VAST nghiên cứu thành công máy sản xuất đá tuyết từ nước biển

Lần đầu tiên tại Việt Nam, các nhà khoa học của Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam (VAST) đã nghiên cứu và chế tạo thành công máy làm đá lỏng từ nước biển lắp đặt ngay trên tàu để phục vụ bảo quản hải sản đánh bắt xa bờ. Đây là sự kiện được VAST công bố vào ngày 23/11, tại Hà Nội.

Thành công trên thuộc về các nhà khoa học của Trung tâm phát triển công nghệ cao – VAST với đề tài: "Nghiên cứu chế tạo máy làm đá tuyết từ nước biển phục vụ bảo quản hải sản đánh bắt xa bờ".

Theo TS. Nguyễn Văn Thao - Tổng giám đốc Trung tâm Phát triển công nghệ cao: “Xuất phát từ thực tế quá trình khai thác hải sản, việc bảo quản còn nhiều hạn chế do công nghệ lạc hậu, ngư dân phải sử dụng đá nước ngọt để bảo quản, trong khi bảo quản bằng đá nước ngọt còn nhiều nhược điểm như: có cạnh sắc làm trầy xước hải sản khi bảo quản, làm tăng chi phí cho các tàu do phải vận chuyển theo tàu và bị hao hụt…Trước thực tế đó, chúng tôi đã nghiên cứu và chế tạo thành công máy làm đá lỏng từ nước biển lắp đặt ngay trên tàu để phục vụ bảo quản hải sản đánh bắt xa bờ. Đến nay thiết bị đã được thử nghiệm tại cảng biển và một số tàu cá tại Hải Phòng với mức độ chạy ổn định và đáp ứng được các yêu cầu đặt ra. Đây được xem là một bước tiến quan trọng trong việc nghiên cứu phát triển công nghệ, khắc phục được những hạn chế của phương pháp bảo quản truyền thống là bằng đá nước ngọt”.

ThS. Lê Văn Luân giới thiệu nguyên lý hoạt động của máy làm đá tuyết từ nước biển

ThS. Lê Văn Luân giới thiệu nguyên lý hoạt động của máy làm đá tuyết từ nước biển

Nói về thành công trên, Ths. Lê Văn Luân - Chủ nhiệm đề tài cho biết: “Điểm khác biệt quan trọng của đá làm từ nước biển so với đá nước ngọt truyền thống chính là công nghệ này đã cho ra sản phẩm là đá dạng tuyết, về mặt hình thái, đá lỏng là hỗn hợp giữa tinh thể đá nhỏ và nước, được duy trì trong dải nhiệt độ từ -6oC đến -2oC, trạng thái chuyển tiếp giữa pha lỏng và pha rắn nên có thể bơm được từ buồng tạo đá lỏng đến các bồn lưu trữ hoặc các ngăn bảo quản cá trên tàu. Thời gian cho ra sản phẩm đá lỏng cũng rất ngắn, chỉ khoảng 1 - 2 phút tính từ lúc khởi động hệ thống, trong khi sự tan chảy của đá lỏng lại chậm hơn nhiều so với đá nước ngọt. Độ đậm đặc của đá lỏng cũng có thể được điều chỉnh một cách tự động theo nhu cầu của người sử dụng. Thiết bị được chế tạo dựa trên các nguyên vật liệu có khả năng chịu ăn mòn của nước biển như inox 316, nhựa PVC; máy nén, bộ phận tách dầu, dàn ngưng… đều sử dụng loại chuyên dụng cho tàu biển, đảm bảo độ bền và có giá thành cạnh tranh so với các sản phẩm nhập ngoại trên thị trường”.

Nói về khả năng ứng dụng và hiệu quả kinh tế của công nghệ, tiến sỹ Bùi Việt Đức - Học viện Nông nghiệp Hà Nội cho biết: “Theo các chuyên gia, khi tàu đánh bắt cá được trang bị máy tạo đá lỏng từ nước biển sẽ giúp kéo dài thời gian bảo quản hải sản trong quá trình đánh bắt. Điều này cho phép các tàu cá có thể thực hiện những chuyến đi biển dài hơn, khả năng vươn tới các vùng biển, ngư trường xa hơn. Sự hiện diện thường xuyên của các tàu cá góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam tại các vùng biển này”.

Lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa Trung tâm PTCN cao với Công ty TNHH Việt Trường – Hải Phòng

Ông Nguyễn Công Diễn - Tổng đội trưởng Tổng đội thanh niên xung phong Hải Phòng cho biết: “Hiện nay có hàng ngàn tàu thuyền đang đánh bắt ở xung quanh Vịnh Bắc bộ, trong đó khó khăn nhất của các ngư dân đó là vấn đề bảo quản hải sản đảm bảo các tiêu chuẩn của Việt Nam và thế giới đưa ra. Hiện tại đa số dùng phương pháp ướp đá lạnh và phải đưa từ đảo Cát Hải và Bạch Long Vĩ với khoảng cách trên 100km nên chi phí sản xuất, vận chuyển, hao hụt là rất lớn, chưa kể đến tài nguyên nước ngọt trên các đảo là hạn chế. Trong khi nguồn lợi thủy sản ngày càng ít đi và khan hiếm đã dẫn đến chi phí đánh bắt của ngư dân cũng ngày càng tăng lên, gây khó khăn cho địa phương trong phát triển làm kinh tế biển theo chủ trương của Đảng và Nhà nước”.

“Để công nghệ được ứng dụng rộng rãi và phát huy hiệu quả thì rất cần thêm sự hỗ trợ của Nhà nước. Vì huyện đảo thường thiếu nước ngọt và điện, việc sử dụng nước biển để sản xuất đá đã giúp các đảo tiết kiệm được nguồn tài nguyên nước ngọt tuy nhiên nguồn điện vẫn khó khăn ở các đảo, do vậy chúng tôi rất mong muốn Nhà nước phát triển các hệ thống năng lượng tái tạo ở các đảo để góp phần giảm chi phí đánh bắt hải sản của các ngư dân cũng như góp phần vào phát huy chủ quyền biển đảo trên toàn quốc”, ông Diễn chia sẻ.

Theo TS. Hà Quý Quỳnh - Trưởng ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ - VAST: “Hiện máy làm đá tuyết từ nước biển có năng suất 1.250kg đá/24 giờ, trong khi thực tế mỗi chuyến đi biển cần một lượng đá bảo quản lên tới 50-60 tấn, nên cần phải có những máy có năng suất lớn hơn, khoảng 5.000kh/24h nhằm đảm bảo chất lượng bảo quản hải sản như cá ngừ đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khó tính như: châu Âu, Nhật Bản. Bởi vậy, trong thời gian tới các nhà khoa học sẽ tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện sản phẩm ở dải năng suất lớn hơn từ 2.000 - 10.000kg/24h, đồng thời tiến hành nghiên cứu và chế tạo máy làm đá lỏng kết hợp đá vẩy trên cùng một hệ thống để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của ngư dân cũng như đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tại các địa phương có các tàu đánh bắt xa bờ trên toàn quốc”.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/vast-nghien-cuu-thanh-cong-may-san-xuat-da-tuyet-tu-nuoc-bien-112233.html