Vay nóng và những hệ lụy (Kỳ cuối: Nghiêm trị các đối tượng cho vay lãi nặng)

Không riêng gì Ninh Thuận, tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, hoạt động tín dụng đen len lỏi đến tận khu phố, nóc nhà, gây ra nhiều bất ổn cho xã hội.

Không riêng gì Ninh Thuận, tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, hoạt động tín dụng đen len lỏi đến tận khu phố, nóc nhà, gây ra nhiều bất ổn cho xã hội. Đáng lo ngại nhất là thời gian gần đây, nhiều đối tượng ở các tỉnh phía Bắc như Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình... đến các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên để tổ chức hoạt động cho vay lãi nặng. Thủ đoạn của số đối tượng này là in tờ rơi, có lưu số điện thoại với nội dung “Tiền! Gọi là có”. “Giải ngân trong 5 phút”. “Không cần thế chấp” để dán ở nơi công cộng như tường rào, trụ điện, chợ... Khi người vay có nhu cầu liên lạc, số đối tượng này nhanh chóng tiếp cận để thẩm tra khả năng tài chính. Sau khi biết được nơi ăn chốn ở, hoàn cảnh gia đình, chúng sẽ cho vay không cần thế chấp với lãi suất “cắt cổ” tính theo ngày hoặc tuần. Nhiều trường hợp vì túng quẫn, cần tiền gấp để giải quyết việc gia đình nên nhắm mắt vay mà không lường được hậu quả về sau. Đến hạn không trả được nợ, các đối tượng cho vay tính kiểu lãi mẹ đẻ lãi con và tìm mọi cách để thu hồi, đẩy con nợ vào thế nhẹ thì bán nhà, nặng thì bỏ trốn.

CQĐT CATP Phan Rang - Tháp Chàm làm việc với Dương Quang Hợp.

Mặc dù biết hậu quả cho vay lãi nặng là nguy hại cho xã hội, song việc đấu tranh, xử lý số đối tượng này là hết sức khó khăn. Bởi lẽ, các đối tượng phạm tội thường lách luật bằng các thủ đoạn hết sức tinh vi, một khi con nợ tố cáo đến cơ quan chức năng thì cũng không đủ cơ sở để xử lý. Trước thực trạng này, ngoài công tác tuyên truyền để người dân hiểu về hậu quả của việc vay lãi nặng, nhiều địa phương đã có phương án đối phó hết sức hiệu quả. Đơn cử như tại Ninh Thuận, CATP Phan Rang-Tháp Chàm (PR-TC) chỉ đạo CA các phường tăng cường công tác nắm tình hình, tổ chức ra quân xử lý số đối tượng có hành vi dán quảng cáo cho vay ở nơi công cộng. Ngoài ra, lực lượng CSHS còn tăng cường áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, bắt, khởi tố số đối tượng cho vay lãi nặng theo quy định pháp luật.

Mới đây, Cơ quan CSĐT CATP PR-TC truy tố Dương Quang Hợp (1986, trú xóm 4, xã Ân Hòa, H. Kim Sơn, Ninh Bình) về hành vi “Cho vay lãi nặng”. Cụ thể, khoảng tháng 4-2017, Hợp từ Ninh Bình vào Ninh Thuận và bắt đầu đi in những tờ giấy có nội dung “Ngân hàng cho vay trả góp thủ tục đơn giản: Hộ khẩu+CMND gốc. Vay từ 3 triệu đến 30 triệu, LH: 0935540314”. Sau đó, Hợp cùng bố là Dương Văn Hoan đi dán trên các trụ điện, tường rào ở các tuyến đường trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Đến khoảng giữa tháng 5-2017, bắt đầu có người gọi điện thoại cho Hợp hỏi vay tiền. Hợp trực tiếp đến nhà để tư vấn cho vay rồi yêu cầu người vay đưa ra CMND và sổ hộ khẩu gốc, hỏi nghề nghiệp hiện tại, thẩm tra tài sản của họ để làm căn cứ cho vay tiền.

Hằng ngày, Hợp trực tiếp hoặc thuê người đến nhà con nợ để thu tiền. Nếu người vay không trả đúng hẹn thì Hợp sẽ cùng đồng bọn đến nhà hành hung, siết tài sản, xịt sơn chữ “trốn nợ” để buộc phải trả tiền. Qua công tác nắm tình hình, CATP PR-TC vào cuộc điều tra và xác định, Hợp đã cho 24 người vay với số tiền hàng trăm triệu đồng, lãi suất 24,6%/tháng, thu lợi bất chính 72,65 triệu đồng. Đơn cử, bà Võ Thị Liên (1984, trú thôn Đắc Nhơn 2, xã Nhơn Sơn, H. Ninh Sơn) vay của Hợp 10 triệu đồng. Khi vay, Hợp thu phí làm hồ sơ và chi phí đi thu nợ 5% (500 ngàn đồng). Hợp thu ngày góp đầu tiên là 300 ngàn đồng, vậy nên bà Liên chỉ được nhận số tiền là 9,2 triệu đồng. Số tiền này bà Liên trả góp cho Hợp trong 41 ngày, với tổng số cộng là 12,3 triệu đồng. Tiền lãi Hợp thu được là 3,1 triệu đồng. Hay bà Lương Thị Bích Liên (1974, trú thôn Đắc Nhơn 1, xã Nhơn Sơn) vay của Hợp 30 triệu đồng. Khi làm hồ sơ cho vay, Hợp thu lệ phí 1,5 triệu đồng và ngày góp đầu tiên là 900 ngàn đồng. Bà Liên chỉ được nhận 27,6 đồng và số tiền này bà trả góp cho Hợp trong 41 ngày, tiền lãi Hợp thu được là 9,3 triệu đồng...

Phát hiện, thu giữ hung khí Hợp cùng đồng bọn sử dụng để đi thu nợ.

Trên cơ sở những tài liệu chứng cứ thu thập được, Cơ quan CSĐT CATP PR-TC có đủ căn cứ xác định, hành vi của Hợp đủ yếu tố cấu thành tội “Cho vay lãi nặng”, quy định tại khoản 1, Điều 163 Bộ luật Hình sự năm 1999, được sửa đổi bổ sung năm 2009 (nay là Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2017). Cụ thể, Hợp là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình khi thực hiện hành vi phạm tội. Hành vi phạm tội của Hợp được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp, xâm phạm đến chế độ quản lý nhà nước về tín dụng. Khi đến địa bàn tỉnh Ninh Thuận để làm ăn, Hợp sinh sống bằng nghề cho vay tiền lấy lãi, lấy việc cho vay lấy lãi làm nguồn sống chính. Hoạt động cho vay lãi nặng của Hợp có tổ chức và quy mô lớn như in ấn các loại mẫu cho vay đi dán tại các trụ điện ở nhiều nơi, thuê người đi kiểm tra, xác minh nơi ở của người vay, tìm hiểu thông tin về người vay để bảo đảm việc thu tiền lãi và đòi nợ. Hợp gọi điện thoại nhắc nhở nếu người vay góp tiền trễ hạn, chuẩn bị các loại hung khí, sẵn sàng hù dọa, xịt sơn lên nhà để uy hiếp tinh thần người vay, buộc người vay phải trả nợ. Dương Quang Hợp đã cho 24 người vay với lãi suất 24,6%/tháng, cao gấp 14,73 lần mức cao nhất mà pháp luật cho phép, thu lợi bất chính từ hoạt động cho vay lãi nặng với số tiền là 77,3 triệu đồng.

Rõ ràng, hoạt động tín dụng đen là một trong những mối nguy hại cho xã hội. Để từng bước đẩy lùi và loại bỏ tệ nạn này ra khỏi đời sống xã hội, thiết nghĩ các cơ quan bảo vệ pháp luật cần phải vào cuộc một cách mạnh mẽ, xử lý nghiêm các hành vi phạm tội có nguyên nhân từ cho vay lãi nặng. Thêm nữa, hệ thống ngân hàng nhà nước cũng cần có chính sách ưu tiên, hỗ trợ vốn vay đối với người thu nhập thấp để làm ăn, phát triển kinh tế.

Nguyên Thảo

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/61_194644_vay-nong-va-nhung-he-luy-ky-cuoi-nghiem-tri-cac-doi-tuong-cho-vay-lai-nang-.aspx