Vay tiền y tá xây bệnh viện, thành phố ở Trung Quốc nợ nần chồng chất

Chính quyền thành phố Nhữ Châu, miền Nam Trung Quốc, đang chìm trong nợ nần sau nhiều năm chi tiêu vô tội vạ và đang tìm cách vay tiền các nhân viên làm công ăn lương.

Các bác sĩ và y tá địa phương nhận được lời kêu gọi trợ giúp cộng đồng đang gặp khó khăn, có điều vấn đề không phải y tế mà về tài chính.

Nhữ Châu, thành phố một triệu dân ở miền Nam Trung Quốc, rất cần một bệnh viện mới, ông chủ của họ nói.

Để chi trả cho bệnh viện, các nhà quản lý đã yêu cầu nhân viên y tế cho vay tiền. Nếu nhân viên không có tiền, họ được chỉ dẫn đến các ngân hàng vay tiền và sau đó chuyển tiền đến bệnh viện.

Một sân vận động thể thao được xây dựng ở Nhữ Châu, Trung Quốc, hiện là một phần của trung tâm thương mại điện tử hầu như chưa được sử dụng. Ảnh: New York Times.

Một sân vận động thể thao được xây dựng ở Nhữ Châu, Trung Quốc, hiện là một phần của trung tâm thương mại điện tử hầu như chưa được sử dụng. Ảnh: New York Times.

Theo New York Times, các bác sĩ và y tá của Trung Quốc được trả lương rất ít so với các chuyên gia y tế làm tại Mỹ. Nhiều người phàn nàn rằng họ cảm thấy áp lực khi phải trả nợ hàng nghìn USD mà họ không đủ khả năng đáp ứng.

Với vấn đề nợ nần, thành phố Nhữ Châu tiêu biểu cho hàng nghìn tỷ USD vay nợ đang đe dọa nền kinh tế Trung Quốc.

Nguy cơ phá vỡ hệ thống tài chính

Chính quyền địa phương đã vay trong nhiều năm để tạo việc làm và giữ cho các nhà máy hoạt động. Hiện tại, nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại với tốc độ yếu nhất trong gần ba thập kỷ nhưng Bắc Kinh lại siết chặt các nguồn vay để kiềm chế các vấn đề nợ nần.

Đáp lại, ngày càng nhiều thành phố Trung Quốc huy động vốn bằng cách sử dụng bệnh viện, trường học và các tổ chức khác. Họ thường sử dụng các thỏa thuận tài chính phức tạp, như thỏa thuận thế chấp hoặc tín chấp, điều các nhà quản lý ở Bắc Kinh không theo kịp.

Các quan chức địa phương từ lâu đã sử dụng chi tiêu lớn để giữ cho nền kinh tế phát triển. Nhữ Châu là nơi có một số dự án voi trắng (dự án đầu tư rất tốn kém để duy trì và khó có thể sinh lợi), bao gồm một sân vận động và khu liên hợp thể thao được chuyển thành trung tâm thương mại điện tử, hiện phần lớn bị bỏ hoang.

Một trung tâm hội nghị, hoàn chỉnh với khán phòng được xây dựng theo phong cách của Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh, đã góp phần gây ra các vấn đề nợ của Nhữ Châu. Ảnh: New York Times.

Các khoản nợ tiềm ẩn của các cộng đồng như Nhữ Châu là thách thức lớn với chính quyền. Chúng có thể phá vỡ hệ thống tài chính của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nếu gây ra phản ứng dây chuyền và lan sang các khu vực khác của đất nước, ảnh hưởng cuộc sống của người dân.

Không ai chắc chắn vấn đề có thể lớn đến mức nào. Bắc Kinh nói rằng tổng số là khoảng 2,5 nghìn tỷ USD. Vincent Zhu, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu Rhodium Group, đưa ra con số hơn 8 nghìn tỷ USD.

"Hãy tưởng tượng nền kinh tế là một con tàu giống như tàu Titanic. Các khoản nợ của chính quyền địa phương giống như các container hàng hóa chất đống trên boong tàu. Hiện đã có rất nhiều container chở hàng chất đống", ông Zhu nói.

Nhữ Châu, thị trấn được bao quanh bởi các mỏ than ở tỉnh Hà Nam, đã vay và chi tiêu phù hợp với các mục tiêu của chính phủ, điều này giúp đảm bảo rằng Bắc Kinh sẽ trả phần lớn chi tiêu.

Khi Bắc Kinh thúc đẩy môn điền kinh, thành phố đã xây dựng khu liên hợp thể thao, gồm sân vận động 15.466 chỗ ngồi, sân bóng rổ trong nhà và trung tâm hội nghị hoàn chỉnh với khán phòng được xây dựng theo phong cách Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh.

Khi công nghệ trở thành ưu tiên hàng đầu của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Nhữ Châu đã đặt lại tên cho khu liên hợp thể thao là Trung tâm Thương mại điện tử và Dữ liệu lớn, xây dựng phức hợp thương mại điện tử nhìn ra sân vận động. Hiện tại, các tòa nhà có sân bóng rổ và khán phòng trống để cho thuê tổ chức các sự kiện.

Kỹ thuật vay tiền

Ở Trung Quốc, việc xây dựng các loại dự án này đòi hỏi một số kỹ thuật tài chính. Chính quyền địa phương có quyền lực hạn chế về thu thuế và cho vay. Họ phụ thuộc vào việc nhận tiền từ chính phủ trung ương và bán đất cho các nhà phát triển. Điều đó không phải lúc nào cũng mang lại đủ nguồn tiền.

Để vay thêm tiền, nhiều nơi đã thành lập các công ty tài chính kiểu quỹ đầu tư được gọi là phương tiện tài chính của chính quyền địa phương. Chúng giúp gây quỹ cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn mà không phải ghi nợ công khai.

Công trường xây dựng khu phức hợp văn hóa gồm bốn tòa nhà, đối diện sân vận động và khu liên hợp thể thao. Ảnh: New York Times.

Năm 2008, khi chính phủ giải ngân gói kích thích kinh tế trị giá 586 tỷ USD để chống lại tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các ngân hàng quốc doanh đã mở dòng vốn và tiền chảy vào các quỹ này.

"Anh có thể ngồi tại bàn làm việc ở công ty của mình, các ngân hàng sẽ tìm đến và hỏi anh có cần tiền không", Gao Yinliang, phó giám đốc bộ phận tài chính của Ruzhou Culture Investment Limited, một trong các quỹ đầu tư, cho biết.

Sau đó, Bắc Kinh đã có sự thay đổi quan điểm. Hai năm trước, lo lắng về nợ chính phủ tiềm ẩn, các quan chức cấp cao đã yêu cầu chính quyền địa phương dọn dẹp chúng. Các quan chức Bắc Kinh kiểm soát hệ thống ngân hàng do nhà nước điều hành đã thắt chặt cho vay.

Với các hóa đơn phải trả, Nhữ Châu chuyển sang các ngân hàng tư nhân tích cực cung cấp tài trợ lãi suất cao cho các dự án công cộng liên kết với các bệnh viện thành phố. Thành phố đã rút các khoản vay trị giá hàng chục triệu USD và sớm gặp khó khăn trong việc thanh toán.

Các khoản nợ khó đòi

Bắt đầu từ cuối năm ngoái, các ngân hàng này đã kiện ba bệnh viện Nhữ Châu, Quỹ đầu tư Văn hóa Nhữ Châu và hai quỹ đầu tư khác của chính phủ, nói rằng họ đã không trả lại hơn 45 triệu USD vay nợ.

Vào tháng 8, Quỹ đầu tư Văn hóa và Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung Quốc đã được đưa vào danh sách đen của chính phủ, điều này sẽ hạn chế khả năng vay vốn hoặc ngăn chặn các loại giao dịch kinh doanh khác.

Sau khi các bệnh viện bị kiện, các nhà quản lý bắt đầu vay tiền từ các bác sĩ và y tá. Lãnh đạo các bệnh viện bị đặt chỉ tiêu huy động vốn vay từ nhân viên.

Khi công nghệ trở thành ưu tiên hàng đầu của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Nhữ Châu đã đặt lại tên cho khu liên hợp thể thao là Trung tâm Thương mại Điện tử và Dữ liệu lớn và xây dựng khu phức hợp thương mại điện tử nhìn ra sân vận động. Ảnh: New York Times.

Các bác sĩ và y tá tại bệnh viện y học cổ truyền Trung Quốc phàn nàn với một tờ báo địa phương rằng họ được yêu cầu nộp từ 14.000 đến 28.000 USD.

Tại Bệnh viện Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em Nhữ Châu, các y tá và bác sĩ cho biết họ phải đầu tư từ 8.500 đến 14.000 USD, theo các diễn đàn trực tuyến của chính phủ và truyền thông nhà nước.

Lãnh đạo một bệnh viện phủ nhận việc gây quỹ là bắt buộc, nói rằng tất cả đều là tự nguyện và chính sách của chính phủ đã bị hiểu nhầm.

Trong khi đó, không rõ các dự án dang dở của Nhữ Châu sẽ ra sao. Hàng chục dự án chỉ mới hoàn thành một nửa, tạo nên cảnh tượng ngổn ngang khắp thành phố.

Chẳng hạn, từ trung tâm thương mại điện tử, việc xây dựng dường như đã dừng lại ở một khu phức hợp văn hóa gồm bốn tòa nhà. Một biểu ngữ màu đỏ tươi treo trên một trong những tòa nhà với thông điệp khó hiểu "Bốn công trình kết nối cùng viết nên Giấc mộng Trung Hoa".

Tuyết Mai
Theo New York Times

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/vay-tien-y-ta-xay-benh-vien-thanh-pho-o-trung-quoc-no-nan-chong-chat-post1012031.html