'Vật vã' ghi chú ly hôn với chồng ngoại

Ðó là thực trạng của nhiều phụ nữ sau thất bại hôn nhân từ nước ngoài trở về Việt Nam, khiến quyền lợi của cô dâu Việt và không ít con cái của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nhiều người bị rơi vào cuộc sống địa ngục

Theo quy định ở nước ta thì những trường hợp ly hôn có yếu tố nước ngoài nếu muốn được công nhận tại Việt Nam phải làm thủ tục ghi chú ly hôn. Một số trường hợp may mắn có giấy tờ ly hôn ở nước ngoài thì khi nộp hồ sơ xin ghi chú lại vướng yêu cầu bổ sung giấy tờ hộ tịch bên chồng.

Ðây là điều thật khó vì theo quy định của một số quốc gia/vùng lãnh thổ (như trường hợp pháp luật Ðài Loan), chỉ người chồng mới được phép trích lục hộ khẩu, cô dâu nếu có năn nỉ thì cũng hiếm khi chồng cũ chịu giúp. Mặt khác, theo quy định, vụ việc ly hôn còn phải có ý kiến hoặc có mặt người chồng, mà người chồng nước ngoài (đã ly hôn hợp pháp ở nước họ) thì không trả lời hoặc không về Việt Nam tham dự phiên tòa theo yêu cầu của tòa.

Ngoài ra, khi nộp hồ sơ xin ghi chú hoặc xin ly hôn thì đương sự phải cung cấp bản sao hộ khẩu, chứng minh nhân dân. Thế nhưng theo quy định tại Điều 22 Luật Cư trú và được hướng dẫn bởi khoản 6 phần 2 Thông tư 06/2007/TT-BCA-C11, trong vòng 90 ngày kể từ ngày có người ra nước ngoài để định cư mà gia đình không làm thủ tục xóa đăng ký thường trú thì Công an xã, thị trấn tiến hành xóa đăng ký thường trú của người này.

Do đó, công dân (đặc biệt là thân phận các cô dâu Việt) khi ly hôn trở về nước thì đã bị xóa hộ khẩu. Muốn nhập lại hộ khẩu, họ phải có xác nhận tạm trú, phải có xác nhận không tiền án tiền sự suốt thời gian ở nhà chồng, mà muốn vậy phải nhờ chồng cũ và tất nhiên, yêu cầu này họ thường khó làm được. Không có hộ khẩu nên cũng không làm lại được chứng minh nhân dân, từ đó cơ hội làm lại cuộc đời, có được một công việc để tự nuôi sống tại chính đất nước của mình cũng khó thực hiện với họ.

Thậm chí, tại một số nước, khi công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài tại nước ngoài bị yêu cầu thôi quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên, trường hợp bị tước bỏ quốc tịch nước ngoài, công dân Việt Nam trở thành người không quốc tịch trong khi thủ tục để được chấp nhận trở lại quốc tịch Việt Nam rất khó khăn.

Ðây cũng là lý do nhiều phụ nữ sau thất bại hôn nhân từ một số quốc gia, vùng lãnh thổ khi trở về buộc lòng phải chọn các nước trong khu vực như Singapore hay Malaysia tìm kế mưu sinh. Đáng buồn là, không ít người trong số họ đã rơi vào cuộc sống địa ngục ở các nhà chứa hoặc bị sát hại thảm thương.

Không những thế, hệ thống pháp luật Việt Nam chưa có những quy định xác lập thông tin về tình hình sinh sống của công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài và đang sinh sống ở nước ngoài nên việc giúp đỡ các cô dâu Việt Nam khi gặp hoàn cảnh khó khăn còn nhiều hạn chế vì nhiều nguyên nhân như trình độ thấp, không có thông tin về các cơ quan ngoại giao...

Không yêu cầu đương sự bổ sung các giấy tờ ngoài “khả năng”

Nhằm giải quyết tình trạng này, bên cạnh việc phải sửa quy định pháp luật theo hướng nghiêm cấm hôn nhân qua dịch vụ mai mối thì cơ quan đại diện ngoại giao chúng ta phải nắm bắt số lượng và tình trạng của công dân mình: còn sống hay đã chết, ly hôn hay chưa, ly hôn xong có về nước hay không... để kịp thời can thiệp, hỗ trợ khi họ gặp khó khăn và thực hiện công tác bảo hộ công dân của mình. Hơn nữa, cần có chính sách phối hợp giữa các cơ quan ngoại giao và cơ quan tư pháp để việc ghi chú hôn nhân (gồm cả kết hôn và ly hôn) của công dân Việt Nam tại nước ngoài được thực hiện thuận lợi hơn, tạo điều kiện để công dân Việt Nam tự bảo vệ quyền lợi của mình và cơ quan ngoại giao của Việt Nam thực hiện chức năng bảo vệ công dân hiệu quả nhất.

Mặc dù Luật Hộ tịch có quy định về ghi vào sổ hộ tịch (ghi chú) đối với bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài nhưng việc ghi chú chỉ thực hiện với các bản án, quyết định về sự kiện hộ tịch của công dân Việt Nam. Nếu sự kiện hộ tịch trong bản án, quyết định là sự kiện của công dân nước ngoài thì không được ghi chú theo quy định của Luật Hộ tịch. Từng cơ quan xem xét giấy tờ phải căn cứ trên cơ sở của BLTTDS về trường hợp đương nhiên được công nhận để giải quyết các vụ việc có liên quan đến giấy tờ đó. Bởi thế, cần thiết có những nghiên cứu sâu hơn kết hợp tổng kết các vướng mắc trong thực tiễn để đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 vào thời điểm thích hợp.

Luật Cư trú cũng nên sửa đổi theo hướng khi hộ chiếu công dân còn thời hạn và họ có khai báo nơi tạm trú thì phải cấp lại chứng minh nhân dân, hộ khẩu. Trách nhiệm của cơ quan chức năng là phải tự mình xác minh, không bắt buộc đương sự cung cấp các văn bản xác nhận tạm trú như hiện nay.

Đồng thời, các đạo luật liên quan cần có quy định rõ ràng về việc ly hôn của công dân Việt Nam có yếu tố nước ngoài theo hướng tạo sự thuận lợi. Những trường hợp ly hôn đơn phương dù không có ý kiến của người chồng nước ngoài thì Tòa án phải thụ lý và giải quyết. Trong các trường hợp ghi chú ly hôn, không cần thiết yêu cầu đương sự bổ sung các giấy tờ khác ngoài giấy thuận tình ly hôn, hay bản án, quyết định, của Tòa.

Thục Quyên

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-phap/vat-va-ghi-chu-ly-hon-voi-chong-ngoai-471945.html