Vay tỷ USD bằng vàng giả, Kingold Trung Quốc bị điều tra

Ủy ban đặc biệt của chính quyền tỉnh Hồ Bắc đang tiến hành điều tra về vụ lừa đảo vàng giả vay thế chấp 2,8 tỷ USD.

Trang web thị trường tài chính Zero Hedge mới đây tiết lộ thông tin, một ủy ban đặc biệt được thành lập bởi chính quyền tỉnh Hồ Bắc hiện đang điều tra vụ lừa đảo dùng vàng giả vay thế chấp 2,8 tỷ USD của công ty Kingold.

Công ty Kingold của Trung Quốc đang bị điều tra vì dùng thế chấp bằng vàng giả.

Công ty Kingold của Trung Quốc đang bị điều tra vì dùng thế chấp bằng vàng giả.

Trước đó, truyền thông quốc tế dẫn hai hãng luật Mỹ ngày 1/7 tuyên bố đại diện nhà đầu tư cùng đệ đơn kiện tập thể đối với Kingold Jewelry (công ty Trung Quốc có trụ sở ở Vũ Hán) làm giả 83 tấn vàng để vay trót lọt 2,8 tỉ USD.

Theo Rosen, đơn kiện của họ nhằm đòi bồi thường cho các nhà đầu tư của Kingold dựa trên luật chứng khoán liên bang Mỹ. Những cá nhân có thể đăng ký để Rosen đại diện là các nhà đầu tư vào Kingold từ ngày 15/3/2018- 28/6/2020.

Ngoài ra, các cá nhân, tổ chức muốn làm nguyên đơn đứng đầu phải đăng ký trước ngày 31-8-2020. Nguyên đơn đứng đầu có vai trò đại diện những nguyên đơn khác trong tập thể thực hiện vụ kiện.

Trong khi đó, đơn kiện của Bragar Eagel & Squire đã được đệ lên Tòa án quận Đông New York (Mỹ) với các điều kiện tương tự như Rosen.

Kingold là một trong những nhà sản xuất trang sức vàng lớn nhất Trung Quốc, có trụ sở tại thành phố Vũ Hán và đã niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán điện tử NASDAQ của Mỹ. Kingold hiện đã bị gạch tên khỏi sàn giao dịch vàng Thượng Hải.

Trong ngày 29/6, cổ phiếu của Kingold đã giảm giá 0,27 USD/cổ phiếu, tương đương với 24% và chốt hạ ở mức 0,85 USD/cổ phiếu.

Phía Kingold đã bác bỏ việc dùng vàng giả để vay mượn các tổ chức như công ty ủy thác Dân sinh Trung Quốc, ngân hàng Hoài Phong, công ty ủy thác Đông Hoản và ngân hàng Trương Gia Khẩu.

Vụ việc được cho là đã vỡ lở từ đầu năm nay kể từ khi Kingold tuyên bố vỡ nợ với công ty ủy thác Đông Hoản. Phía Đông Hoản đã tá hỏa sau khi thanh lý tài sản thế chấp của Kingold và phát hiện các thỏi vàng là giả.

Đa số khoản vay của Kingold được cho là đổ vào bong bóng nhà ở của Trung Quốc, một số khoản đầu tư trong đó còn bị tin chắc không thể thành công.

Ngoài ra, Kingold đã mua lại Tri-Ring, một công ty sở hữu nhiều khu đất tại Vũ Hán và Thâm Quyến, bằng tiền vay mượn.

83 tấn vàng hiện có giá trị khoảng 4,5 tỷ USD nếu là vàng thật. Số tiền này cũng rất lớn đối với Trung Quốc, một trong những thị trường bán vàng quan trọng nhất, tương đương với 22% sản lượng vàng hàng năm của Trung Quốc và 4,2% dự trữ vàng của nước này tính đến năm 2019.

Tuy nhiên, số vàng đã bị phát hiện thực chất chỉ là đồng được mạ vàng.

Theo Small Caps, đây không phải vụ bê bối đầu tiên về vấn đề này tại Trung Quốc. Năm 2016, lượng vàng dùng để thế chấp cho 19 tổ chức tài chính tại tỉnh Thiểm Tây nước này cũng bị lật tẩy là vàng giả, với lõi là Vonfram.

Báo cáo của Zero Hedge cho biết, vụ lừa đảo của Kingold phơi bày sự gian lận nhiều mặt ở Trung Quốc: tận dụng chủ nghĩa thân hữu đã tồn tại từ trước và kết nối với quân đội hùng mạnh của Trung Quốc. Chủ sở hữu Kingold là ông Jia Zhihong, một cựu quân nhân có thế lực tại Trung Quốc. Ông Jia từng phục vụ trong quân ngũ tại Vũ Hán và Quảng Châu. Ông có thời quản lý các mỏ khai thác vàng cho quân đội Trung Quốc.

Trang web chính thức của công ty cho thấy, Kingold được thành lập vào năm 2002 và là nhà sản xuất trang sức 24 carat hàng đầu tại Trung Quốc. Hiện Kingold đang cung cấp cho các nhà bán buôn lớn, cũng như hàng chục nhà bán lẻ vàng trên toàn Trung Quốc.

Vụ việc của Kingold đã ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của Trung Quốc trên thị trường kim loại quý thế giới. Business Today India cho hay, Trung Quốc được xếp hạng thứ 6 về trữ lượng vàng với tổng dự trữ là 1.948,30 tấn tính đến ngày 31/3/2020.

Mỹ dẫn đầu với tổng trữ lượng vàng là 8.134 tấn, tiếp theo là Đức và Ý với 3.364 tấn và 2.452 tương ứng.

Chuyên gia chê bai vàng, tin tưởng vào Bitcoin

Sau vụ việc, giới quan sát đã bắt đầu đặt câu hỏi, liệu còn có những khối vàng của Trung Quốc được làm giả hay không và chừng nào thì chúng mới bị phơi bày ra ánh sáng.

Kingold tạo nên sóng gió trên thị trường vàng Trung Quốc.

Tin tức về vàng giả của Trung Quốc đã được thảo luận rất nhiều trên phương tiện truyền thông xã hội. Saifedean Ammous, tác giả của cuốn sách nổi tiếng "Tiêu chuẩn Bitcoin: Phương pháp phân cấp thay thế cho ngân hàng trung ương" đã đặt câu hỏi đầy mỉa mai:

"Số vàng ước tương đương 20% sản lượng vàng hàng năm của Trung Quốc bị phát hiện là giả mạo. Trung Quốc là nhà sản xuất vàng lớn nhất thế giới. Có bao nhiêu vàng giả ngoài kia? Nguồn cung thị trường của vàng có thể tăng 5-15% mỗi năm vì tất cả chúng đều là vàng giả không?"

Jim Rickards, một chuyên gia của New York Times đã nói rằng: "Vấn đề với Vũ Hán không chỉ là họ nói dối về virus COVID-19, mà còn nói dối về vàng. Vũ Hán trông giống như trung tâm thế giới của các thỏi vàng giả".

Những người chơi bitcoin cũng tham gia vào các cuộc thảo luận về vàng giả, so sánh các thuộc tính của vàng với bitcoin.

Tyler Winklevoss của sàn giao dịch tiền điện tử Gemini nói: "Đây là lý do tại sao bitcoin là vàng 2.0. Về mặt toán học, chúng không thể làm giả được".

Giám đốc điều hành của sàn giao dịch tiền tệ kỹ thuật số Shapeshift, ông Erik Voorhees nhận xét:"Tôi là người ủng hộ vàng, nhưng một thuộc tính tiền tệ của bitcoin là chúng tự tay đánh bại vàng là 'có thể kiểm chứng'.

Với phần mềm miễn phí, bất kỳ con người (hoặc máy) nào cũng có thể xác minh tính xác thực của bitcoin. Nhưng xác minh vàng đòi hỏi phải có chuyên môn và thiết bị và khó có thể mở rộng quy mô".

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/vay-ty-usd-bang-vang-gia-kingold-trung-quoc-bi-dieu-tra-3409809/