Vay tiền Online – Xu hướng cần quản lý. Bài 2: Hướng đến thị trường tài chính lành mạnh, hiện đại

Trái ngược với nỗi lo lắng của dư luận trong nước về những hệ lụy của hình thức vay ngang hàng (P2P) gây ra, các dòng vốn ngoại liên tiếp đổ vào các công ty khởi nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, thị trường càng tiềm năng, biến tướng càng nhiều và khó lường.

Các hình thức cho vay trả góp bủa vây người dân. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Quản lý mang tính hệ thống là tất yếu, bên cạnh đó, làm thế nào để tận dụng ưu điểm của mô hình vay P2P cũng cần được các nhà làm chính sách tính đến.

Nhận diện những nguy cơ

Thống kê đến thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cho phép hơn 80 doanh nghiệp lĩnh vực Fintech được hoạt động, trong đó cấp giấy phép hoạt động chính thức cho 27 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, không có công ty nào trong lĩnh vực cho vay P2P.

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, những công ty hoạt động cho vay P2P chưa được NHNN cấp phép vẫn hoạt động như một định chế tài chính là vi phạm Luật Các tổ chức tín dụng. Trong khi đó, đại diện Ban Truyền thông của NHNN cũng khẳng định, hiện mô hình sàn cho vay P2P chưa có hành lang pháp lý. NHNN không cấp phép cho công ty nào hoạt động trong lĩnh vực này nên cũng chưa quản lý. Cũng giống như ứng dụng Uber, Grab, các công ty P2P kết nối người có nhu cầu vay vốn với người cần cho vay nên việc thẩm định, thỏa thuận về lãi suất vay là do 2 bên thỏa thuận, nếu có rắc rối xảy ra (như không trả được nợ) thì trách nhiệm hoàn toàn do người vay và cho vay giải quyết.

Trên thực tế, do chưa được cấp phép, nên các công ty hoạt động trong lĩnh vực này thường xin phép làm sàn cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hay dịch vụ môi giới. Rủi ro là có thể bị đóng cửa bất kỳ lúc nào. Cũng cần lưu ý, sàn cho vay P2P là đối thủ của các ngân hàng và công ty tài chính. Chắc chắn, những đơn vị này không để các sàn chưa có tư cách pháp lý giành lấy thị phần. Nguy cơ lớn hơn hết nằm ở người cho vay, bởi không được pháp luật bảo vệ. Khi hợp đồng cho vay được ký kết, đó chỉ là giao dịch dân sự. Khi đưa nhau ra tòa, người vay đồng ý khi nào có tiền sẽ trả là coi như… xong.

Việc thu hồi tiền vay thông qua thi hành án là rất khó, rủi ro mất vốn hiện hữu. Để bù lại rủi ro này, các công ty tài chính tiêu dùng thường đưa lãi suất lên đến 100%/năm, nhưng nếu là cá nhân cho vay, đó là hình thức cho vay nặng lãi, là vi phạm pháp luật.

Đối với người đi vay, rủi ro đến từ các trang web cho vay trực tuyến lợi dụng P2P để cho vay nặng lãi. Chưa hết, đa phần sàn vay P2P hiện chưa được thẩm định về độ bảo mật, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về an toàn trong khâu vận hành.

Mặt khác, số công ty hoạt động theo đúng nghĩa P2P là không nhiều, chủ yếu vẫn là các đối tượng tín dụng đen lừa đảo về lãi suất, phí núp bóng trang web quảng cáo cho vay tiền mặt trực tuyến. Mới đây, một sàn cho vay P2P đã cảnh báo đến khách hàng một hình thức lừa đảo, khi đối tượng gọi điện cho khách hàng để thông báo đã được duyệt vay, đồng thời yêu cầu người vay chuyển tiền vào tài khoản của họ vì các lý do như: phí đảm bảo khoản vay, phí rủi ro.

Ứng xử thế nào?

Liên quan đến loại hình cho vay này, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 vừa qua, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, cho vay trực tuyến biến tướng như báo chí phản ánh vừa qua là hình thức tín dụng đen. Để ngăn chặn hình thức cho vay này, trong quá trình tổ chức điều hành hoạt động hệ thống, thời gian qua NHNN đã liên tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định về cho vay. NHNN đã ban hành Thông tư số 39/2016 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, trong đó có các quy định về hoạt động cho vay tiêu dùng; ban hành văn bản riêng quy định về cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính.

Cũng theo bà Hồng, đối với tín dụng đen không thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của NHNN, nhưng cũng liên quan đến mảng quản lý trật tự an toàn xã hội và vi phạm pháp luật. Vì vậy, NHNN đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, nắm bắt tình trạng của “tín dụng đen”, báo cáo Chính phủ, kiến nghị để Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban, ngành có giải pháp quản lý chung.

Được biết, NHNN cũng đã thành lập ban chỉ đạo Fintech vào tháng 3-2017 nhằm đưa ra những giải pháp hoàn thiện hệ sinh thái, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Fintech ở Việt Nam phát triển. Ban chỉ đạo Fintech của NHNN đã hoàn thành báo cáo đánh giá về hệ sinh thái Fintech ở Việt Nam, đồng thời đề ra các nội dung trọng tâm của Fintech cần khẩn trương tập trung nghiên cứu.

Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, Trưởng ban chỉ đạo Fintech của NHNN, nhiệm vụ quan trọng nhất mà NHNN cần triển khai trong thời gian tới là tiếp tục nghiên cứu để trình Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng khuôn khổ pháp lý thử nghiệm (Regulatory Sandbox Framework). Khuôn khổ pháp lý thử nghiệm này sẽ tạo môi trường cho các doanh nghiệp Fintech thử nghiệm các sản phẩm mới dưới sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý, nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro cho khách hàng cũng như các bên liên quan khi sử dụng dịch vụ.

Chuyên gia ngân hàng Cấn Văn Lực chia sẻ, trong cách ứng xử với mô hình này, mỗi nước có cách tiếp cận khác nhau: có nước tự cho thị trường điều tiết, có nước đưa vào vào quản lý. Ở Việt Nam, loại hình này mới xuất hiện nhưng cũng cần sớm có khuôn khổ pháp lý để quản lý chính thống, chủ động, tránh gây hệ lụy lâu dài. Dịch vụ này không thể bóp nghẹt vì liên quan đến công nghệ xuyên biên giới. Cách tiếp cận có thể là thí điểm và học kinh nghiệm quản lý của các nước đã làm.

Do tính phức tạp, nhiều nước cũng cho tiến hành thí điểm để: vừa làm, vừa học, vừa quản lý, vừa hoàn thiện.

“Ở Việt Nam, theo tôi được biết, NHNN cũng đang nghiên cứu để đưa ra quy định nhưng vì đây là mô hình mới, lại gắn với công nghệ và đi kèm theo đó vừa là tiền thật, tiền ảo nên cách tiếp cận cần thận trọng. Cách tiếp cận thận trọng nhưng không thể cấm đoán. NHNN nên vừa xây dựng hành lang pháp lý vừa khuyến cáo kịp thời cho người dân”, ông Lực nói.

Ngoài ra, hiện nay Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) cũng đang mở rộng nguồn dữ liệu, tiếp cận các nguồn dữ liệu thay thế nhằm cung cấp thêm các thông tin cần thiết về lịch sử tín dụng của hàng chục triệu khách hàng. “Bên cạnh việc hỗ trợ của CIC, các công ty tài chính cũng cần rà soát quy trình nội bộ nhằm hạn chế thấp nhất các rủi ro”, đại diện CIC khuyến cáo.

NHÓM PV

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/vay-tien-online-xu-huong-can-quan-ly-bai-2-huong-den-thi-truong-tai-chinh-lanh-manh-hien-dai-551152.html