Vật liệu giúp giữ lạnh mà không cần dùng điện

Vật liệu này được kết hợp từ hydrogel và aerogel, cho thời gian giữ lạnh gấp 5 lần so với những chất liệu thông thường.

 Vật liệu giúp giữ lạnh mà không cần dùng điện (Ảnh: Input Mag)

Vật liệu giúp giữ lạnh mà không cần dùng điện (Ảnh: Input Mag)

Các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Massachusett (MIT) mới đây đã phát hiện ra một loại vật liệu hai lớp có khả năng giữ lạnh các đồ vật trong một khoảng thời gian dài mà không cần sử dụng đến điện. Theo những thông tin của MIT, vật liệu này được lấy cảm hứng từ lông lạc đà, một loại lông có khả năng duy trì độ ẩm và giữ mát để cả dưới điều kiện nắng nóng, khô khan trên sa mạc.

Các bài thử nghiệm cho thấy loại vật liệu này có thể giữ mát đồ vật ở mức nhiệt độ hơn 7 độ C trong một khoảng thời gian lâu hơn gấp 5 lần so với những chất liệu thông thường. Ở một vài tình huống, vật liệu này có thể làm mát các đồ vật lên đến 8 ngày.

Những người nghĩ ra ý tưởng này là tiến sỹ Zhengmao Lu, sinh viên tốt nghiệp Elise Strobach và Ningxin Chen, nhà khoa học nghiên cứu Nicola Ferralis, và giáo sư Jeffrey Grossman, trưởng khoa Kỹ thuật và Khoa học vật liệu. Nếu như tiếp tục được phát triển, có thể loại vật liệu này sẽ được thay thế cho những hệ thống làm mát hiện nay.

Loại vật liệu mới (chưa được đặt tên) này thực ra là sự kết hợp giữa hai vật liệu đã từng được sử dụng để làm mát trong quá khứ. Lớp đáy của vật liệu này được làm từ hydrogel, một loại vật liệu đã được biết đến hơn 5 năm qua. Hydrogel được sử trong mọi thứ từ keo dính cho đến các túi ngực.

Để hydrogel có thể làm mát đồ vật, các nhà nghiên cứu đã phủ lên nó một lớp aerogel, đây là chất liệu vốn đã được phát hiện gần 1 thế kỷ trước và đã được sử dụng trong sản xuất áo khoác và các phụ kiện ngoài trời khác. Aerogel còn được sử dụng trong các hệ thống làm mát, cũng như các loại sơn và các viên hóa chất lau chùi vệ sinh.

Khi kết hợp Aerogel và hydrogel vào với nhau sẽ đem đến khả năng làm mát đáng kinh ngạc. Điều đặc biệt là khi 2 lớp aerogel và hydrogel kết hợp với nhau thì chúng có độ dày chưa đến nửa inch.

Các nhà nghiên cứu cho rằng vật liệu này có tính ứng dụng vô tận, ví dụ những ứng dụng trong khâu đóng gọi thức ăn để có thể duy trì độ tươi mới trong quá trình xuất khẩu, từ đó cho phép những người nông dân bán ra các loại thực phẩm dễ hỏng với giá rẻ hơn.

Trong thời buổi dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, vật liệu mới này hoàn toàn có thể sử dụng để bảo quản vaccine trong quá trình vận chuyển. Theo các nhà nghiên cứu, vật liệu mới này có khả năng giữ cho sản phẩm đóng gói ở nhiệt độ gần như không thay đổi, giúp cho các loại thuốc hay vaccine có thể được vận chuyển trong một khoảng thời gian dài mà không lo bị hư hỏng. Vật liệu mới còn cực kỳ hữu ích ở những nơi không có nguồn điện.

Aerogel và hydrogel là 2 chất liệu rẻ, do đó các công ty sản xuất hoàn toàn có thể tận dụng các nghiên cứu này để đưa ra các giải pháp đóng gói, vận chuyển tối ưu hơn.

Theo Input Mag

Minh Quang

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/vat-lieu-giup-giu-lanh-ma-khong-can-dung-dien-post140616.html