VAS, minh định văn minh!

Quý vị có một đứa con đang xài iPhone, hãy thử tước đoạt chiếc điện thoại của cháu và thay bằng chiếc Nokia phím nhựa, xem tâm lý của các cháu sẽ như thế nào? Tôi sẽ kể cho quý vị nghe, về những đứa trẻ sốc tâm lý khi rơi từ trường quốc tế vào trường công lập.

Nhà báo Nguyễn Tiến Tường

Nhà báo Nguyễn Tiến Tường

Quý vị có những đứa con đang theo học trường Việt Úc (VAS), quý vị cảm thấy may mắn khi một đứa trẻ khác, không phải con mình, không bị nhà trường buộc thôi học giữa chừng. Cảm xúc rúm ró đó, cũng tương tự như khi một đứa trẻ qua đời ở trường GateWay, quý vị nhún vai như một chiếc lá vàng rơi, và may quá, cái cây của mình không sao. Đó là một xúc cảm nghiệt ngã.

Vài quý vị còn cho rằng trường VAS đã hành xử văn minh. Để tôi nói cho quý vị về văn minh: Quý vị đăng ký cho con vào trường, có chi phí do nhà trường thông báo, quý vị chấp nhận, đó là thỏa thuận dân sự. VAS cung cấp dịch vụ, quý vị trả tiền, đó là văn minh.

Khi đại dịch Covid-19 ập tới, học sinh nghỉ học, nhà trường và phụ huynh xung đột về vấn đề học phí. Những phụ huynh muốn nhà trường tính lại học phí là văn minh dân sự và rất chính đáng. VAS phủ bác nhiều yêu cầu của phụ huynh, bảo lưu ý kiến của mình. Trong trường hợp đó, tranh chấp này phải có bên tài phán thứ ba. Và những phụ huynh kia đã tìm tới ủy ban, Sở GD&ĐT,... nhưng không ai mảy may có động thái xử lý.

Nếu là văn minh, VAS phải biết chấp nhận một tranh chấp kinh tế bình thường, thay vì túm đầu những đứa trẻ để lấy “quyền sinh quyền sát” trong vụ việc nói trên. Nếu là văn minh, VAS phải bảo đảm quyền được đi học của những đứa trẻ (vì phụ huynh của các cháu vẫn đóng phí năm học mới).

Cho dù là trường quốc tế hay công lập, những đứa trẻ đến lớp vẫn gọi người lớn ở đây là cô, là thầy. VAS ra thông báo đẩy những đứa trẻ ra khỏi trường, vì xung đột kinh tế, lối hành xử của VAS rất tồi bại và phản giáo dục.

Vì sao VAS dám làm vậy? Chính vì sự rúm ró của quý vị. Chính vì họ biết rằng, gạch tên những đứa trẻ này, vẫn có những đứa trẻ khác được cầm tay đưa đến cho họ. VAS xây dựng một thương hiệu dựa trên “tâm thức nô lệ” của quý vị. Và họ sẵn sàng đuổi học những đứa trẻ để thị uy quyền lực với phụ huynh, như kiểu bật máy xén lông trước mặt những con cừu.

Chính sự bạc nhược của quý vị, đã tạo ra thứ giáo dục ngoại lai tự cho mình quyền lực tối thượng. Ở trong môi trường đó, điều tốt trở nên cô đơn, văn minh trở thành sự ban phát.

Quý vị có thể bằng lòng hay tức tối, với tôi đó là cảm xúc riêng. Tiền là của quý vị, con cái cũng là của quý vị, tôi chỉ là một kẻ ngoại đạo. Nhưng trong quan điểm của tôi, khi đã đang tâm tước bỏ cơ hội của những đứa trẻ, đừng nhân danh văn minh. Đó là hành động của phường vô lại.

Nguyễn Tiến Tường

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/doi-thoai/vas-minh-dinh-van-minh-175554.html