Vatican và yêu cầu chống lạm dụng tình dục

Tại 'Hội nghị thượng đỉnh' kéo dài 4 ngày của Giáo hội Công giáo La Mã tại Vatican vào Chủ nhật 24-2, Giáo hoàng Phanxicô (Francis) đã lên án mạnh mẽ nạn lạm dụng tình dục, nhưng không đưa ra giải pháp cụ thể nào.

Điều này khiến nhiều giáo sĩ và giáo dân cảm thấy thất vọng, vì họ chờ đợi một bước đột phá tại một hội nghị thượng đỉnh toàn cầu chưa từng có để giải quyết cuộc khủng hoảng trong Giáo hội Công giáo La Mã.

Sau gần 2 thập kỷ bị phanh phui

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, gần 200 nhân vật đứng đầu các chi nhánh Công giáo trên thế giới tập hợp lại cho một chủ đề duy nhất: nạn lạm dụng tình dục, đặc biệt là xâm hại trẻ em, diễn ra suốt một thời gian dài trong các giáo hội. Họ đã ở đó nghe các nạn nhân tường thuật lại những trải nghiệm kinh khủng của mình. Trong suốt nhiều thập niên, những nạn nhân này hoặc chưa bao giờ được cất tiếng nói, hoặc tiếng kêu cứu của họ không được bất kỳ ai trong Giáo hội lắng nghe.

Kể từ khi tờ Boston Globe tung ra loạt phóng sự điều tra chấn động vào năm 2002, lần lượt các vụ việc khác bị phanh phui trên khắp nước Mỹ và trên toàn thế giới. Ngoài việc sốc và giận dữ vì các hành vi lạm dụng tình dục, trong đó đa phần nạn nhân là trẻ em, diễn ra “đầy rẫy” như chính sự thừa nhận trong báo cáo của nhà thờ, người ta còn phẫn nộ gấp bội trước các hành vi che giấu một cách “có hệ thống” của các chức sắc tôn giáo.

Giáo hoàng Phanxicô đã khép lại một hội nghị thượng đỉnh chưa từng có của Vatican về lạm dụng tình dục giáo sĩ bằng cách hứa sẽ bảo vệ trẻ em và giúp đỡ các nạn nhân, nhưng ông chỉ đưa ra một vài chi tiết chính sách (Ảnh: AP)

Giáo hoàng Phanxicô đã khép lại một hội nghị thượng đỉnh chưa từng có của Vatican về lạm dụng tình dục giáo sĩ bằng cách hứa sẽ bảo vệ trẻ em và giúp đỡ các nạn nhân, nhưng ông chỉ đưa ra một vài chi tiết chính sách (Ảnh: AP)

Thay vì bị đuổi cổ khỏi nhà thờ, những kẻ lạm dụng tình dục, phạm tội ấu dâm lại được che chở, điều chuyển qua những chỗ khác, nơi không ai biết đến tiền sử bất hảo của họ. Vì vậy, họ lại có cơ hội tiếp cận với các “con mồi” mới, và tiếp tục phạm tội.

Một linh mục nhận tội lạm dụng ở Los Angeles được chuyển qua Philippines. Một linh mục ở Canada bị kết án vì xâm hại tình dục được chuyển qua Pháp, nơi không lâu sau đó ông ta lại tiếp tục phạm tội và bị kết án. Một linh mục khác dù bị biết rõ là mắc chứng loạn dâm nhưng vẫn được điều chuyển qua lại giữa Anh và Ireland.

Loạt phóng sự điều tra của Boston Globe không phải là lần đầu tiên các cáo buộc về lạm dụng tình dục của Giáo hội xuất hiện công khai. Từ những năm 1980, truyền thông Mỹ đã bắt đầu chú ý đến những vụ việc đơn lẻ, nhưng hầu hết đều bị giới chức sắc nhà thờ ém nhẹm, thỏa thuận bồi thường với các nạn nhân. Tính đến năm 2005, các nhà thờ Công giáo La Mã ở Mỹ đã phải chi trả hơn 1 tỷ USD tiền bồi thường cho các nạn nhân bị lạm dụng. Con số đó vẫn chưa bao gồm vài trăm vụ kiện chưa được giải quyết vào thời điểm trên.

Giải pháp thiếu triệt để

Trong bài phát biểu bế mạc được chờ đợi rộng rãi, Giáo hoàng cho biết phản ứng của nhà thờ “cần tránh sự phòng thủ mà không đối đầu với nguyên nhân và hậu quả của những tội ác nghiêm trọng này”. Ông cũng cảnh báo chống lại phản ứng thái quá “khi buộc tội vì lỗi lầm trong quá khứ” và nhấn mạnh lạm dụng là một vấn đề của cả xã hội chứ không chỉ trong Giáo hội.

Đối với một số người, bài phát biểu của Giáo hoàng vẫn còn thiếu. “Tôi không thấy bất kỳ hành động cụ thể nào trong văn bản”, theo ông Francesco Cesareo, Chủ tịch Hội đồng Đánh giá Quốc gia, một cơ quan giáo dân Công giáo tư vấn cho các giám mục Mỹ về bảo vệ trẻ em. “Nó bao gồm rất nhiều từ ngữ đã được nói đi nói lại”.

Người ta đã kỳ vọng rất cao với bài phát biểu, đỉnh điểm của phản ứng cao cấp nhất của Giáo hoàng đối với cuộc khủng hoảng lạm dụng, nhưng dường như nó đã không thể chữa lành sự chia rẽ trong nhà thờ hoặc sửa chữa niềm tin của các tín đồ ở Mỹ và các nơi khác sau nhiều năm tình trạng lạm dụng được bao che bởi các giáo sĩ cao cấp.

Các nạn nhân bị lạm dụng và các nhà hoạt động ủng hộ các cải cách cứng rắn đã kêu gọi Giáo hoàng đưa ra một chính sách toàn cầu về sự “không dung thứ” (zero tolerance), điều này sẽ giúp loại bỏ tất cả những giáo sĩ lạm dụng khỏi các chức vụ của Giáo hội. Dù trước đây đã sử dụng cụm từ này, nhưng Giáo hoàng đã không đề cập đến nó trong bài phát biểu mới nhất, khiến các nhà phê bình cho rằng đó là tín hiệu cho thấy vấn đề sẽ không được giải quyết trong thời của ông.

Các nhà phê bình mong muốn Giáo hoàng có thể dứt khoát rằng bất kỳ linh mục nào phạm tội lạm dụng trẻ em, bất cứ nơi nào trên thế giới, sẽ bị loại bỏ vĩnh viễn khỏi chức vụ. Có như vậy nhà thờ mới có thể lấy lại uy tín trong vấn đề này, một quan chức nhà thờ cho biết bên lề hội nghị.

Ông Peter Peterndnders, một nạn nhân lạm dụng đã từ chức khỏi Ủy ban Bảo vệ trẻ em của Giáo hoàng năm 2017 để phản đối những gì ông nói là sự không hành động của Vatican, nói: “Giáo hoàng là người đứng đầu tối cao của nhà thờ, ông có quyền làm điều đó. Nếu ông không làm điều đó thì chúng tôi sẽ lãng phí thời gian của chúng tôi”.

Không có điều đó xảy ra vào hôm Chủ nhật 24-2. Giáo hoàng nói về các điều khoản chung để các hội nghị giáo dục giám mục quốc gia tăng cường các tiêu chuẩn địa phương về lạm dụng. “Không có sự lạm dụng nào nên được che đậy”, Giáo hoàng nói.

Không tập trung

Giáo hoàng cũng thể hiện một đặc điểm gây tranh cãi về thái độ của ông đối với lạm dụng tình dục giáo sĩ: ông tin rằng nhà thờ đã bị chỉ trích một cách bất công, vì phần lớn sự lạm dụng xảy ra bên ngoài nhà thờ, trên hết là trong nhà. “Những người phạm tội lạm dụng chủ yếu là cha mẹ, họ hàng, chồng của các cô dâu thiếu niên, huấn luyện viên và giáo viên”, ông nói.

Lời kêu gọi của ông về một cuộc chiến toàn diện về lạm dụng là một lời kêu gọi đối với các nhà lãnh đạo thế tục và xã hội rộng lớn hơn, không phải là một cuộc thập tự chinh tập trung vào nhà thờ và không chỉ liên quan đến lạm dụng tình dục mà còn liên quan đến lạm dụng trẻ em.

“Sự lạm dụng quyền lực cũng xuất hiện trong các hình thức lạm dụng khác ảnh hưởng đến gần 85 triệu trẻ em, bị mọi người lãng quên: lính trẻ em, gái mại dâm, trẻ em chết đói, trẻ em bị bắt cóc và thường là nạn nhân của nạn buôn bán nội tạng người hoặc nô lệ, nạn nhân của trẻ em chiến tranh, trẻ em tị nạn, trẻ em phá thai và rất nhiều người khác”, Giáo hoàng nói.

Một số người chỉ trích việc mở rộng phạm vi như vậy là một chiến thuật để chuyển sự đổ lỗi khỏi hệ thống nhà thờ. Ông Juan Carlos Cruz, một nạn nhân nổi tiếng người Chile, nói: “Tôi thực sự vui mừng khi Giáo hoàng kêu gọi cuộc chiến lớn hơn chống lại lạm dụng tình dục. Nhưng tôi chỉ lo lắng về việc các giám mục trở về nhà và quay lại với chiến thuật cũ của họ”.

Vatican cho biết họ sẽ cung cấp cho các giám mục trên toàn thế giới một cuốn cẩm nang mới để giúp họ hiểu được nhiệm vụ và bổn phận của họ. Nhưng đôi khi, Vatican đã ép các giám mục giải quyết cuộc khủng hoảng lạm dụng theo cách riêng của họ. Tháng 11 năm ngoái, Tòa thánh đã ra lệnh cho Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ không bỏ phiếu về một loạt các biện pháp được đề xuất về việc giám sát và kỷ luật các giám mục về lạm dụng tình dục và các hành vi sai trái khác.

Vĩnh Đông

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/ho-so-interpol-cstc/vatican-va-yeu-cau-chong-lam-dung-tinh-duc-536520/