Vay mượn tài sản rồi trốn tránh nghĩa vụ hoàn trả có thể phải vào tù

Bạn đọc hỏi: Bạn tôi mượn chiếc xe máy trị giá khoảng 25 triệu đồng nhưng sau 2 ngày sử dụng anh ta lại mang đi cầm cố. Tôi có đòi nhiều lần nhưng cậu ấy cứ khất lần. Xin hỏi luật sư, tôi phải làm thế nào để lấy lại tài sản của mình? Trần Việt Đức (Hà Tĩnh).

Giá trị tài sản bị chiếm đoạt từ 4.000.000 đồng trở lên mới cấu thành tội phạm (Ảnh minh họa)

Giá trị tài sản bị chiếm đoạt từ 4.000.000 đồng trở lên mới cấu thành tội phạm (Ảnh minh họa)

Luật sư Đặng Văn Sơn trả lời:

Câu hỏi của bạn thiếu nhiều thông tin để xác định rõ người mượn xe máy đã có những hành vi gì khi mượn tài sản và có vi phạm pháp luật hình sự hay không. Dù vậy, chúng tôi vẫn nêu ra những đặc điểm, cấu thành của tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” để bạn xem xét, tham chiếu.

Cụ thể, Điều 175 - BLHS 2015 quy định về hành vi khách quan của tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” là sau khi vay, mượn, thuê, tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng, chủ thể đã thực hiện một trong 3 hành vi là dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản đó; bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp và khi đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả dẫn đến không có khả năng hoàn trả lại tài sản.

Hành vi chiếm đoạt ở tội này là sự vi phạm về nghĩa vụ trả lại tài sản. Nghĩa là khi một chủ thể có được tài sản thông qua hợp đồng ngay thẳng (vay, mượn, thuê, mướn…) nhưng “cố tình không trả” thì chủ thể đó đã vi phạm nghĩa vụ trả lại tài sản với lỗi cố ý trực tiếp, gây hậu quả là làm cho chủ tài sản mất khả năng thực hiện quyền sở hữu của mình đối với tài sản. Tiếp đến là sau khi đã nhận được tài sản, người phạm tội mới dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản đang do mình quản lý. Thủ đoạn gian dối được thể hiện bằng những hành vi cụ thể nhằm đánh lừa chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản.

Nếu người phạm tội không dùng thủ đoạn gian dối mà sau khi đã nhận tài sản một cách hợp pháp rồi bỏ trốn với ý thức không thanh toán, không trả lại tài sản cho chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản (ý thức chiếm đoạt tài sản ) thì cũng là hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Khi đánh giá hành vi bỏ trốn của người phạm tội phải xem xét một cách khách quan, toàn diện, nếu người phạm tội bỏ trốn hoặc tránh mặt chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản vì nguyên nhân khách quan thì không coi là bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản.

Luật sư Đặng Văn Sơn (VPLS Đặng Sơn và Cộng sự Số nhà 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội)

Nếu người phạm tội không có hành vi gian dối, không bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản nhưng lại dùng tài sản đó (tài sản nhận từ chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản một cách hợp pháp) vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản thì cũng bị coi là lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Như thế nào là dùng tài sản vào mục đích bất hợp pháp cũng là một vấn đề không đơn giản.

Bởi theo khái niệm thông thường thì “bất hợp pháp” nghĩa là không đúng với pháp luật, không phân biệt đó là pháp luật gì và nếu hiểu bất hợp pháp theo nghĩa rộng như vậy thì hấu hết các trường hợp mất khả năng thanh toán nợ cho chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản đều là hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, ngoài mục đích chiếm đoạt, người phạm tội còn có thể có những mục đích khác cùng với mục đích chiếm đoạt hoặc chấp nhận mục đích chiếm đoạt của người đồng phạm khác thì người phạm tội cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Hậu quả của tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” là thiệt hại về tài sản, cụ thể là giá trị tài sản bị chiếm đoạt. Theo khoản 1 của điều luật, giá trị tài sản bị chiếm đoạt từ 4.000.000 đồng trở lên mới cấu thành tội phạm, còn nếu tài sản bị chiếm đoạt dưới 4.000.000 đồng thì phải kèm theo điều kiện đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một số tội danh liên quan (chưa được xóa án tích) mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

Từ những phân tích nêu trên, nếu thấy người bạn kia có các dấu hiệu của tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” thì bạn cần làm đơn trình báo cơ quan công an để được can thiệp giải quyết.

ANTĐ

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/vay-muon-tai-san-roi-tron-tranh-nghia-vu-hoan-tra-co-the-phai-vao-tu/811071.antd