Vật lộn trong Covid

Ở Mỹ, vô số các doanh nghiệp nhỏ đang đứng trước nguy cơ đóng cửa khi các khoản vay ưu đãi của chính phủ không đủ cho tất cả. Nguy cơ suy thoái đè nặng lên nền kinh tế lớn nhất toàn cầu.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Olivia Colt, một doanh nhân ở Oakland, bang California, có một công ty sự kiện mang tên Salt & Honey. Đại dịch Covid-19 xảy đến, hầu hết khách hàng hoãn các đám cưới và sự kiện nên cô buộc phải cắt giảm số nhân viên từ 25 xuống còn 6 người và chuyển sang kinh doanh rau quả trực tuyến.

Cô đề nghị được vay một khoản 100.000 USD thuộc dạng vay có thể xóa theo Chương trình Bảo vệ Tiền lương của Mỹ (PPP) và một khoản vay khác 150.000 USD theo một chương trình liên bang trong trường hợp thảm họa thiên nhiên. Nhưng khó khăn có vẻ vẫn còn kéo dài và Colt có thể phải đóng cửa hẳn doanh nghiệp của mình. Nhiều doanh nghiệp nhỏ trên khắp nước Mỹ cũng đang tiến tới điểm chịu đựng tương tự trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đang cao nhất kể từ cuộc đại suy thoái năm 2009.

Chính phủ Mỹ đã có đợt trợ cấp đầu tiên nhưng không đủ. Các nhà lập pháp đang đàm phán căng thẳng về khoản kích thích kinh tế mới, trong đó có thể dành nhiều tiền hơn cho các doanh nghiệp nhỏ. Theo khảo sát tuần qua của Hiệp hội Doanh nghiệp Độc lập Quốc gia - một hiệp hội thương mại hàng đầu của các doanh nghiệp nhỏ Mỹ, hầu hết các công ty nhỏ đã hết tiền vay được từ Chương trình Bảo vệ Tiền lương PPP trị giá 600 tỷ USD. Hiệp hội còn cho biết, 23% số doanh nghiệp dự định có thể đóng cửa trong vòng 6 tháng trừ phi điều kiện kinh tế thay đổi.

Reuters dẫn lời Bill Phelan, thuộc công ty báo cáo tín dụng Equifax Inc. cho biết, các vụ vỡ nợ đã tăng mạnh lên khoảng 2,7% nợ doanh nghiệp nhỏ. Ông dự định con số này sang đầu năm sau sẽ là 5 hoặc 6%. Các vụ vỡ nợ đạt đỉnh 6,35% năm 2009, trong cuộc đại suy thoái. Khi đó, khoản kích thích kinh tế của Chính phủ Mỹ trị giá chưa đầy 1 nghìn tỷ USD, so với 3 nghìn tỷ từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát cho tới nay.

Nếu không có vắc-xin ngừa làn sóng lây nhiễm mới, Phelan dự đoán tỷ lệ vỡ nợ sẽ tăng lên 2 con số trong những ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nhất như khách sạn, ăn uống, bán lẻ.

Bi kịch tương tự diễn ra khắp nước Mỹ, đặc biệt ở những bang mà số ca lây nhiễm tăng mạnh đã buộc các quan chức địa phương phải siết chặt hạn chế kinh doanh. Dữ liệu từ công ty thẻ tín dụng JP Morgan cho thấy, người tiêu dùng đã chọn ở nhà và chi tiêu ít hơn.

Oakland Indy Alliance, một hiệp hội khoảng 500 doanh nghiệp nhỏ ở bắc California cho biết, trong cuộc khảo sát gần đây, 44% số thành viên trả lời chỉ còn đủ tiền để hoạt động dưới 3 tháng. Hiệp hội này tuần qua đã mở chiến dịch quyên góp 4 triệu USD từ các nhà tài trợ để cho các công ty địa phương vay, với ưu tiên cho các doanh nghiệp của người di cư và người da màu.

Các doanh nghiệp đang chống chọi với khó khăn kinh tế còn đối mặt với cả mối đe dọa bị đóng cửa vì lý do liên quan đến sức khỏe - điều chưa từng bao giờ xảy ra. Colt phải đóng cửa doanh nghiệp của cô 2 tuần hồi tháng 5, khi một nhân viên bị sốt, để cho các nhân viên đi xét nghiệm và chờ kết quả, may là xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/vat-lon-trong-covid-1596080710579.html