Váy quan tài gây chú ý trên sàn diễn thời trang

Nhà mốt Guo Pei mất nhiều năm để tạo nên các tác phẩm nghệ thuật mang thông điệp về cái chết trong Tuần lễ thời trang Haute Couture 2019.

Tối 4/7, nhà mốt Guo Pei đã trình làng 28 thiết kế trong BST Haute Couture 2019, với thông điệp về sự sống và cái chết. Điểm ấn tượng nhất trong show diễn đến từ sự xuất hiện của người mẫu trong bộ váy lấy cảm hứng từ chiếc quan tài được trang trí hoa xung quanh, cùng chú quạ đen trên bàn tay. Theo chia sẻ của nhà thiết kế, bộ váy tiêu tốn hơn 100 giờ với sự đính kết tỉ mỉ của các nghệ nhân lành nghề.

Tối 4/7, nhà mốt Guo Pei đã trình làng 28 thiết kế trong BST Haute Couture 2019, với thông điệp về sự sống và cái chết. Điểm ấn tượng nhất trong show diễn đến từ sự xuất hiện của người mẫu trong bộ váy lấy cảm hứng từ chiếc quan tài được trang trí hoa xung quanh, cùng chú quạ đen trên bàn tay. Theo chia sẻ của nhà thiết kế, bộ váy tiêu tốn hơn 100 giờ với sự đính kết tỉ mỉ của các nghệ nhân lành nghề.

Mượn định nghĩa của triết gia Henry Corbin: "Biểu tượng là những vật được cắt làm đôi", hai người mẫu mở màn trong một chiếc váy được cắt làm đôi, với chi tiết đính lông hình bầy quạ đen dang cánh biểu tượng cho sự sống và cái chết trong kinh thánh.

Câu chuyện về loài quạ được Guo Pei tô điểm trên những bộ váy đính kết tinh xảo lấy cảm hứng từ bộ phim Nga Sedmero krkavců - Bảy con quạ.

Nhà thiết kế nói về thông điệp của BST trên tạp chí Vogue: "Khi tôi còn là một đứa trẻ, tôi thường nghĩ về cái chết. Chúng ta rồi sẽ đi đâu và nghĩ rất nhiều về điều này".

Trong một số thiết kế, Guo Pei đã thể hiện sự tinh tế bằng cách thay hình ảnh "Mặt trời" bằng hình tròn, sắc vàng tỏa ra các hướng khác nhau.

Nhà mốt còn khéo léo khi lồng ghép hình tượng rồng châu Á và châu Âu trên từng thiết kế, nhằm thể hiện sự hòa quyện giữa nền văn hóa phương Đông và phương Tây.

Trang phục có phom dáng dựng phồng, chất liệu từ thiên nhiên cũng không kém phần độc đáo. Những tấm vải được dệt từ lá dứa với công đoạn xử lý công phu. Người thợ sử dụng miếng sứ chà lên thân lá dứa để thu hoạch phần thớ sợi nhằm tạo thành những miếng vải.

Hình ảnh những chú quạ, rồng hay các loài động vật châu Á chính là điểm nhấn trên các thiết kế mang phom dáng cổ điển thế kỷ 17, 18. Mẫu trang phục đều được làm bằng lông vũ và vải dệt thủ công có chất liệu thiên nhiên.

BST của Guo Pei được giới chuyên môn đánh giá cao về sự nghiên cứu, gìn giữ chất liệu truyền thống Trung Hoa và biểu tượng văn hóa trên khắp thế giới.

Thiên Minh
Ảnh: Vogue

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/vay-quan-tai-gay-chu-y-tren-san-dien-thoi-trang-post963832.html