Vắt vẻo vốn không phải là từ láy

Hiện nay vắt vẻo được xem là một từ láy. Chẳng thế mà nó lại được ghi nhận vào Từ điển từ láy tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học do Hoàng Văn Hành chủ biên (NXB Giáo dục, Hà Nội, 1994).

Vắt vẻo vốn chánh cống là một cấu trúc “động + danh” mà mỗi thành tố đương nhiên là một từ độc lập, dĩ nhiên là có nghĩa cụ thể và rành mạch. Vắt là một động từ mà Từ điển tiếng Việt của Vietlex do Hoàng Phê chủ biên giảng là “đặt hoặc nằm ngang qua một vật khác và để cho buông thõng xuống”. Còn vẻo là một danh từ mà Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức giảng là “đỉnh, chóp, nơi cao nhất”, với những thí dụ: vẻo đá, vẻo núi; ngồi vắt - vẻo”.

Với lời giảng chính xác này, đặc biệt là với cái thí dụ ngồi vắt - vẻo, thì cũng không ai có thể nói bừa rằng, ở đây, vẻo lại là một yếu tố vô nghĩa. Vẻo là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [杪], được phiên là diếu trong Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh, là diểu trong Hán Việt tự điển của Thiều Chửu nhưng âm chính xác của nó theo vận thư của Trung Hoa thì lại là viểu vì thiết âm gốc của nó trong Quảng vận là “vong chiểu thiết” [亡沼切]. “Vong chiểu” thì đương nhiên phải là viểu. Nếu đi xa thêm vào lịch sử thì phải nói rằng nó vốn đọc thành viễu nhưng chúng tôi xin dừng ở thời điểm mà chữ [亡] đã chuyển đọc với thanh điệu 1 (không dấu).

Vậy viểu (diểu/diếu) nghĩa là gì? Thưa rằng đó là “ngọn cây” và cái nghĩa này chính là xuất phát điểm cho nghĩa của chữ vẻo mà Lê Văn Đức đã giảng. “Đỉnh, chóp, nơi cao nhất” chẳng qua là những nghĩa phái sinh từ cái nghĩa “ngọn cây” của chữ/từ viểu. Cái nghĩa này gần như đã tuyệt tích nhưng “dư chấn” của nó thì hãy còn thấp thoáng trong một vài quyển từ điển: Việt Nam tự điển của Khai trí Tiến Đức giảng là “mẩu đầu” với thí dụ vẻo núi; Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên giảng là “mẩu đầu nhô ra” còn từ điển cùng tên của Vietlex do Hoàng Phê chủ biên thì giảng là “phần đầu nhọn nhô ra”, với hai thí dụ vẻo tre, vẻo đất ăn ra sông. Đây là nói về quan hệ ngữ nghĩa.

Còn về quan hệ ngữ âm thì từ viểu đến vẻo chỉ có một tích tắc vì về hiện tượng IÊU1 EO này, ta còn có: - biều [薸] (một số nguồn phiên thành “phiêu”) 1 bèo; - kiều [橋], hai thanh gỗ đầu thanh này gác lên thanh kia 1 kèo (nhà); - miêu [苖], cây non mới mọc 1 meo trong mốc meo, meo nấm; tiêu trong tiêu hao 1 teo trong teo tóp; tiếu trong tiếu lâm 1 tếu trong tếu táo; - yêu [腰], là lưng 1 eo (liên quan đến vòng 2 của các bà, các cô)…

Cứ như trên thì vẻo hiển nhiên là điệp thức của viểu [杪] - nay được một vài tác giả đọc thành diểu/diếu - và là một danh từ chánh hiệu cho nên, nếu xét về mặt tạo từ, thì vắt vẻo dứt khoát không phải là một từ láy.

An Chi

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/vat-veo-von-khong-phai-la-tu-lay-952790.html