Vẫy tay bến khoái!

Thường, những gót chân lữ hành ưa ngược xuôi muôn nẻo luôn sẵn có vài ba bến chờ, bến đợi khắp trong ngoài nước. Còn tôi, lại mê xuôi về thăm những bến nước lợ miền Tây.

Trước nay, phong thổ miền Nam vốn được thiên nhiên ưu ái hơn các miền ngoài. Sông rạch chằng chịt như mạng nhện đan xen.

Bao năm, sông nước miền Tây cứ lững lờ trôi. Lắm khi, chúng lờ đờ nước hến, trông chẳng đẹp mắt chút nào so với những bãi tắm long lanh màu ngọc bích của Nha Trang hay Phú Yên thơ mộng.

Chộn rộn, bến sông xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, ngày con nước kém.

Chộn rộn, bến sông xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, ngày con nước kém.

Còn “bụng dạ” mấy chùm sông rạch miệt này, vẫn “cạn hều”.

Mặc dù vậy, cũng khó đoán định lắm. Bởi, những luồng lạch ấm - lạnh, các xoáy nước lúc mạnh khi yếu vẫn thường ẩn mình dưới đầu doi hoặc cuối vàm… Chưa kể, chúng bất thần dời điểm “phục kích” xuồng, ghe.

Chúng “rắp tâm” hành hạ con dân bản địa. Ấy vậy mà, vẫn có nhiều người gắn bó, thủy chung với bao nghề hạ bạc: câu kéo, chày lưới…

Rồi tất cả hội tụ về những bến sông, bến đò… Nơi có thể giao thương mua bán, đổi chát từng mớ cá bống trứng, cặp cá ngát chửa gần bằng cổ chân người lớn, do những ngư dân tay chân đen nhẻm vừa lặn hụp bắt được…

Và chính nơi đó, họ có thể trút bỏ vận xui bằng vài cặp vé số (mua chịu) cầu may. Hoặc rủng rỉnh hơn thì nâng ly bia con cọp cho… mát lòng chủ quán, cũng cạnh đấy.

Hả hê gió sông

Bữa đó, cậu Sáu Nên thổ địa ở xóm cù lao Long Hựu (huyện Cần Đước, tỉnh Long An) niềm nở rủ chúng tôi ghé lại quán Bảy Quang, gần cảng quốc tế và sát bến đò xã Tân Tập (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An).

Dễ thương!, mô hình thuyền già cõng quán.

Thời may, gặp ghe đóng đáy của vợ chồng người cháu ruột ông Sáu, vừa cặp bến sau nhà. Ông vội “xẹt ra, hốt liền” hơn 1 ký cá khoai tơ. Tươi rói. Hối hả ra xe gắn máy, chạy vù đến điểm tập kết, như đã hẹn với chúng tôi.

Đến nơi, chưa ngồi xuống ghế, ông đã hiến kế ngay: “Kêu mực rừng (bạch tuộc) nhúng lá me. Rồi mình “ké” (ăn theo) mớ cá khoai này.”

Đầu bếp ở đây, chuyên nấu các món dân dã: hấp, nướng, kho, lẩu.

Ra bàn, mấy con bạch tuộc còn ngoe nguẩy chùm râu xanh đen, mình lớn gần bằng ngón chân cái. Nhúm lá me xanh dịu màu lá mạ, tươi nguyên không kém. Nói chung, cả mực và cá đều “ngon nhức răng”!

Ngộ đời hơn, bàn bên cạnh chúng tôi đầy dẫy thức ăn so với lượng thực khách hiện hữu, gần 10 người. Thực đơn cũng lạ, thịt nhiều hơn cá (heo quay, lòng + dồi thập cẩm, cánh gà chiên nước mắm…).

Anh Bảy, chủ quán, trịnh trọng thì thầm: khách “mứt” (VIP) quen. Họ đặt trước, bởi thích ăn ở đây sát sông nước mát mẻ hơn trong thị trấn. “Chỉ khách “mứt” hay mối ruột tui mới chiều! Nếu không, xin miễn!”, anh Bảy cười méo xẹo phân bua.

Tréo cẳng ngỗng hơn nữa, bữa đó nhằm con nước kém mà người cháu cậu Sáu đóng lưới đáy khá trúng, thu được gần bốn triệu đồng. (Thường lệ, chính vụ của lưới đáy vào những ngày con nước rong, khoảng các ngày: Rằm - Mười Sáu, Ba Mươi - Mùng Hai, âm lịch).

“Thời buổi này, phải hạ đáy kiểu du kích mới có ăn”, ông Sáu khe khẽ giải thích. Thì ra, vào mấy ngày con nước rong, rác thải từ cụm công nghiệp phía cảng Vàm Láng (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) bị đẩy ra sông Soài Rạp “lềnh khênh”, khiến đám cá tôm “chạy tét”.

Với lại, lượng “cá mắm” ngày càng “mỏn” (ít dần), còn các phương tiện đánh bắt vẫn cứ rầm rộ. Cho nên, ngư phủ “cao tay” là, đợi người khác nghỉ thì họ mới làm.

Tuy nhiên, vẫn có vài điểm trừ cho cái quán nhà sàn thoáng mát này. Chẳng hạn, không thấy sọt đựng rác đặt dưới chân bàn. Và thực khách thì vô tư vứt xác khăn giấy, xương xẩu thẳng xuống bãi bần bên cạnh. Đội ngũ nhân viên phục vụ còn mỏng, nên chậm.

Tất nhiên, quán xá miền hạ không chỉ có một “anh chột làm vua xứ mù”.

Chịu khó chạy ra lại quốc lộ 50, bò lên cầu Mỹ Lợi, thẳng tiến khoảng 4 - 5km nữa - hướng về thị xã Gò Công, hỏi thăm đường vô quán “Bà Tẻ”, dân địa phương sẽ chỉ dẫn tận tình.

Thơm ngon, từng miếng phi lê cá dứa “cụ” nhúng giấm.

Nằm ngay ngã ba sông Vàm Cỏ Đông với Soài Rạp, nên không gian quán này có vẻ rộng mở hơn. Từ mép đê phía sau quán, nhìn thẳng mút mắt, lữ khách sẽ bắt gặp vài chiếc đò ngang chở gần chục khách bộ hành lẫn người đi xe máy. Mũi đò, khi nhấp nhô, lúc lừ đừ trên làn sóng đục màu nước cơm gạo lứt hơi nhạt.

Tiếng máy dầu nổ nghe tành tạch, tành tạch- bồng bềnh trôi giữa mênh mông sóng nước bạc đầu. Cũng từ đây, nếu nhìn chếch cỡ 30 độ C, bạn sẽ thấy những vệt xanh mờ nhạt hơn từ “chóp đầu” của cánh rừng phòng hộ (các cây: cốc, bần, đước, sú…) tận xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, TP.HCM.

Đến hẹn lại lên, khi cơn gió chướng đã tỏ đường đi lối về, khoảng gần cuối tháng Mười âm lịch, cũng mở màn mùa câu cá dứa “cụ” của ngư dân ở đây.

Tê tái cái ngon của cá dứa "cụ"

Những con cá dứa nặng từ 3 - 8kg/con, lần lượt trình diện chị Tẻ, trong nửa tháng gần đây. Điểm khác biệt căn bản giữa cá dứa so với đám “đàn em” cá tra, cá hú là: phần rìa vây đuôi ánh màu vàng cam lóng lánh, hai bên hông nổi rõ 2 đường rãnh chạy dài từ chỗ gần vây mang đến gần chót đuôi. Mắt cá dứa to tròn tựa cá tra bần. Còn cá bông lau mắt hơi ti hí và nhỏ hơn gần phân nửa, khá giống với mắt cá hú, cùng trọng lượng.

Tặng phẩm của sông rạch Soài Rạp: cá dứa tươi rói.

Được biết, mồi để cánh thợ câu dùng nhử những “lão” dứa già đời là, con trùn rơm có tẩm bài thuốc Bắc bí mật - nổi rõ mùi hăng nồng của: hồi, quế.

Trong đêm tối, chao đảo giữa dòng nước đục, màu trắng tươi như cơm dừa nạo của thân trùng rơm sẽ dễ bắt mắt con mồi hơn. Còn nhóm gia vị giúp lưu hương mạnh, có nhiệm vụ dẫn dụ khứu giác con mồi từ xa vài ba chục mét.

Dài vòng như thế, để quí độc giả hay biết nghề câu cá dứa ở đây đã được nâng lên tầm nghệ thuật dụ khị - vì chén cơm manh áo.

Được biết, giá thương phẩm hàng cá dứa lớn vừa kể không dưới 300.000đồng/kg (mua vô). Bán ra thành món tại quán vừa nêu, dao động tầm 380.000 - 400.000 đồng/kg.

Và có thể nói, trong hàng ngũ da trơn có hình dáng na ná giống nhau (bông lau, dứa, hú, tra…) con dứa được liệt vào hàng á hậu. Nó chỉ lép vế đôi chút so với mỹ ngư bông lau.

Dứa càng lớn, càng ngậm mà nghe!

Thế nên, một khi gặp nguyên liệu chính ngon thấu trời rồi thì khâu chế biến sẽ trở nên dễ thở hơn nhiều, với những đầu bếp miệt vườn.

Gói trọn tình quê!

Xòe bốn ngón tay, em tiếp thực ở quán chị Tẻ nói nhanh về thực đơn dứa có đuôi: hấp (với hành, gừng), nướng (ướp muối ớt), cháo, lẩu (nhúng giấm, lẩu mắm, lẩu Thái).

Thưởng cá nhớ… heo

Bữa đó, chúng tôi chọn món tả - pín - lù (nhúng giấm), để có thể tiện bề nhúng bồi đám hải sản khác (tôm sú biển, cua gạch, ốc móng tay đại…), nếu thích.

Nhớ đời nhất là phần nây (bụng) cá, trắng tươi như trứng gà bóc. Rón rén cắn vào, nghe giòn giòn, béo thanh đậm nhưng không hề gây ớn ngán, hương vị khá giống với mỡ con heo cỏ “mù” thức ăn công nghiệp. Quả thật, thú vị không kém nụ hôn đầu!

Nây cá, buông đũa còn thèm.

Lúc nhúng vào nồi giấm (đã pha gia vị vừa ăn gồm: đường, bột ngọt, muối…) đang sôi lục bục, miếng cá lẫn phần mỡ dần ưỡn mình, cong cớn.

“Chín chưa!”, cô bạn đồng nghiệp đi cùng không đủ kiên nhẫn chờ đợi đến phút thứ 10, kêu la ầm ĩ.

Thịt cá ngọt đậm, chắc dẻo hơn cả cá bông lau cùng trọng lượng (3kg). Có lẽ, do thường tung tăng trong vùng nước xoáy nên thịt cá săn chắc hơn.

Và như đã nói, chất lượng thủy sản trong môi trường nước lợ luôn vượt trội hơn vùng nước ngọt. Chắc do nhờ hệ phiêu sinh ở đây đặc biệt hơn. Thực tế đã chứng minh rằng, các đầm nước lợ của Huế (Cầu Hai), Phú Yên (Ô Loan)… đã hun đúc nên những con cá bống mú, cá nâu, sò huyết… mập ú, từng hớp hồn bao du khách sành ăn trong ngoài nước.

Còn nếu lấy miếng thịt hoặc mỡ cá nhúng giấm làm nhưn (nhân), cuốn cùng nhiều loại rau cải xanh non (cải ngọt, dưa leo, xoài bằm, húng quế…). “Áo quần” là, mấy lớp bánh tráng mềm dẻo, rồi chấm vào dĩa nước mắm y lấm tấm sả bằm + điểm hồng ớt hiểm giã hoặc chén mắm nêm thơm nồng, sẽ dệt nên một bản hợp tấu nồng nàn, da diết theo kiểu khác.

So với quán Bảy Quang, nhân viên quán này phục vụ niềm nở hơn. Có nhiều chòi lá đơn lẻ để từng nhóm khách gia đình hoặc các cặp đôi tiện bề lựa chọn.

Cần chợp mắt, sẵn có những chiếc võng trống đợi chờ (miễn phí). Gặp con nước lớn, gió thổi lồng lộng. Và những tiếng tành tạch, bành bạch từ động cơ máy nổ của các phương tiện đánh bắt sát mé sông, nhiệt tình tấu nên khúc nhạc sông nước thật đôn hậu, nhẹ nhàng “ru em vào mộng”.

Và chắc nịch, ngọt đậm thịt những chú tôm càng lóng nước lợ, mùa này.

Những nhân viên phục vụ ở đây cho biết, thường lượng khách đến quán nườm nượp vào các ngày cuối tuần. Chủ yếu là khách ở xa: Long An, TP.HCM, Bình Dương… Lẽ dĩ nhiên, những lúc ấy thức ăn ra bàn chậm (cỡ khoảng 25 - 30 phút mới có) là chuyện thường.

Quán xá mà! Không thể mười phân vẹn mười được. Song, điều níu kéo để họ chịu khó quay lại lần hai là, cả một bến sông rộng mở. Tạm gọi: bến khoái vậy!

Bài, ảnh: Tạ Tri

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/vay-tay-ben-khoai-12051.html