Vay qua App, thiếu nữ Đồng Nai tự tử: Chế tài 'triệt' tín dụng đen online?

Nhiều người đã bị truy bức khủng bố, đe dọa tinh thần đến mức phải tự tử khi vay tín dụng đen qua App. Dư luận đặt câu hỏi, chế tài 'triệt' tín dụng đen online?

Thời gian qua, tình trạng App cho vay tiền núp dưới hình thức “tín dụng đen”, cho vay với lãi suất “cắt cổ” kéo theo nhiều hệ lụy khôn lường, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, gây bức xúc dư luận.

Nhiều người bị đẩy đến đường cùng đã tìm đến cái chết như trường hợp con gái bà Trương Thị Ngọc Bích ở TP. Biên Hòa (Đồng Nai). Cuối tháng 3/2020, cô gái N.N.H mới 23 tuổi được phát hiện tự tử tại phòng ngủ. Trong bức thư tuyệt mệnh để lại, cô gái có đề cập đến việc vay tín dụng đen qua App trên mạng Internet. Không có khả năng trả nợ, cô bị đe dọa liên tục nên phải tìm đến cái chết để được giải thoát.

Nhiều thủ đoạn đe dọa khủng bố tinh thần con nợ. Ảnh: VNN

Nhiều thủ đoạn đe dọa khủng bố tinh thần con nợ. Ảnh: VNN

Giống như chị H., anh K. (27 tuổi, quê Cần Thơ, giảng viên một trường cao đẳng ở Kiên Giang) cũng bị đẩy đến đường cùng phải tự tử khi vay tiền qua App. Đầu năm 2020, anh K. vay 5 triệu đồng của một App “tín dụng đen”, sau đó do không có tiền đóng nên vay của nhiều app khác để thanh toán tiền vay. Đến tháng 4/2020, số tiền gốc lẫn lãi suất vay của các app lên đến 200 triệu đồng. Liên tục bị khủng bố, đòi nợ, ngày 10.5 anh K. tìm đến cái chết.

Đáng chú ý, khi các nạn nhân chết đi, gia đình họ vẫn bị các đối tượng cho vay tiền qua App khủng bố đe dọa.

Những vụ việc trên cho thấy, vay tiền qua App đã gây ra nhiều hệ lụy. Vậy chế tài nào “triệt” tín dụng đen online?

Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, nhu cầu vay tiền rất lớn, trong khi vay ngân hàng nhiều thủ tục và không ít người không đủ điều kiện vay. Do đó, đây là mảnh đất màu mỡ của tín dụng đen qua App và nhiều người đã trở thành nạn nhân.

Luật sư Cường cho biết, Việt Nam có nhiều quy định để ngăn chặn hoạt động cho vay nặng lãi, tránh việc bóc lột từ các quan hệ dân sự.

Theo đó bộ luật dân sự 2015 quy định lãi suất cho vay do hai bên thỏa thuận nhưng không quá 20 % một năm đối với khoản vay. Đối với những lãi suất vượt quá mức quy định nêu trên được gọi là nặng lãi và pháp luật không thừa nhận.

Trường hợp cho vay nặng lãi mà mức lãi suất quá 5 lần mức cao nhất mà nhà nước quy định đồng thời hưởng lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên hoặc đã bị xử phạt hành chính, người cho vay lãi nặng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 201 Bộ luật hình sự năm 2015.

Thời gian qua rất nhiều địa phương ra quân truy quét, triệt phá các băng nhóm cho vay nặng lãi, theo đó rất nhiều băng nhóm cho vay nặng lãi phải đòi nợ theo kiểu xã hội đen đã bị triệt phá. Tưởng rằng xã hội sẽ bình yên, nhiều người dân sẽ không rơi vào cảnh nợ nần túng quẫn, kiệt quệ thì các đối tượng cho vay nặng lãi đã biến tướng, sử dụng công nghệ thông tin thực hiện hành vi cho vay nặng lãi.

Thời gian qua có rất nhiều các App cho vay tiền trên mạng internet. Chỉ cần chụp ảnh chứng minh thư và cung cấp một vài thông tin, trong vòng vài phút là người vay có thể nhận được tiền.

Tuy nhiên những đối tượng này tính lãi suất rất cao có thể lên đến vài 100 %/năm, phần lớn những người vay tiền đều là những người dân nghèo, công nhân, học thức thấp, thiếu hiểu biết pháp luật nên không biết tính lãi suất hoặc vì khó khăn mà phải chấp nhận trả mức lãi suất rất cao.

Đến khi không trả được nợ, các đối tượng gọi điện khủng bố đối với nạn nhân và đối với người thân, gia đình, cơ quan nơi làm việc của nạn nhân. Thời gian gần đây nhiều đối tượng còn yêu cầu người vay tiền cung cấp mật khẩu iCloud của iPhone, iPad thì mới cho vay tiền. Trong trường hợp người vay không trả đúng hạn, các đối tượng này sẽ truy cập vào tài khoản iCloud của người vay, lấy thông tin bí mật đời tư cá nhân, điện thoại người thân của người vay để khủng bố.

Những hành vi khủng bố về tinh thần như vậy khiến cho người vay rất mệt mỏi nếu không trả tiền cho bọn chúng, nhiều người đã khuất được mà tự tử hoặc có những hành động dại dột ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, hạnh phúc gia đình, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Có lẽ những hình thức tra tấn về tinh thần như vậy còn tàn khốc hơn rất nhiều lần các hành vi đòi nợ trong đời sống xã hội nhiều người đã không chịu nổi và phải tìm đến cái chết.

Trong những trường hợp như thế này, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể xử lý các đối tượng về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và tội đe dọa giết người, tội xâm phạm thư tín, điện tín, tội làm nhục người khác, tội cưỡng đoạt tài sản và các tội danh khác theo quy định của bộ luật hình sự tùy thuộc vào hành vi cụ thể.

Tuy nhiên việc xử lý các đối tượng cho vay qua mạng internet đang gặp nhiều khó khăn do thiếu sự hợp tác của người vay tiền, các đối tượng cho vay thường ẩn danh, những người vay tiền thường là những người thiếu hiểu biết pháp luật nên bị dọa nạt, không dám tố cáo hoặc không lưu giữ được chứng cứ làm cơ sở để tố cáo.

Còn đối với những hành vi đòi nợ theo kiểu ném chất bẩn vào nhà phải đến đe dọa uy hiếp phải đập phá tài sản, có thể xử lý hình sự các đối tượng này về các tội gây rối trật tự công cộng, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản phải cưỡng đoạt tài sản, cướp tài sản tùy thuộc vào hành vi cụ thể.

Luật sư Đặng Văn Cường.

Hoạt động tín dụng đen trên mạng internet đã gây nhức nhối trong xã hội khiến rất nhiều người lâm vào cảnh túng quẫn phát tán tài sản, tan vỡ hạnh phúc gia đình, nhiều người lâm vào đường cùng, nghĩ quẩn mà tự tử. Vấn đề này cũng đã được nhắc đến trong nghị trường Quốc Hội và là nỗi ám ảnh đối với rất nhiều người lao động nghèo. Bởi vậy đã đến lúc Chính phủ, Bộ Công an cần có những kế hoạch, phương án chỉ đạo quyết liệt cho các địa phương sớm ra tay dẹp loạn cho vay lãi nặng trên mạng internet. Cần phát hiện, xử lý nghiêm minh các đối tượng cho vay lãi nặng bằng các chế tài hình sự thì mới đảm bảo ổn định trật tự xã hội.

Ngoài ra, các quỹ tín dụng, ngân hàng cần có phương án quan tâm đến nhóm đối tượng có nhu cầu vay tín chấp hoặc thế chấp với những món tiền nhỏ để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Trao đổi với báo chí, chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim, nguyên Giám đốc chiến lược Ngân hàng bang Vaud (Thụy Sỹ) cho rằng, để hạn chế hoạt động của tín dụng đen, đầu tiên cần tăng cường công tác truyền thông, phổ biến pháp luật, phổ biến kiến thức tài chính tín dụng cho người dân, cảnh báo về những hậu quả có thể xảy ra.

Đồng thời, cần soạn lại luật tín dụng, áp dụng cho bất cứ tổ chức nào cho vay cho mượn, với tín dụng đen hoạt động bất hợp pháp phải có chế tài rõ ràng và đủ sức nặng răn đe. Hoàn thiện thể chế, để khuyến khích các tổ chức tín dụng hoạt động trên lãnh vực thẻ tín dụng, cho vay online, vay ngang hàng,... Sửa lại luật phá sản, áp dụng cho cả cá nhân…

Mời độc giả xem thêm video Triệt phá đường dây tín dụng đen:

Nguồn VTV

Tâm Đức

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/vay-qua-app-thieu-nu-dong-nai-tu-tu-che-tai-triet-tin-dung-den-online-1462421.html