Vật thể rơi xuống Síp không phải là F-16 Israel

Sau khi phân tích hình ảnh hiện trường về vật thể lạ rơi xuống Síp hôm 1/7, chuyên gia của trang Drive khẳng định đó không phải là tiêm kích F-16.

Căn cứ vào ký hiệu trên vật thể lạ cho thấy nó là phần đuôi của quả tên lửa phòng không S-200 được Syria phóng nhằm đánh chặn cuộc không kích của Không quân Israel.

Đánh giá ban đầu của chuyên gia cho thấy vật thể lạ là mảnh vỡ tên lửa phòng không S-200 được phóng lên từ lãnh thổ Syria. Không hiểu bằng cách nào đã khiến quả đạn rơi xuống đảo Síp trong khi nó được phóng đi để đối phó với Không quân Israel.

Đạn tên lửa Syria đã phát nổ trên không ngay trước khi đâm xuống khu vực phía bắc Síp, gây ra đám cháy và khiến nhiều người dân trên đảo hoảng sợ. Không có người bị thương trong sự cố này.

Với kết cấu 4 cánh đuôi và kích thước khá khiêm tốn, khó có thể coi đây là tiêm kích F-16I.

Với kết cấu 4 cánh đuôi và kích thước khá khiêm tốn, khó có thể coi đây là tiêm kích F-16I.

Nói về những nghi vấn vật thể là phần đuôi của tiêm kích F-16I chứ không phải đạn tên lửa S-200, chuyên gia của Drive cho rằng, với kết cấu 4 cánh đuôi khá rõ ràng cùng với kích thước rất nhỏ (so với F-16I), hiện Không quân Israel và tất cả chiến đấu cơ trên thế giới không có loại nào có kết cấu như vậy.

Nhận định của Drive hoàn toàn có cơ sở bởi hầu hết những hệ thống S-200 của Syria hiện này đều mới được chuyên gia Nga nâng cấp khiến chúng có tầm bắn tối đa có thể đạt trên 300km - khoảng cách đủ để vươn từ Syria tới Síp.

Nếu nhận định trên được xác nhận thì sự thật S-200 lạc đường bay đến Síp cũng không khiến người ta quá bất ngờ bởi trong thời gian thực chiến, hệ thống S-200 của Syria cho thấy thành tích đánh chặn khá tệ hại.

Hồi tháng 4/2018, hãng Sputnik dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga cho biết, liên quân do Mỹ cầm đầu đã phóng tổng cộng 103 tên lửa hành trình nhằm vào các mục tiêu ở Syria.

Trong khi đó, lực lượng phòng không Syria đã huy động một loạt hệ thống phòng không như Pantsir-S1, Buk-M2, Kub, Strela-10, Osa, S-125 và S-200. Quân đội Syria trong hơn 1 giờ tác chiến đã phóng 112 tên lửa đất đối không (SAM), tạo thành một lưới lửa phòng không dày đặc.

Số liệu đánh chặn thành công được Nga công bố cụ thể: Syria phóng 25 tên lửa Pantsir-S1, 23 quả trúng mục tiêu; phóng 29 tên lửa Buk-M2, bắn hạ 24 mục tiêu; 21 tên lửa Kub, 11 quả trúng mục tiêu; Syria bắn 5 quả tên lửa Strela, 3 quả trúng đích; 11 tên lửa Osa, 5 quả trúng mục tiêu; 13 tên lửa S-125, 5 quả trúng mục tiêu.

Và đặc biệt, phòng không Syria đã phóng tới 8 quả tên lửa S-200, tuy nhiên đã không có bất cứ quả nào đánh trúng tên lửa tấn công của Mỹ cùng đồng minh. Số liệu này cũng đồng nghĩa với thực tế rằng, S-200 đã không còn thích hợp trong chiến tranh hiện đại dù chúng có tầm bắn xa hơn cả S-300.

Không chỉ Nga thừa nhận khả năng yếu kém của S-200, tạp chí quân sự hàng đầu của Mỹ là Defense News cũng chỉ ra những yếu kém của hệ thống phòng thủ tầm cao này.

Điểm yếu của hệ thống S-200 chính là sử dụng bệ phóng cố định và radar cồng kềnh, không có khả năng cơ động trong điều kiện chiến tranh. Tuy một số nước như Iran từng hiện đại hóa S-200 để giảm thời gian triển khai và thu hồi, khả năng cơ động kém vẫn là điểm yếu chết người của tổ hợp này.

Trong trường hợp nổ ra xung đột quy mô lớn, các trận địa S-200 dễ bị vô hiệu hóa bằng vũ khí như tên lửa hành trình trước khi kịp đe dọa máy bay đối phương. Điều này khiến lá chắn S-200 chỉ có tác dụng chính là răn đe trong thời bình.

Dù là hệ thống phòng thủ tầm cao chỉ đứng sau S-400 và xa hơn hẳn hệ thống S-300 hiện tại nhưng hệ thống S-200 lại không có khả năng bám và bắt chết mục tiêu tầm thấp. Vì vậy, đối phó với tên lửa bay thấp là điều không thể.

Và đây có thể là lý do khiến hệ thống này dù đã phóng tới 8 quả đạn nhưng vẫn không đánh trúng bất cứ tên lửa tấn công nào của Mỹ.

Clip phần đuôi được cho là tên lửa S-200 tại Síp

Tuấn Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/vat-the-roi-xuong-sip-khong-phai-la-f-16-israel-3383030/