VAPs và dự án việc làm giúp thay đổi cách nhìn về người tự kỷ

Tiên phong trong vấn đề đào tạo và huấn luyện người tự kỷ có việc làm đem đến thu nhập ổn định, dự án VAPs (Dự án mô hình kinh tế cho người tự kỷ tại Việt Nam) được ra đời với kỳ vọng người tự kỷ cũng được lao động, được cống hiến và ghi nhận trong cuộc sống

Người tự kỷ bị mặc định là không hữu dụng

Người tự kỷ là những người mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ (Autism Spectrum Disorder (ASD) là một loại khuyết tật phát triển suốt đời, do rối loạn của hệ thần kinh gây ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ. Khuyết tật này biểu hiện ra ngoài bằng những khiếm khuyết về tương tác xã hội, khó khăn trong giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ; hành vi, sở thích và hoạt động mang tính hạn hẹp, lặp đi lặp lại.

Chính bởi những giới hạn đó, người tự kỷ bị định kiến là không hữu dụng, họ gần như không có cơ hội được lao động và phát triển bản thân theo hướng tích cực.

Theo một số nghiên cứu khoa học, y học về tự kỷ, cứ 59 trẻ thì có một em mắc bệnh tự kỷ, trong đó cứ 4 tự kỷ nam sẽ có 1 tự kỷ nữ. Còn tại Việt Nam, thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, hiện có khoảng hơn 1 triệu người mắc bệnh tự kỷ, con số chưa phải là chính xác và không có dấu hiệu dừng lại vì số lượng trẻ tự kỷ đang có xu hướng tăng.

Quy trình đào tạo VAPs Restaurant đang phát huy hiệu quả với lao động tự kỷ tại nhà hàng pizza

Quy trình đào tạo VAPs Restaurant đang phát huy hiệu quả với lao động tự kỷ tại nhà hàng pizza

Nghiên cứu của Autism Speaks - tổ chức nghiên cứu khoa học và bảo vệ quyền lợi của người tự kỷ cũng chỉ ra, ước tính việc chăm sóc những người tự kỷ đòi hỏi cộng đồng chi trả khoảng 126 tỷ USD/năm (số liệu năm 2012), cao gấp 3 lần so với năm 2006. Chi phí trung bình dành cho mỗi người tự kỷ trong cuộc đời họ vào khoảng 2,3 triệu USD tại Mỹ và 2,4 triệu USD tại Anh.

Việc hỗ trợ việc làm dành cho người tự kỷ không chỉ mang ý nghĩa nhân văn, giúp người tự kỷ có được một cuộc sống, công việc trọn vẹn, mà còn là bài toán kinh tế để giảm bớt gánh nặng xã hội. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp của người tự kỷ hiện vào khoảng 85% - 90%. Phần còn lại chủ yếu là các công việc bán thời gian, thời vụ, không ổn định.

Dự án VAPs đưa ra những mô hình nhà hàng, siêu thị, dịch vụ công cộng mà nhân sự trong đó là người tự kỷ. Đây là mô hình tiên phong ở Việt Nam, cũng là mô hình được đánh giá là quy mô trên thế giới. Không dừng ở việc đào tạo, củng cố kỹ năng cho người tự kỷ, dự án VAPs giúp người tự kỷ có cơ hội được lao động, tự thực hiện các công đoạn của một công việc hoàn thiện từ đầu đến cuối.

Xây dựng quy trình tuyển dụng cho người tự kỷ để có thể nhân rộng tới các tổ chức kinh tế; tiến hành nghiên cứu các mối quan hệ kinh tế có liên quan tới môi trường làm việc dành cho người tự kỷ.

Hướng tới mục đích tạo việc làm ổn định cho người tự kỷ

Theo ông Nguyễn Đức Trung - Tổng giám đốc VAPs, hiện ở Việt Nam chưa có chương trình giáo dục riêng, thiếu giáo viên có kỹ năng chuyên biệt và thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng để phục vụ quá trình giáo dục - đào tạo kỹ năng cho người tự kỷ.

Sự thiếu hụt nhân sự hỗ trợ hay người dẫn dắt (Mentor) người tự kỷ để bù đắp những mặt hạn chế, rào cản khó khăn và các kỹ năng khác phục vụ trong công việc đang là câu hỏi lớn với Dự án mô hình kinh tế VAPs.

Đào tạo người tự kỷ làm việc nhóm là môt trong những kết quả được ghi nhận tai VAPs

“Những người dẫn dắt giúp người tự kỷ đến gần hơn với các công ty tuyển dụng và tăng cơ hội việc làm. Đồng thời, các công ty tuyển dụng có thể hiểu hơn về tự kỷ và các cá nhân mong muốn làm việc tại công ty của họ. Vì vậy, dù có chiến lược bài bản và cụ thể trong việc thực hiện các mô hình kinh tế thí điểm nhằm tạo công ăn việc làm cho người tự kỷ theo phương thức chọn mẫu và sàng lọc, nhưng VAPs vẫn đang đi những bước chậm rãi trong những năm gần đây”, ông Trung bày tỏ.

Theo đó, yếu tố đắt giá nhất đối với dự án VAPs là con người, bao gồm người hướng dẫn có kiến thức bài bản, thấu hiểu thế giới của người tự kỷ và cả sự đồng hành cùng gia đình của người tự kỷ. Ngoài việc thấu hiểu, họ - những người dẫn dắt phải có được sự an nhiên về vật chất, tinh thần, để trở thành đồng nghiệp của những người tự kỷ.

Dự án VAPs là chiến lược đòi hỏi sự dài hơi, và thực sự khó khăn, nhưng ông Trung và cộng sự đã tìm được sự an nhiên để quyết tâm thực hiện dự án, xây dựng mô hình lao động chuyên nghiệp cho người tự kỷ ở Việt Nam.

Nói về những đặc điểm riêng biệt của người tự kỷ, ông Trung chia sẻ, thực tế đã chứng minh, người tự kỷ có một số kỹ năng phù hợp với một số vị trí công việc nhất định, có khả năng hoàn thành công việc tốt và chất lượng cao.

Theo đó, người tự kỷ có khả năng tập trung rất tốt vào các chi tiết, phù hợp với công việc mang tính tuần tự, có công thức thực hiện rõ ràng và không yêu cầu cao về thời gian hoàn thành.

Mô hình thu nhỏ của VAPs Mart đang được định hướng vào năm 2020 để tạo thêm viêc làm cho người tự kỷ

Một đặc điểm khác, người tự kỷ rất đúng giờ và đáng tin cậy. Nắm được những đặc điểm này, một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ngành dịch vụ trên thế giới đã tuyển dụng người tự kỷ vào một số những vị trí nhất định. Chẳng hạn, với công việc rửa xe, những lao động có tố chất và hành vi bình thường, luôn khiến người sử dụng lao động đau đầu vì sợ họ chủ quan, lười biếng, bỏ bớt các bước, không trung thực (lấy đồ của khách hàng để trên xe…) và thường nghỉ việc sau một thời gian làm việc vì đòi hỏi thu nhập và vị trí tốt hơn.

Nhưng với người tự kỷ, những nỗi lo ấy hoàn toàn không xảy ra. Với lao động là người tự kỷ, các bước thực hiện việc rửa xe sẽ được thực hiện tuần tự, đầy đủ, chính xác; luôn trung thực và thường gắn bó lâu dài, bởi không có nhiều đòi hỏi về nhu cầu cá nhân.

Hiện tại, VAPs đang thực hiện một số dự án bao gồm nhà hàng, thư viện và chương trình đào tạo việc làm trong lĩnh vực IT. Hiện tại, mô hình nhà hàng pizza nơi người tự kỷ thực hiện tất cả các công việc từ đầu đến cuối đang chứng tỏ hiệu quả tốt. Tại đây, mỗi người tự kỷ có thể hoàn thiện các công đoạn của mình như người nướng bánh, người phục vụ, người đón tiễn khách, người dọn dẹp vệ sinh khá thuần thục, mang phong cách chuyên nghiệp.

Năm 2020, VAPs dự định mở rộng thêm một số mô hình hoạt động dành cho người tự kỷ, trong đó có cửa hàng bán đồ văn phòng phẩm, siêu thị… Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và hợp tác trong và ngoài nước để các mô hình kinh tế hoạt động mang lại hiệu quả tốt và mở rộng hơn nữa.

Nguyễn Hạnh

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/doi-song/vaps-va-du-an-viec-lam-giup-thay-doi-cach-nhin-ve-nguoi-tu-ky-38382.html