đàn, mọi kiến nghị cộng đồng DN nêu lên từ diễn đàn trước đã được các cơ quan, bộ ngành Việt Nam hồi đáp. 60% các vấn đề kiến nghị nêu lên đã được giải quyết tích cực.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, sự nỗ lực đến từ một phía là chưa đủ. Cần có sự chủ động, tham gia tích cực của chính cộng đồng DN trong các hành động, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội và trong đầu tư, kinh doanh của Chính phủ.

Về phía DN, TS. Vũ Tiến Lộc - đồng Chủ tịch Liên minh VBF, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho hay, các DN đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc tạo lập một môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi hơn cho DN như kinh tế tăng trưởng tốt, vẫn đảm bảo được cân đối, ổn định kinh tế vĩ mô. Cải cách hành chính có bước tiến, tham nhũng từng bước được đẩy lùi, chi phí không chính thức giảm…

Hành trình của Chính phủ đang rất thành công trong việc chuyển đổi từ cởi trói, tháo gỡ khó khăn sang kiến tạo, dẫn dắt, yểm trợ. Cộng đồng DN Việt Nam cũng đang chuyển từ kêu ca sang hiến kế và chủ động thực hiện các chương trình đổi mới sáng tạo. Chúng ta đang có 2 bàn tay cùng vỗ lên thúc đẩy cho sự phát triển mới của nền kinh tế Việt Nam…” - Chủ tịch VCCI phát biểu.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo ông Vũ Tiến Lộc, môi trường kinh doanh trong nước vẫn còn có những điểm nghẽn. Trước những hạn chế còn tồn tại, Chủ tịch VCCI kiến nghị Chính phủ cần có những thay đổi mạnh mẽ hơn về thủ tục hành chính, đẩy mạnh việc cắt giảm gánh nặng thủ tục “hậu đăng ký” cho DN, đặc biệt, cần sự nhất quán, tránh tình trạng “mỗi nơi hiểu một kiểu”. Tăng cường minh bạch thông tin cho DN. Hơn nữa, để khơi thông nguồn vốn, Chính phủ cần sớm thúc đẩy ban hành luật về đối tác công tư, tạo điều kiện cho tư nhân tham gia vào các dự án lớn…

Ông Tomaso Andreatta - Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCharm) – cũng bày tỏ mong muốn những điều kiện kinh doanh thiếu rõ ràng và không cần thiết sẽ được loại bỏ, đơn giản hóa trong Quý III/2019 theo như Nghị quyết 02/NQ-CP.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cũng đề xuất giảm bớt gánh nặng tuân thủ thuế, tiếp tục cải cách pháp lý và duy trì sự ổn định cho các nhà đầu tư hiện tại…

Đây là lý do chúng tôi muốn nói về tầm quan trọng của việc cải thiện môi trường kinh doanh đối với “sự phát triển nhanh và bền vững” của khu vực tư nhân, những mong đợi đầu tư từ các DN tư nhân và vai trò ngày càng tăng của họ ở Việt Nam. Việc cải thiện môi trường kinh doanh sẽ thúc đẩy đầu tư của các bên tư nhân, góp phần vào sự phát triển hơn nữa của Việt Nam” – ông Nobufumi Miura- Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản (JCCI) nhấn mạnh thêm.

7 giải pháp cho phát triển bền vững

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao chủ đề của VBF giữa kỳ 2019. Đồng thời, tiếp tục khẳng định, trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới, DN mới thực sự là chủ thể; là lực lượng chính để thực hiện những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển nhanh và bền vững là chủ trương, quan điểm xuyên suốt và nhất quán của Chính phủ Việt Nam nhằm tránh tụt hậu và giảm khoảng cách giữa Việt Nam với các nước đang phát triển trong khu vực. Đây là những điều kiện đủ để Việt Nam phát triển trong thời gian tới.

Để giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng, ổn định xã hội, đảm bảo nâng cao chất lượng tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, các chính sách tài chính tiền tệ, phát triển công nghiệp thân thiện với môi trường, ưu tiên các sản phẩm xanh, đẩy mạnh ứng dụng các sản phẩm công nghệ cao...

Chính phủ sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp lớn. Trước hết là giữ vững môi trường vĩ mô ổn định, đây là nhân tố quyết định để huy động nhân lực cho đầu tư phát triển và cũng là một nhân tố quyết định cho sự phát triển bền vững.

Thứ 2 là tập trung tái cấu trúc mô hình kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng ổn định. Trong đó, tập trung vào tái cơ cấu đặc biệt là đầu tư công, tái cơ cấu DN nhà nước, tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng, tài cơ cấu các ngành nghề lĩnh vực, tập trung phát triển các ngành công nghiệp cốt lõi gắn với phát triển công nghiệp hỗ trợ để nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tái cấu trúc ngành năng lượng, thay vì phát triển những ngành năng lượng sử dụng nhiên liệu hóa thạch thì Việt Nam đang mạnh mẽ phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, khí thiên nhiên… đảm bảo sự phát triển bền vững” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cùng với đó, là tái cấu trúc các ngành các sản phẩm kinh tế gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Đồng thời, phát triển các đô thị thông minh, xanh thân thiện môi trường. Đây là nhiệm vụ và giải pháp chính phủ đang tập trung thực hiện trong điều kiện nguồn lực còn khó khăn.

Thứ 3 là ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ, hạ tầng giao thông, hạ tầng y tế, giáo dục, hạ tầng đô thị nhằm nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thứ 4 là chú trọng đến giáo dục đào tạo. Coi giáo dục đào tạo và phát triển công nghệ là quốc sách để Việt Nam tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và coi đây là là nhân tố quyết định cho sự phát triển và nhân tố cho tăng trưởng bền vững, đặc biệt là trong bối cảnh của cuộc cách mạng 4.0.

Thứ 5, Việt Nam tập trung các thể chế để tạo theo hướng tạo môi trường minh bạch hơn, cạnh tranh hơn, thông thoáng hơn để huy động các nguồn lực cho đầu tư cả trong nước và ngoài nước cho đầu tư phát triển. Đồng thời tập trung cải cách thủ tục hành chính, để giảm chi phí cho DN và người dân. Từ đó góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư sản xuất của DN.

Thứ 6 là tập trung phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, lấy DN là trung tâm. Khuyến khích thành lập các viên nghiên cứu tư nhân nhất là trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Khuyến khích DN đổi mới công nghệ, không sử dụng công cụ hành chính can thiệp vào hoạt động đổi mới sáng tạo của DN.

Thứ 7, Việt Nam tiếp tục tích cực hội nhập quốc tế. Đặc biệt là Việt Nam tham gia tích cực vào các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới song phương đa phương. Đây là môi trường để thúc Việt Nam đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững.

Thu Phương - Bùi Hùng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/vbf-giua-ky-2019-nang-tam-trach-nhiem-cua-doanh-nghiep-voi-phat-trien-nhanh-va-ben-vung-121552.html